✴️ Ho mạn tính là gì? Ho mạn tính có chữa trị được không?

1. Ho mạn tính có nguy hiểm không?

Ho mạn tính có thể hiểu một cách đơn giản là tình trạng ho kéo dài nhưng chưa được chữa khỏi. Các cơn ho có thể xuất hiện cả ngày hoặc về đêm sẽ xuất hiện nhiều về đêm dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Trên thực tế đã có những trường hợp bệnh nhân bị nôn mửa, chóng mặt hay thậm chí ảnh hưởng nặng đến xương sườn do tình trạng ho mạn tính.

Tình trạng này có thể đi kèm với các dấu hiệu khác cũng gây không ít phiền toái đến đời sống của bệnh nhân. Sổ mũi, đau rát cổ họng, chóng mặt, khàn tiếng, ợ nóng hay ợ chua,… là những triệu chứng đi kèm thường gặp khi người bệnh bị ho mạn tính. Có một số ít bệnh nhân còn có biểu hiện ho ra máu bởi tình trạng ho mạn tính này gây ra.

Có thể nói rằng ho mạn tính được xem là dấu hiệu nhận biết của rất nhiều căn bệnh nguy hiểm. Một số nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng ho mạn tính như bệnh: Hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp, trào ngược dạ dày hay viêm phế quản mạn tính, ung thư phổi, lao phổi, suy tim,... Bệnh nhân có thể đã bị mắc phải một hoặc một số bệnh lý kể trên nên dẫn tới tình trạng ho kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng hay còn gọi là ho mạn tính.

2. Ho mạn tính chỉ có ở người già?

Có rất nhiều ý kiến cho rằng tình trạng ho mạn tính chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, khi mà sức đề kháng của con người đã bị giảm đi đáng kể do vấn đề tuổi tác. Tuy nhiên, nhận định này lại hoàn toàn sai lệch dẫn đến những mối họa tiềm tàng cho đối tượng trẻ em hay người trưởng thành vì chủ quan. 

Ho mạn tính có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, bất kì ngành nghề hay sắc tộc nào, thậm chí bởi tình hình phát triển của xã hội đã vô tình kéo theo các tác nhân gây bệnh nhiều hơn như ô nhiễm môi trường, yếu tố công việc hay các chất kích thích,…

Theo các chuyên gia về y học thì đối với từng độ tuổi tình trạng ho mạn tính sẽ báo hiệu những căn bệnh khác nhau và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Bệnh nhân có thể được coi là mắc phải chứng ho mạn tính hay không phụ thuộc vào thời gian kéo dài của hiện tượng ho. Ở trẻ em, khoảng thời gian ho kéo dài quá 4 tuần sẽ được chẩn đoán là ho mạn tính, còn ở người trưởng thành là trên 8 tuần.

 Ho mạn tính chỉ có ở người già

3. Điều trị ho mạn tính như thế nào?

Khi nhận thấy người bệnh có khả năng đã bị ho mạn tính thì bạn phải đến gặp các bác sĩ để chẩn đoán bệnh lý một cách chính xác nhất và tìm ra phương pháp điều trị sớm nhất có thể. Với sự phát triển vượt trội của ngành y tế ngày nay thì việc chẩn đoán việc bạn có bị ho mạn tính hay không không phải là chuyện không thể.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ thường sử dụng những phương pháp để chẩn đoán tình trạng ho mạn tính thông qua:

  • Sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X-quang tim phổi, chụp cắt lớp vi tính (CT) lồng ngực.
  • Đo chức năng hô hấp.
  • Xét nghiệm các chất dịch, chất nhầy mà người bệnh ho ra.

Tùy vào việc đánh giá tình trạng phổi của bệnh nhân trên lâm sàng và các kết quả thăm dò khác mà bác sĩ có thể đưa ra các thăm dò chuyên sâu hơn như: nội soi phế quản, sinh thiết màng phổi, sinh thiết xuyên thành ngực,...

Điều trị ho mạn tính?

Việc đầu tiên để tìm ra được phương pháp điều trị ho mạn tính là phải xác định nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng ho mạn tính là gì. Tất nhiên không phải lúc nào ho mạn tính cũng chỉ do một bệnh lý gây ra, vì vậy việc xác định nguyên nhân được coi là bước quan trọng nhất để điều trị ho mạn tính.

Ngoài ra, việc điều trị ho mạn tính cũng phải dựa trên ý thức tuân thủ phác đồ điều trị của người bệnh, tránh tình trạng bệnh lý nặng hơn do không biết kiêng cữ giữ gìn sức khỏe bản thân. Trong thời gian tìm hiểu nguyên nhân gây ho mạn tính người bệnh nên làm những việc sau có thể giúp tình trạng ho mạn tính có phần thuyên giảm:

  • Tránh các loại khí độc, khí ô nhiễm từ xe cộ, môi trường đặc biệt là từ khói thuốc lá và các chất kích thích.
  • Luôn giữ ẩm cho không khí xung quanh người bệnh bằng cách sử dụng các loại máy tạo ẩm, tắm vòi sen,…
  • Bảo vệ khu vực cổ họng bằng cách vệ sinh sạch sẽ, súc miệng nước muối tầm 3 lần/ngày. Tránh ăn những đồ quá nóng hoặc quá lạnh để niêm mạc họng không bị tổn thương. Giữ ấm đường thở bằng cách quấn khăn quanh cổ, đeo khẩu trang ở nơi công cộng hoặc nơi ô nhiễm, nhiều khói bụi, ăn uống đồ ấm nóng, tránh các đồ lạnh và đặc biệt là kiêng rượu, bia, đồ uống có cồn, có ga,...
  • Ăn một số loại kẹo cũng có thể giúp giảm ho khan, làm dịu cổ họng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top