Dấu hiệu nhận biết sớm chứng trầm cảm sau sinh

Nội dung

Điều quan trọng là cả người vợ và người chồng cần nhận biết được các dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh để có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia nếu bạn không thể tự bản thân đương đầu với nó.

Mọi bậc cha mẹ đều sẽ phải trải qua một giai đoạn gọi là thời kỳ điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi lớn khi lần đầu tiên phải chăm sóc một đứa trẻ. Đối với hầu hết mọi người, khoảng thời gian điều chỉnh này chỉ là tạm thời và nó sẽ không gây quá nhiều căng thẳng.

Nhiều phụ nữ lại gặp phải những cơn buồn thoáng qua trong vòng vài ngày sau khi sinh em bé (baby blues). Tình trạng này thường chỉ kéo dài trong vòng 2 – 3 ngày và bạn sẽ thường cảm thấy lo lắng, tâm trạng buồn phiền và muốn khóc trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên thường nó sẽ tự hết mà không cần phải điều trị.

Khi những cảm giác này kéo dài hơn và các triệu chứng có biểu hiện nặng hơn, đó có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh.

Các triệu chứng trầm cảm sau sinh

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy một người nào đó có thể đang phải đương đầu với chứng trầm cảm sau sinh. Các dấu hiệu phổ biến nhất bao gồm:

  • Luôn trong tâm trạng tồi tệ
  • Cảm giác thất bại và không đủ tư cách làm mẹ
  • Cảm thấy vô vọng về tương lai
  • Luôn kiệt sức, mệt mỏi, buồn bã, trống rỗng
  • Cảm giác tội lỗi, xấu hổ và thấy bản thân vô dụng
  • Cảm thấy lo lắng và hoảng sợ
  • Khó ngủ, ngủ khó tỉnh giấc hoặc gặp ác mộng
  • Luôn lo lắng thái quá về con của mình
  • Sợ cảm giác cô đơn hoặc sợ đi ra ngoài

Trong một số trường hợp, một số phụ nữ thường nảy sinh suy nghĩ muốn rời bỏ gia đình hoặc lo sợ cảm giác bị người thân bỏ rơi. Họ thường có những ý nghĩ muốn làm hại bản thân hoặc làm gì đó có  hại cho người chồng và con cái. Trong những tình huống như vậy, việc điều trị là quan trọng và khẩn cấp.

 

Chẩn đoán chứng trầm cảm sau sinh

Nếu các triệu chứng nêu trên kéo dài trên 2 tuần, hãy thông báo cho bác sỹ hoặc nhân viên y tế. Chứng trầm cảm sau sinh cần phải được chẩn đoán đúng và điều trị bởi những chuyên gia y tế có kinh nghiệm.

Thang đo chỉ số trầm cảm sau sinh Edinburgh

Thang đo chỉ số trầm cảm sau sinh (Edinburgh Postnatal Depression Scale – EPDS) là một bộ câu hỏi về cảm xúc và các triệu chứng phụ nữ thường gặp phải sau sinh. Thang EPDS không được sử dụng để chẩn đoán nhưng có thể chỉ ra được liệu bạn có những triệu chứng tương tự với trầm cảm và lo lắng hay không.

Chứng rối loạn tâm thần hậu sản (puerperal psychosis)

Rối loạn tâm thần hậu sản là một hội chứng ít gặp hơn và có thể xuất hiện trong tuần đầu tiên và kéo dài tới 12 tuần sau sinh. Người mẹ mắc hội chứng này thường gặp khó khăn để có thể suy nghĩ thông suốt, và có thể mắc chứng hoang tưởng bộ phận (paranoia), thay đổi tính tình, áo giác, có thể tự làm hại bản thân, em bé của mình hay người khác. Tình trạng này cần ngay lập tức được trị liệu trong bệnh viện.

Chứng trầm cảm ở nam giới

Trầm cảm sau sinh không chỉ là một căn bệnh riêng của phụ nữ.Ngay cả nam giới cũng có thể mắc phải hội chứng này cùng thời điểm với người vợ hoặc chỉ bản thân người chồng gặp phải.

