Lao phổi tái phát là gì?
Lao phổi tái phát là tình trạng bệnh nhân nhiễm lao phổi đã điều trị khỏi nhưng lại bị mắc lại. Có rất nhiều nguyên nhân khiến lao phổi tái phát như:
– Trong thời gian điều trị trước dùng thuốc không đúng chỉ định, tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
– Thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây bệnh (người nhiễm lao), sức đề kháng suy yếu…
Đối với những bệnh nhân đã điều trị lao phổi nếu không tăng cường sức đề kháng và thực hiện chế độ dinh dưỡng sinh hoạt điều độ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao bùng phát. Lúc này việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nếu chuyển sang lao kháng thuốc thì khả năng chữa khỏi vô cùng thấp.
Vì vậy, mỗi một bệnh nhân lao phổi đã điều trị khỏi luôn được các bác sĩ căn dặn để tránh lao phổi tái phát.
Cách phòng lao phổi tái phát
Bệnh lao phổi rất dễ tái phát trở lại nếu chúng ta không có biện pháp dự phòng bệnh. Có nhiều cách phòng lao phổi tái phát như:
Tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh
Những người đang điều trị bệnh lao chính là nguồn lây bệnh ngược lại cho người đã từng điều trị khỏi bệnh.
Con đường lây lan của lao phổi là qua đường hô hấp, vì vậy rất khó để kiểm soát được nó. Thông thường với những bệnh nhân lao phổi khi ho, khạc đàm, hắt hơi…đều cho ra ngoài môi trường vi khuẩn lao, các vi khuẩn này bay lơ lửng ngoài không khí, người bình thường hoặc người đã điều trị lao phổi khỏi khi hít phải đều có thể bị nhiễm lao.
Chính vì thế, cần hạn chế tối đa tiếp xúc với người bị bệnh sẽ giúp phòng ngừa lao phổi tái phát.
Trong trường hợp buộc phải tiếp xúc hoặc thường xuyên tiếp xúc ở nơi đông người cần trang bị các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc…Tuy nhiên không tránh được khả năng lây nhiễm.
Tăng cường sức đề kháng
Đối với những người đã điều trị lao phổi, thường gặp phải những tổn thương nghiêm trọng về đường hô hấp, phổi, gan…do quá trình điều trị trước gây ra. Mặc dù bệnh đã được kiểm soát nhưng người bệnh lao phổi cũng cần phải tăng cường sức đề kháng, nhất là sức đề kháng của đường hô hấp, để chống lại những vi khuẩn lao có thể xâm nhập lại vào cơ thể.
Thông thường, vi khuẩn lao chỉ gây bệnh được khi sức đề kháng, hệ miễn dịch của chúng ta suy yếu. Nếu cơ thể có đủ sức đề kháng khống chế được vi khuẩn lao thì sẽ khống chế lao phổi tái phát. Vì vậy, để tăng cường sức đề kháng cần:
Hạn chế sử dụng các chất có cồn, chất kích thích như rượu, cafe, thuốc lá…bảo vệ cơ thể khỏi những chất gây hại cho đường hô hấp như khói bụi, chất bẩn…
Thực hiện lối sống sinh hoạt điều độ và khoa học. Thường xuyên vận động thể dục thể thao đều đặn hàng ngày sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.
Tái khám định kỳ
Việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp người bệnh nắm được tình trạng sức khỏe, khả năng phục hồi bệnh. Đồng thời, bác sĩ sẽ giúp xác định xem có tiềm ẩn vi khuẩn lao trong cơ thể hay không, tư vấn biện pháp phòng ngừa bệnh lao phổi tái phát phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh