✴️ Chuẩn bị bệnh nhân trước khi phẫu thuật bụng

Bệnh nhân khi đã được chẩn đoán chính xác, cần điều trị ngoại khoa có nghĩa là đã có chỉ định mổ. Việc chuẩn bị trước khi mổ nếu được làm tốt sẽ giúp cho cuộc mổ thành công, hạn chế được các biến chứng kể cả tử vong do yếu tố tâm lý hay bệnh lý toàn thân gây nên.

Hơn nữa, mổ xẻ là một thủ thuật lớn, bao giờ cũng có thể xảy ra những rủi ro ngoài ý muốn vì vậy việc giải thích cặn kẽ cho người nhà bệnh nhân cũng là một trong những biện pháp làm giảm đi những khiếu kiện của gia đình bệnh nhân khi có những rủi ro xảy ra.



I. Giải thích cho bệnh nhân

Giải thích cho bệnh nhân là công việc của người bác sỹ và người điều dưỡng. Tại các nước phát triển, trình độ dân trí cao nên công việc này hết sức được lưu tâm. Người bác sỹ, thường là người trực tiếp mổ cho bệnh nhân phải gặp gỡ bệnh nhân sau khi đã xác định chẩn đoán để giải thích lý do cần thiết của phẫu thuật cho bệnh nhân.

Trong quá trình giải thích, phải nêu lên cái lợi và những điều không mong muốn hoặc thay đổi sinh lý có thể xảy ra. Ví dụ như đối với mổ đại tràng, phải giải thích với bệnh nhân là có thể phải đưa đầu ruột ra ngoài trong một thời gian rồi mới đóng lại sau hoặc là đối với cắt dạ dày, trong thời gian đầu bệnh nhân sẽ ăn được rất ít... để bệnh nhân không bị ngỡ ngàng với những xảy ra sau mổ.

Riêng đối với nguy cơ tử vong, không được nói cho bệnh nhân gây xáo động tâm lý cho họ mà bắt buộc phải nói nguy cơ này với gia đình bệnh nhân vì nếu như không may xảy ra tử vong, người bệnh mất đi và mọi thắc mắc chỉ còn lại ở những người trong gia đình. Điều đáng lưu ý là tất cả mọi thủ thuật đều có nguy cơ kể cả tử vong vì vậy không bao giờ được nói đơn thuần những thuận lợi làm cho gia đình bệnh nhân tưởng lầm là không có nguy cơ.

Tại Mỹ, người bác sỹ phụ trách ca mổ cho bệnh nhân còn phải giới thiệu các phương pháp điều trị ngoại khoa cho bệnh nhân và thảo luận cùng bệnh nhân để họ chấp nhận phương pháp của người bác sỹ đưa ra. Sau khi đã giải thích đầy đủ, lúc đó người bệnh và gia đình người bệnh sẽ ký vào giấy chấp nhận phẫu thuật.

Đối với người điều dưỡng cần giải thích cho bệnh nhân kỹ những điều cần tập trước khi mổ cho bệnh nhân để vận dụng sau khi mổ như tập ho (đặc biệt với những người nghiện thuốc hoặc có bệnh phổi mạn tính) để sau mổ nếu người bệnh bị nhiều đờm sẽ ho và khạc ra được hoặc tập nằm đái (vì sau khi mổ trong hai ngày đầu người bệnh chưa dám ngồi mà chỉ nằm trên giường do đau nên nhiều người không quen nằm đái và vì thế sau mổ họ bị bí đái và phải đặt ống thông, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu sau mổ).

     

II. Những xét nghiệm kiểm tra

Ngoài những xét nghiệp đã làm phục vụ cho chẩn đoán, những xét nghiệm cơ bản phải được tiến hành đó là công thức máu, nhóm máu (ABO với người Á đông và ABO cùng với Rh đối với người Âu-Mỹ), thời gian máu đông, thời gian máu chảy (nếu thời gian này bất thường thì phải kiểm tra các yếu tố đông máu như số lượng tiểu cầu, fibrinogen, tỷ lệ prothombin...).

Tiếp đến phải kiểm tra sơ bộ chức năng thận thông qua xét nghiệm urê. Nếu urê cao cần kiểm tra creatinin, chức năng lọc của thận vì nếu như bệnh nhân có suy thận tiềm tàng, thường sẽ bùng phát sau khi mổ vì các thuốc gây mê cũng như sốc phẫu thuật. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp urê tăng không do suy thận đó là do tái hấp thu khi chảy máu đường tiêu hoá hoặc là do máu bị cô đặc trong những trường hợp nôn nhiều do bệnh lý như hẹp môn vị hay tắc ruột.

Để xác định máu cô đặc, xét nghiệm hêmatocrit là đủ khẳng định. Tiếp đến một xét nghiệm nữa cũng phải bắt buộc tiến hành là thử đường huyết vì ta biết rằng có không ít bệnh nhân bị đái tháo đường thể tiềm tàng mà chưa được phát hiện. Nếu như trong vàsau mổ, ta dùng huyết thanh ngọt có thể làm người bệnh bị hôn mê do đái tháo đường. Một xét nghiệm nữa cũng được lưu ý, đó là tốc độ máu lắng.

Nếu tốc độ máu lắng tăng cao, trước hết cần tìm kiếm nguyên nhân ổ nhiễm trùng tiềm tàng mà người bệnh không để ý (ở răng miệng, tai, phổi... vì những ổ nhiễm trùng này có thể bùng phát lên thành nhiễm trùng máu sau mổ.). Ngoài ra tốc độ máu lắng tăng có thể gắp trong hai nguyên nhân: hoặc do thiếu máu, hoặc do ung thư tiến triển.

Bên cạnh đó, những xét nghiệm như tìm kháng nguyên viêm gan B (dương tính khoảng 15% người Việt Nam), viêm gan C để xem xét. Nếu kháng nguyên này dương tính, ta phải cho thử men gan để kiểm tra xem viêm gan đã ổn định chưa vì nếu viêm gan chưa ổn định, trong quá trình mổ, một số thuốc gây mê gây độc với gan dẫn đến suy gan thậm chí hôn mê gan sau mổ.

Về phương diện dự phòng, nếu những người bị mổ mà nhiễm viêm gan B, C và HIV thì những dụng cụ, đồ vải xử dụng cho cuộc mổ phải có quy trình tiệt trùng riêng cũng như những người làm công tác phục vụ cho mổ xẻ phải có các biện pháp tự bảo vệ để tránh lây cho mình qua đường máu hoặc dịch tiết của bệnh nhân. Những xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu như kiểm tra protein, đường, tế bào... cũng phải được tiến hành để góp phần phát hiện các bệnh như suy thận, đái tháo đường.

Nếu bệnh nhân nôn nhiều hoặc có biểu hiện bệnh tim kèm theo thì bắt buộc phải thử điện giải đồ, đặc biệt lưu ý tới kali.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top