 

Điều trị trầm cảm sau sinh

Một số phương pháp điều trị khác nhau có thể được sử dụng trong điều trị chứng trầm cảm sau sinh bao gồm:

  • Tư vấn
  • Điều trị tâm lý
  • Điều trị theo nhóm
  • Các giải pháp hỗ trợ
  • Các loại thuốc chống trầm cảm

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè là rất quan trọng trong giai đoạn này.

Hỗ trợ từ người thân

Bạn bè và gia đình chắc chắn rằng người mẹ bị trầm cảm đang được bác sĩ chỉ định điều trị. Nếu đơn thuốc không thích hợp thì phải động viên bệnh nhân trở lại bác sĩ và yêu cầu thay đổi đơn thuốc.

Gia đình nên hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và sự giúp đỡ của họ có thể giúp cho người mẹ phục hồi nhanh chóng.

Đừng quên rằng người mẹ không được khỏe và không nên quấy rầy. Hãy cố gắng đối xử với cô ấy như một người bình thường.

Hãy để người mẹ được nghỉ ngơi nhiều hơn, còn khi khỏe thì cô ấy có thể làm bất cứ việc gì yêu thích.

Hãy nhớ rằng trầm cảm không phải là một dấu hiệu của bệnh. Thường thì một người mẹ trầm cảm không thích sự cô độc, do vậy hãy cố gắng sắp xếp để lúc nào cũng có 1 người mà cô ấy có thể tin tưởng ở bên cạnh.         

Điều trị bằng thuốc

Cố gắng báo với bác sĩ về tất cả các triệu chứng gây khó chịu, điều này sẽ giúp cho bác sỹ chẩn đoán chính xác về bệnh hơn. Thuốc được kê toa thông thường hoặc là thuốc an thần hoặc là thuốc chống trầm cảm.

Nếu dùng thuốc làm người bệnh cảm thấy khó chịu hơn thì nên đến bác sĩ đổi thuốc, nếu bạn dùng thuốc trong vài tuần mà không hiệu quả thì cũng nên đến bác sĩ thay đổi thuốc khác mạnh hơn hoặc tăng liều.

Bên cạnh việc dùng thuốc thì điều quan trọng là phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp nên được dùng.

Nếu thuốc thích hợp với bạn thì đừng nên rút ngắn thời gian điều trị bởi vì trầm cảm cần thời gian điều trị kéo dài để được phục hồi hoàn toàn. Nếu sau khi ngưng thuốc mà các triệu chứng tái phát thì đừng nên thất vọng mà nên đến bác sĩ tư vấn  thêm. Thông thường bác sĩ tiếp tục điều trị với thuốc trước đó. Sau đó nếu có hiệu quả thì giảm liều dần, và điều này dự phòng được việc tái phát. 

Tư vấn 

Nếu trầm cảm nhẹ thì việc tư vấn đơn thuần có thể giúp người bệnh vượt qua được. 

Nếu trầm cảm nặng có điều trị thuốc thì việc tư vấn cũng giúp ích cho bệnh nhân.

Tư vấn có  thể mỗi tuần 1 lần hoặc nhiều hơn.

Vai trò của bản thân

Điều quan trọng nhất là bạn phải tin tưởng rằng mình sẽ tốt hơn, bạn cần sự kiên nhẫn và nhận thức rằng sự phục hồi sẽ đến sớm. Bạn nên biết rằng triệu chứng đau và nhức xuất hiện khá nhiều ở phụ nữ bị bệnh trầm cảm sau sinh, và đó không phải là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng. Nhiều phụ nữ nghĩ rằng nhức đầu do u não, đau ngực do bệnh  tim, vì vậy nó làm cho bệnh trầm cảm nặng nề hơn. Hãy thư giãn và quên đi đau đớn thì căn bệnh trầm cảm sẽ dần dần tan biến.

Hãy nghỉ ngơi nhiều bởi vì sự mệt mỏi sẽ làm cho bệnh trầm cảm trầm trọng hơn. Tránh thức khuya. Đừng quên ăn uống đầy đủ vì nếu hạ đường huyết cũng sẽ làm cho bệnh nặng nề hơn. Nên ăn nhiều trái cây và rau quả khi bạn cảm thấy đói. Nên uống viên đa vitamin mỗi ngày.

Đừng ép bản thân làm những điều mình không thích hoặc những điều gây khó chịu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top