Các xét nghiệm chẩn đoán bướu giáp nhân

Triệu chứng lâm sàng của bướu giáp nhân

  • Đa số người bị bướu giáp nhân không có triệu chứng nào khó chịu. Họ thường phát hiện tình cờ khi khám sức khoẻ định kỳ hoặc đi khám vì lý do khác.
  • Đôi khi có người tự phát hiện có khối ở vùng cổ, cổ to ra khi soi gương, khi sờ vùng cổ.
  • Khi sờ nhân giáp sẽ thấy khối cứng, hình tròn hoặc hình bầu dục. Có thể một khối hoặc nhiều khối.
  • Bướu nhân to hoặc phát triển nhanh gây nuốt nghẹn, nói khàn, khó thở.
  • Nếu thấy đau đột ngột ở nhân giáp, có thể là triệu chứng chảy máu trong nhân.
  • Khi chức năng tuyến giáp bị rối loạn, người bệnh sẽ có các triệu chứng: run tay, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, lo âu, gầy sút cân…

Những xét nghiệm cơ bản được dùng để chẩn đoán bướu giáp nhân 

a. Xét nghiệm hormone tuyến giáp

  • Bạn sẽ được lấy mẫu máu để xét nghiệm định lượng các hormone T3, T4, FT3, FT4, TSH trong máu.
  • Nồng độ các hormone này phản ánh tình trạng hoạt động của tuyến giáp. Bác sĩ sẽ biết tuyến giáp bạn đang hoạt động bình thường hay bị cường giáp, nhiễm độc giáp.

b. Xạ hình tuyến giáp

Đây là phương pháp dùng đồng vị phóng xạ để đánh giá hoạt động của nhân giáp. Các chất được dùng là Technetium 99 (99mTc); Iod 131 hoặc Iod 123.

Kết quả xạ hình sẽ cho biết nhân giáp hoạt động mạnh hay kém hoạt động.

c. Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm tuyến giáp là phương pháp đơn giản và dễ thực hiện.

Siêu âm giúp ước lượng thể tích của tuyến giáp, kích thước, số lượng và đặc điểm của nhân giáp.

d. Chọc hút sinh thiết bằng kim nhỏ

Đây là phương pháp có độ chính xác cao, cho biết bản chất của nhân giáp là nhân đặc hay nhân chứa dịch, lành tính hay ác tính.

Các kết quả sinh thiết có thể là:

  • Ác tính (hay dương tính) chiếm 4-5%, tức là ung thư tuyến giáp.
  • Lành tính (hay âm tính) chiếm khoảng 70%, có thể là bướu keo, nang tuyến giáp, viêm tuyến giáp.
  • Nghi ngờ nhưng không khẳng định được là ung thư.
  • Không xác định được. Trường hợp này nên chọc hút làm xét nghiệm lại.

 

return to top