✴️ Điều trị viêm phế quản

Nội dung

Viêm phế quản là bệnh lý hô hấp thường gặp nhất. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính khác nhau. Trẻ em, người già, phụ nữ có thai là những người dễ mắc bệnh hơn cả. Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng, việc điều trị viêm phế quản sẽ nhanh khỏi và phòng tránh trở thành mạn tính về sau. 

1. Điều trị viêm phế quản ở trẻ em

1.1. Điều trị viêm phế quản thể nhẹ ở trẻ em

Đối với những trường hợp viêm phế quản thể nhẹ ở trẻ, điều trị chủ yếu là kiểm soát triệu chứng viêm phế quản. Bao gồm:

  • Cho trẻ nghỉ ngơi tại giường.
  • Có thể không cần dùng kháng sinh để điều trị viêm phế quản thể nhẹ. Do bệnh viêm phế quản đa phần tự giới hạn và khỏi trong vòng 1-3 tuần.
  • Nếu trẻ ho nhiều giảm ho cho trẻ bằng các biện pháp dân gian an toàn. Ví dụ đối với trẻ trên 1 tuổi có thể dùng mật ong chanh để làm dịu cơn ho khó chịu. Một số thuốc giảm ho dạng siro hay viên uống có thể dùng nhưng không lạm dụng.
  • Nếu trẻ sốt nhẹ <38,5 độ C, chườm ấm cho trẻ để hạ sốt và theo dõi. Nếu sốt cao trên 38,5 độ C, cho trẻ dùng thuốc paracetamol liều 10-15mg/kg, cách nhau mỗi 6 tiếng.
  • Lưu ý đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Đảm bảo trẻ được uống đủ nước đề phòng mất nước xảy ra.
  • Theo dõi và phát hiện các biểu hiện nặng của bệnh để kịp thời cho trẻ đến viện.

1.2. Điều trị viêm phế quản thể nặng ở trẻ em

– Chỉ định dùng kháng sinh trong các trường hợp như sau:

  • Trẻ ho kéo dài và khạc đờm mủ trên 7 ngày.
  • Hoặc trẻ có cơ địa viêm mũi mủ, viêm amiđan, viêm VA, viêm tai giữa phối hợp.

– Lựa chọn kháng sinh ban đầu thuộc nhóm betalactam như amoxicillin, ampicillin.

– Thời gian điều trị kháng sinh từ 7 – 10 ngày

– Kết hợp với các thuốc điều trị triệu chứng:

  • Thuốc long đờm acetylcystein nếu trẻ ho nhiều có đờm.
  • Khi có dấu hiệu co thắt phế quản: dùng thuốc giãn phế quản đường phun hít hoặc khí dung (salbutamol).
  • Thở oxy liệu pháp nếu trẻ có khó thở, suy hô hấp.

– Theo dõi điều trị và phòng ngừa các biến chứng cho trẻ.

2. Điều trị viêm phế quản ở người lớn

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp tính ở người lớn có thể tự giới hạn và khỏi hoàn toàn trong vòng 1 đến 3 tuần. Điều trị triệu chứng và phòng ngừa biến chứng là chủ yếu. Kháng sinh không được khuyến cáo là thuốc trị viêm phế quản trong mọi trường hợp.

Điều trị viêm phế quản ở người lớn

2.1. Điều trị triệu chứng

Điều trị viêm phế quản thông thường chủ yếu tập trung vào vấn đề điều trị triệu chứng bao gồm:

– Người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý. Tránh lao động làm việc nặng. Giữ ấm cơ thể đề phòng nhiễm lạnh.

– Giảm ho long đờm: Nếu người bệnh ho nhiều gây mất ngủ có thể dùng các thuốc giảm ho long đờm như:

  • Dextromethorphan 10-30 mg một lần, cách nhau 4-6 giờ
  • Hoặc guaifenesin dạng siro hoặc viên uống
  • Hoặc acetylcystein 200 mg x 3 gói/ngày.

– Một số ít trường hợp ho khan nhiều làm người bệnh mất ngủ, đau tức ngực, gây ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt thường ngày. Khi đó có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm ho dẫn xuất morphin. Như terpin codein 1-2 viên/lần x 2-3 lần/ngày. Tuy nhiên cần thận trọng do nhiều tác dụng phụ và có thể gây nghiện cho người uống.

– Các biện pháp dân gian nên sử dụng để làm dịu cơn ho và giảm kích thích cổ họng. Như giữ ấm vùng cổ, dùng mật ong, chanh hoặc trà gừng giảm ho… Đặc biệt cần bỏ hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc mới mang lại hiệu quả điều trị tốt.

– Viêm phế quản uống thuốc gì nếu có khò khè khó thở? Nếu người bệnh khò khè khó thở do co thắt phế quản, có thể dùng thuốc giãn phế quản cường β2 đường phun hít như salbutamol, terbutanyl. Hoặc khí dung salbutamol 5 mg. Hoặc thuốc uống salbutamol 4 mg x 2-4 viên/ngày.

– Bảo đảm người bệnh được uống đủ nước và có chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý.

2.2. Sử dụng kháng sinh

– Không cần dùng kháng sinh cho viêm phế quản cấp đơn thuần ở người bình thường.

– Chỉ định dùng kháng sinh trong một số trường hợp như:

  • Ho kéo dài trên 7 ngày.
  • Ho, khạc đờm mủ rõ.
  • Viêm phế quản cấp ở người có bệnh mạn tính nặng như suy tim, đái tháo đường, ung thư…

– Chọn kháng sinh tùy thuộc loại vi khuẩn và tình hình kháng thuốc tại địa phương. Thuốc điều trị viêm phế quản kháng sinh có thể dùng một trong các lựa chọn sau:

  • Ampicillin hoặc amoxicilin liều 3 g/ngày
  • Amoxicillin + acid clavulanic liều 3 g/ngày
  • Ampicillin + sulbactam liều 3 g/ngày
  • Cephalexin 2-3 g/ngày hoặc Cefuroxim 1,5 g/ngày
  • Erythromycin 1,5 g/ngày x 7 ngày
  • Hoặc azithromycin 500 mg x 1 lần/ngày x 3 ngày

Đối với viêm phế quản mạn tính, ngoài sử dụng thuốc thì việc giữ gìn vệ sinh đường thở cũng rất quan trọng. Cần tránh hít phải khói thuốc. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc khói bụi ô nhiễm. Tránh nhiễm lạnh cho cơ thể. Đồng thời có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin C, khoáng chất, chất xơ. Như vậy mới giúp điều trị viêm phế quản mạn tính đạt được hiệu quả cao nhất và phòng ngừa tái phát bệnh.

3. Phòng bệnh viêm phế quản

Một số biện pháp sau giúp phòng ngừa bệnh viêm phế quản xảy ra, đó là:

– Loại bỏ yếu tố kích thích như:

  • Không hút thuốc lá thuốc lào
  • Tránh khói bụi ô nhiễm, khói bếp…
  • Vệ sinh môi trường nhà ở, môi trường làm việc và môi trường xung quanh sạch sẽ.
  • Giữ ấm vào mùa lạnh, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ.

– Tiêm phòng vắc-xin phòng cúm, phế cầu.

– Điều trị các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt có thể là ổ nhiễm khuẩn ban đầu dẫn tới viêm phế quản.

– Vệ sinh răng miệng, vệ sinh mũi họng thường xuyên hàng ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top