Hen phế quản (asthma) là bệnh lý viêm mạn tính của đường hô hấp, đặc trưng bởi tình trạng co thắt phế quản từng cơn, phản ứng quá mức của đường thở với các yếu tố kích thích. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở trẻ em và người có cơ địa dị ứng.
Hen phế quản có thể do virus, vi khuẩn, dị nguyên môi trường hoặc thực phẩm, và thường bùng phát khi tiếp xúc với yếu tố kích thích hoặc nhiễm trùng hô hấp.
Hen phế quản là do nhiều nguyên nhân gây ra khiến người bệnh ho, khó thở, nặng ngực trong thời gian dài
Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp:
Thở khò khè, đặc biệt khi thở ra.
Ho, đặc biệt về đêm hoặc khi gắng sức.
Khó thở, cảm giác thắt ngực.
Một số bệnh nhân có ngứa họng, hắt hơi, chảy nước mũi kèm theo, nhất là khi có yếu tố dị ứng đi kèm.
Các triệu chứng thường tăng nặng về đêm hoặc khi tiếp xúc với dị nguyên như:
Khói thuốc lá, bụi, nấm mốc, lông động vật.
Thay đổi thời tiết, không khí lạnh.
Thức ăn dễ gây dị ứng: hải sản, trứng, đậu phộng…
Nhiễm siêu vi hoặc gắng sức thể lực.
Cần lưu ý: Cơn hen cấp nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới suy hô hấp cấp, nguy hiểm đến tính mạng.
Corticoid dạng hít (ICS): là thuốc nền tảng kiểm soát hen, sử dụng lâu dài:
Ví dụ: Budesonide (Pulmicort), Fluticasone (Flixotide).
Dùng bằng buồng đệm (babyhaler) ở trẻ nhỏ.
Liều dùng theo từng mức độ kiểm soát, bắt đầu từ liều thấp và tăng dần nếu hen chưa kiểm soát.
Thuốc chủ vận β2 tác dụng kéo dài (LABA): Không dùng đơn độc, chỉ sử dụng phối hợp với ICS:
Ví dụ: Salmeterol/Fluticasone (Seretide), Formoterol/Budesonide (Symbicort).
Kháng leucotriene (Montelukast): hỗ trợ điều trị hen mức độ trung bình đến nặng, hoặc hen khó kiểm soát dù đã dùng ICS liều cao.
Cách điều trị hen phế quản chủ yếu là dùng thuốc kết hợp với thay đổi chế độ sinh hoạt
Chủ vận β2 tác dụng nhanh (SABA): như Salbutamol, là lựa chọn hàng đầu để cắt cơn hen cấp.
Nếu người bệnh (đặc biệt là trẻ em) có các dấu hiệu tím tái, khóc yếu, nói ngắt quãng, không đáp ứng với thuốc xịt cắt cơn => cần đưa đi cấp cứu ngay.
Để kiểm soát hen hiệu quả, người bệnh cần tránh các yếu tố khởi phát:
Không hút thuốc lá, tránh hít phải khói thuốc.
Tránh tiếp xúc với bụi bẩn, lông thú nuôi, nấm mốc, hóa chất có mùi nồng (sơn, xịt phòng, nước hoa).
Tránh thực phẩm dị ứng như hải sản, trứng, đậu phộng (nếu có tiền sử dị ứng).
Giữ ấm vùng mũi – họng khi thay đổi thời tiết.
Tránh tắm nước lạnh hoặc ra ngoài gió lạnh lâu.
Dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng.
Tập thể dục nhẹ nhàng (đi bộ, bơi lội, yoga) để cải thiện chức năng hô hấp.
Tái khám định kỳ để đánh giá hiệu quả điều trị, chỉnh liều thuốc nếu cần.
Tự theo dõi triệu chứng hàng ngày (có thể sử dụng nhật ký hen hoặc thiết bị đo lưu lượng đỉnh – PEF).
Hen phế quản là bệnh lý mạn tính nhưng có thể kiểm soát hiệu quả nếu được điều trị đúng phác đồ và loại bỏ các yếu tố khởi phát. Việc tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc, tái khám đúng lịch và điều chỉnh lối sống đóng vai trò then chốt trong việc duy trì chất lượng sống và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh