✴️ Đặt catheter qua màng nhẫn giáp lấy bệnh phẩm

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG 

Đây là kỹ thuật lấy bệnh phẩm trong khí phế quản để xét nghiệm chẩn đoán tế bào học, vi sinh vật bằng cách đặt một catheter qua màng nhẫn giáp để hút dịch khí phế quản hoặc rửa khí phế quản với một lượng dịch nhỏ. Phương pháp này có thể thực hiện được đối với người bệnh có suy hô hấp mặc dù có một số biến chứng như tràn khí dưới da, tràn khí trung thất, ho máu, chảy máu tại chỗ. 

 

CHỈ ĐỊNH 

Lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm vi sinh vật (vi khuẩn, nấm, lao…) trong trường hợp người bệnh mắc các bệnh phổi nhiễm trùng không khạc được đờm: viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản bội nhiễm, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao phổi không ho khạc được đờm, nấm phổi, nhiễm trùng cơ hội ở người bệnh HIV/AIDS…

Lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm tế bào học tìm tế bào ung thư đối với người bệnh u phổi thể trạng không cho phép tiến hành nội soi phế quản, sinh thiết khối u…

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH 

Rối loạn cầm máu đông máu: Cần điều chỉnh trước khi tiến hành thủ thuật.

Bướu cổ gây che lấp màng nhẫn giáp, che lấp đường vào của catheter.

Người bệnh đang bị suy hô hấp rối loạn huyết động nặng. 

Có cơn cường giáp cấp.

Người bệnh không hợp tác với thầy thuốc khi tiến hành thủ thuật.

 

CHUẨN BỊ 

Người thực hiện 

01 Bác sĩ chuyên khoa Hô hấp, cấp cứu, hồi sức cấp cứu.

01 Điều dưỡng phụ đã được đào tạo về quy trình.

Phương tiện

Bộ catheter cỡ 2mm, dài 30cm.

Bơm tiêm 50ml. 

Ống nghiệm vô khuẩn đựng bệnh phẩm.

Dung dịch NaCl 0,9% để bơm rửa khi cần.

Dung dịch Xylocain 2% và bơm tiêm 5ml để gây tê.

Kẹp phẫu tích, bông, gạc, cồn sát trùng.

Ống nghiệm vô khuẩn có đề tên người bệnh, số giường, khoa điều trị.

Người bệnh

Giải thích cho người bệnh mục đích thủ thuật.

Khám lâm sàng cẩn thận.

Ghi mạch, huyết  áp, nhịp thở, SpO2 trước và sau làm thủ thuật.

Hồ sơ bệnh án 

Bệnh án với đầy đủ các xét nghiệm và mang theo phim X quang phổi, cắt lớp vi tính ngực (nếu có). Giấy cam kết đồng ý phẫu thuật của người bệnh và hoặc người nhà.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH 

Đặt người bệnh nằm ngửa trên giường, đầu ngửa tối đa.

Kê vai cao, cổ ưỡn 30◦ so với mặt giường để bộc lộ vùng cổ.

Xác định vùng khe giữa sụn nhẫn, sụn giáp.

Sát khuẩn tại chỗ bằng Betadin và sau đó bằng cồn 70o.

Gây tê vùng chọc.

Hút dịch phế quản bằng phương pháp đặt catheter qua màng nhẫn giáp với bơm 50ml.

Chọc kim dẫn ống thông qua màng nhẫn giáp (vùng đã gây tê) sâu khoảng  1,5-2cm. Đầu kim chếch xuống phía hõm ức, đốc kim làm một góc 30 độ so với khí quản.

Luồn ống thông từ từ vào khí quản.

Muốn vào bên phế quản nào thì đầu người bệnh quay về bên đối diện.

Lắp hệ thống hút, nếu ít dịch không đủ làm xét nghiệm thì bơm qua ống thông 5-10ml dung dịch natriclorua 0,9% rồi hút.

Khi đã kết thúc thủ thuật, rút cả kim và ống thông đồng thời.

Ép chặt chỗ chọc đề phòng tràn khí dưới da chỗ chọc.

 

THEO DÕI 

Theo dõi người bệnh sau thủ thuật để phát hiện biến chứng có thể xảy ra:

Tràn khí dưới da cổ. 

Chảy máu chỗ chọc. 

Ho ra máu. 

Sốc do thuốc tê. 

Những ngày sau có sốt hay không. 

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ 

Một số tai biến và cách xử trí tai biến

Tràn khí dưới da chỗ chọc: Băng ép 10-15 phút. 

Tràn khí trung thất: Thở oxy.

Ho ra máu ít không cần xử trí.

Ho ra máu nhiều: Dùng các thuốc cầm máu, tìm nguyên nhân chảy máu, xem xét nội soi phế quản cầm máu.

Sốc do thuốc tê: Xử trí như sốc phản vệ.

Sốt: Kháng sinh từ 3-5 ngày.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Y tế “Hướng dẫn quy trình kĩ thuật bệnh viện tập 1”. Nhà Xuất bản Y học (1999). 

Alfred P. Fishman, Jack A. Elias, Jay A. Fishman,"Pulmonary diseases and disorders", 4th Mc Graw Hill company, 2008.

Dennis L. Kasper, Eugene Braunwald, Anthony S. Fauci et al "Harrison’s principle of internal medicine" 18th edition Mc Graw Hill company, 2011.

Jonh F. Murray, Jay A. Nadel "Textbook of respiratory medicine 5th edition", W.B Saunders company, 2010.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top