✴️ Bệnh giãn phế quản mạn tính

Bệnh giãn phế quản mạn tính là gì?

Bệnh giãn phế quản mạn tính (BGPQMT) được hiểu là bệnh lý của các phế quản, do các cấu trúc của thành phế quản bị phá hủy hoặc suy yếu và giãn to. Các tổn thương của bệnh giãn phế quản mạn tính là những tổn thương không thể hồi phục, khác với tình trạng giãn phế quản cấp tính là tạm thời có thể hồi phục trong một số viêm nhiễm cấp tính như nhiễm siêu vi, viêm tiểu phế quản...

Trong BGPQMT, các phế quản có liên quan giãn ra, viêm và dễ bị xẹp làm tắc đường thở và cản trở việc làm sạch đờm dãi tiết ra.

Viêm phế quản mạn tính và khí thũng là hai tình trạng bệnh lý hay gặp nhất trong bệnh giãn phế quản mạn tính. Đây là tình trạng viêm và phù lớp lót của đường thở gây hẹp, kích thích tiết dịch nhày làm nặng thêm tắc đường thở và tăng tình trạng nhiễm trùng phổi, người bệnh ho suốt ngày để cố làm sạch đường thở.
Khí thũng là tình trạng phồng to quá mức của các phế nang, làm giảm chức năng của phổi và gây ra khó thở, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư ở Hoa Kỳ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính của BGPQMT ở các nước đã phát triển là hút thuốc lá, ở các nước đang phát triển gặp ở những người tiếp xúc với khói của nhiên liệu đốt dùng trong nấu ăn và nhà ở nóng nực thông khí kém, hoặc làm một số nghề nghiệp phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất dễ bay hơi độc cho đường hô hấp;

Các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp kéo dài, tái đi tái lại, bội nhiễm;

Trong lao phổi

Giãn phế quản thường gặp ở các thùy trên nhiều hơn so với các thùy dưới, nguyên nhân chưa rõ: do luồng khí đi vào các thùy trên tốt hơn, hay do dẫn lưu bạch huyết của các thùy trên kém hơn;

     nguyên nhân giãn phế quản mạn tính

Chít hẹp hay chèn ép đường dẫn khí

Ví dụ: các hạch quanh phế quản to ra có thể gây chèn ép, các khối ung thư lớn làm bít tắc phế quản hoàn toàn, hay một bệnh lý đặc biệt thường hay được nhắc đến trong nhóm bệnh giãn phế quản do trít hẹp là hội chứng thùy giữa (vì phế quản thùy giữa có cấu trúc giải phẫu “yếu” và “khiếm khuyết” so với các thùy khác, nên dễ bị chèn ép, hẹp lòng, khó thoát lưu đàm và dịch tiết);

Trong nhiễm nấm phế quản-phổi dị ứng do aspergillus, thường gặp giãn phế quản tại vùng trung tâm của phổi; Cũng có thể gặp các nhiễm trùng do các mycobacteria khác không phải lao như các mycobacteria gây hủi hay gây lao trâu bò;

Giãn phế quản ở trẻ em có tỷ lệ cao ở trẻ bị viêm mũi xoang, bệnh này có thể dẫn đến viêm phổi với giãn phế quản;  Một số nguyên nhân bẩm sinh mà hay gặp nhất là tình trạng xơ hóa nang.

Các tổn thương của các phế quản nhỏ hơn, xa hơn, gần phế nang hơn thuộc vào nhóm các bệnh lý xơ phổi, bệnh mô kẽ phổi, bệnh bụi phổi nghề nghiệp...

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng lâm sàng thường không xuất hiện cho đến khi đã có các tổn thương đáng kể của phổi, chỉ khoảng 20-30% người hút thuốc kinh niên là có biểu hiện lâm sàng rõ của BGPQMT, tuy rằng nhiều người hút thuốc kinh niên có thể bị suy giảm chức năng phổi. Người bệnh thường trên 40 tuổi, vì BGPQMT tiến triển chậm trong nhiều năm. Các dấu hiệu và triệu chứng của BGPQMT bao gồm:

  • Biểu hiện thường gặp nhất của giãn phế quản mạn tính là triệu chứng ho và khạc đàm kéo dài. Người mắc bệnh giãn phế quản thường bị khó thở khi hoạt động thể lực, khò khè, ho khạc nhiều đàm, kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Đàm khạc ra thường nhầy đục, để lâu sẽ lắng đọng thành lớp. Tình trạng ho khạc đàm này thường rõ rệt và nặng thêm khi thời tiết thay đổi, hoặc khi bị bội nhiễm.
  • Hay xảy ra các đợt nhiễm trùng hô hấp. Trong các đợt bội nhiễm: ứ đọng đàm nhớt nhiều hơn, đàm trở nên vàng đục hoặc vàng xanh, số lượng nhiều hơn. Người bệnh có thể có nóng sốt, mệt mỏi, uể oải, chán ăn, khó thở, nặng ngực... Các đợt bội nhiễm và ứ đọng này thường hay tái đi tái lại nhiều lần trong năm, điều trị kéo dài và khó khăn hơn so với các trường hợp nhiễm trùng hô hấp thông thường khác.
  • Một số biểu hiện của tình trạng thiếu ôxy mạn tính như dấu hiệu ngón tay dùi trống, móng tay hình mặt kính đồng hồ, tím môi, tím đầu móng... Có thể gặp ở những trường hợp giãn phế quản lâu ngày, có ảnh hưởng tới chức năng hô hấp và tim mạch. Mất sức, sụt cân (ở các giai đoạn muộn), phù các mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân. Có các thời kỳ bệnh nặng lên, các triệu chứng xấu hơn và kéo dài ít nhất là vài ba ngày.

Các xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán giãn phế quản là X-quang phổi qui ước, chụp ngực cắt lớp, chụp phế quản cản quang (ít làm), đo chức năng hô hấp, nội soi phế quản... Chụp cắt lớp độ phân giải cao là tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán BGPQMT.

Diễn tiến và biến chứng

Viêm phổi – áp xe phổi

Các đợt bội nhiễm có thể tiến triển nặng hơn, nhất là ở những người tuổi cao già yếu, đái tháo đường, Cushing...

Trở thành viêm phổi, gây hoại tử nhu mô và tạo áp xe phổi, gây ra suy hô hấp cấp, nhiễm trùng huyết... Đó là những tình trạng nặng có thể dẫn tới tử vong.

Áp xe phổi có thể vỡ vào màng phổi gây ra tràn mủ màng phổi, rò phế quản-màng phổi... Tiêm vacxin cúm hàng năm và vacxin chống phế cầu trùng có thể đề phòng một số nhiễm trùng.

Ho ra máu

Giãn phế quản là nguyên nhân hàng đầu của ho ra máu. Khác với ho ra máu do ung thư (lượng máu ít, dính đàm, như kiểu rỉ sét, kín đáo thoáng qua), ho ra máu do giãn phế quản có thể tiến triển thành từng đợt, với số lượng ít, máu đỏ tươi hòa loãng với đàm và dịch tiết, vài chục ml mỗi lần và kéo dài 1 - 2 tuần, tái đi tái lại; nhưng cũng có thể diễn tiến đột ngột với khối physema lượng lớn, gọi là ho ra máu sét đánh, máu tràn ngập đường thở gây ra suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.

Khí thũng và bệnh bóng khí phổi

Giãn phế quản và viêm nhiễm lâu ngày có thể dẫn tới tình trạng ứ khí và suy hô hấp mạn tính, làm phá hủy cấu trúc các phế nang đưa đến khí phế thũng. Các phế nang bị căng giãn lan tỏa tạo nên các bóng khí, sự trao đổi oxy và cân bằng thông khí-tưới máu tại phổi bị rối loạn, các vùng phổi lành lân cận bị chèn ép, hoặc vỡ các bóng khí gây tràn khí màng phổi, có thể dẫn tới suy hô hấp cấp và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Suy hô hấp – Tâm phế mạn

Giãn phế quản và suy hô hấp lâu ngày, thay đổi cấu trúc mạch máu tại phổi gây ra cao huyết áp tại các động mạch phổi, sẽ dẫn tới hậu quả là suy giảm chức năng của tim phải, làm người bệnh khó thở thường xuyên, mất khả năng gắng sức, phù chân, gan to, xơ gan... Là những biểu hiện mà y học gọi là chứng tâm phế mạn (suy tim phải do bệnh phổi mạn tính).

Ung thư phổi. Nguy cơ ung thư phổi cao hơn, bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ này.

Điều trị

Điều trị giãn phế quản chủ yếu là điều trị nội khoa. Người bệnh thường được hướng dẫn tập ho khạc, dẫn lưu đàm nhớt theo tư thế, tập hít thở, vật lý trị liệu hô hấp.

Các tình huống thường được chỉ định phẫu thuật là: giãn phế quản khu trú, giãn phế quản đáp ứng kém với điều trị nội khoa, tái phát nhiều lần dai dẳng, ho ra máu dai dẳng hoặc ho ra máu lượng nhiều, có biến chứng áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, bóng khí phổi gây chèn ép, tràn khí màng phổi, hội chứng thùy giữa...

Giãn phế quản có ho ra máu lượng nhiều, trong tình huống cấp cứu hoặc một số trường hợp nặng không thể phẫu thuật, có thể nội soi làm thuyên tắc động mạch phế quản một lần hoặc nhiều lần để cầm máu tạm thời.

Đối với các trường hợp giãn phế quản do dị vật, cần phải được lấy bỏ dị vật qua nội soi phế quản, hoặc nếu khó khăn phải dùng đến phẫu thuật.

Phòng ngừa

Giãn phế quản là bệnh lý mạn tính tiến triển lâu dài, có thể dẫn tới biến chứng nặng và nguy hiểm tính mạng. Để phòng tránh, phải điều trị tốt và dứt điểm các viêm nhiễm đường hô hấp, tránh để kéo dài. Phải điều trị lao thật tốt, theo đúng phác đồ để tránh tái phát hoặc kháng thuốc. Phải chích ngừa một số bệnh nhiễm trùng hô hấp thường gặp như lao, cúm, ho gà. Các dị vật đường thở phải được phát hiện và lấy bỏ sớm trước khi ảnh hưởng đến cấu trúc phế quản. Nên tập hít thở thường xuyên, không hút thuốc lá và tránh các điều kiện ô nhiễm không khí khói bụi hay các hóa chất bay hơi độc hại.

Xem thêm: Khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top