Bạn biết gì về bệnh vẩy nến ở trẻ em?

Bệnh vảy nến là gì

Vảy nến là bệnh da liễu thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh vảy nến khiến cho các tế bào da phát triển quá nhanh sẽ tích tụ lại trên bề mặt da, khiến cho da dày lên, mẩn đỏ tạo thành từng mảng. Những mảng vảy nến thường gây ngứa và phủ đầy vảy màu trắng bạc. Bệnh vảy nến có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, phổ biến nhất là đầu gối, da đầu, khuỷu tay và thân mình.

Sự hoạt động quá mức của hệ thống miễn dịch được cho là nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến có tính di truyền trong gia đình. Theo Hiệp hội Vảy nến quốc gia Hoa Kỳ (NPF), nếu một trong hai cha mẹ mắc bệnh vảy nến, đứa con cũng có nguy cơ mắc bệnh khoảng 10%. Nếu cả hai cha mẹ đều mắc vảy nến, nguy cơ mắc của trẻ tăng lên tới 50% hoặc thậm chí cao hơn.

 

Các triệu chứng của bệnh vảy nến ở trẻ em

Bệnh vảy  nến được chia làm một số loại khác nhau. Mỗi loại có những triệu chứng riêng biệt. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Các mảng vảy nến gồm những vảy trắng bạc phồng lên trên bề mặt da và có màu đỏ (thường bị nhầm với chứng hăm tã ở trẻ em)
  • Da khô, nứt nẻ và có thể chảy máu
  • Cảm giác ngứa, đau và nóng rát xung quanh vùng da bị ảnh hưởng
  • Móng tay, móng chân dày lên và hình thành các đường lằn sâu

Bệnh vảy nến là một căn bệnh mãn tính, có xu hướng phát triển rầm rộ tại một thời điểm nào đó rồi lại bước vào thời kỳ thuyên giảm và lặp lại. Trong giai đoạn bệnh hoạt động, các triệu chứng ở trẻ sẽ biểu hiện rõ ràng hơn. Trong vòng một vài tuần hay một vài tháng, các triệu chứng có thể được cải thiện hoặc biến mất. Chu kỳ biểu hiện bệnh thường không dự đoán trước được, đồng thời cũng rất khó để có thể biết được chính xác mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khi một chu kỳ bệnh bắt đầu.

 

Các yếu tố góp phần gây bệnh vảy nến

Mặc dù nguyên nhân gây bệnh vảy nến vẫn chưa được biết chính xác, một số yếu tố có thể là lý do khiến tần xuất bệnh xảy ra thường xuyên hơn, bao gồm:

  • Các bệnh nhiễm trùng
  • Kích ứng da
  • Stress
  • Béo phì
  • Thời tiết lạnh

Hạn chế tiếp xúc hoặc có những biện pháp kiểm soát những yếu tố trên đây có thể giúp giảm bớt tần xuất cũng như mức độ nặng của bệnh.

 

Tỷ lệ mắc bệnh vảy nến ở trẻ em

Vảy nến là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em. Theo NPF, mỗi năm có khoảng 20.000 trẻ em Mỹ dưới 10 tuổi bị chẩn đoán mắc bệnh vảy nến, tương đương với 1% số trẻ em tại Mỹ.

Phần lớn người bệnh sẽ xuất hiện đợt bệnh vảy nến đầu tiên trong độ tuổi từ 15 – 35, tuy nhiên bệnh có thể khởi phát ở lứa tuổi nhỏ hơn và lớn hơn. Một nghiên cứu đã chứng minh có khoảng 40% người lớn mắc bệnh vảy nến nói rằng các triệu chứng của họ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng từ thời ấu thơ.

Đối với một số trẻ, các triệu chứng của bệnh vảy nến có thể trở nên ít nghiêm trọng hơn và ít thường xuyên hơn khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, một số khác có thể phải đối mặt với căn bệnh này trong suốt cuộc đời.

 

Điều trị bệnh vảy nến ở trẻ em

Hiện tại, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Việc điều trị tập trung theo hướng làm giảm các triệu chứng và giảm thiểu mức độ nặng của các đợt cấp.

Các thuốc bôi tại chỗ

Thuốc bôi tại chỗ là liệu pháp điều trị phổ biến nhất đối với bệnh vảy nến, có tác dụng giảm các triệu chứng ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Các thuốc bôi tại chỗ bao gồm các thuốc chứa dược chất điều trị và các loại kem dưỡng ẩm, được sử dụng dưới các dạng phổ biến như:

  • Thuốc mỡ
  • Lotion
  • Kem bôi
  • Dung dịch bôi

Thông thường trẻ cần phải sử dụng các thuốc này từ 2 đến 3 lần trong ngày. Các thuốc này thường khá hiệu quả và gây ra ít tác dụng phụ hơn những phương pháp điều trị khác.

Hãy giúp trẻ luôn nhớ việc bôi thuốc bằng cách đặt báo thức vào các thời điểm nhất định trong ngày, ví dụ như trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy.

Liệu pháp điều trị bằng ánh sáng

Cả ánh sáng tự nhiên và nhân tạo đều có thể giúp giảm bớt các triệu chứng bệnh vảy nến. Có một số lựa chọn điều trị mới hơn bao gồm sử dụng laser và dược chất kích hoạt bởi nguồn ánh sáng đặc biệt.

Bạn nên nhớ rằng, không được tự ý cho trẻ sử dụng phương pháp điều trị này mà không tham khảo ý kiến bác sỹ. Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng thậm chí còn có thể khiến các triệu chứng vãy nến trở nên trầm trọng hơn.

Nếu bác sỹ khuyến cáo trẻ nên tiếp xúc nhiều với ánh sáng tự nhiên, hãy đưa trẻ đi dạo trong công viên cùng gia đình hoặc khuyến khích trẻ chơi đùa với bạn bè trong sân nhà sau giờ học.

Các loại thuốc uống và thuốc tiêm

Đối với trẻ bị mắc bệnh vảy nến mức độ trung bình đến nặng, bác sỹ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc uống hoặc thuốc tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ khá nguy hiểm, do vậy bác sỹ thường cân nhắc rất kỹ trước khi bắt đầu điều trị cho trẻ. Thường thì bác sỹ sẽ chỉ định phương pháp này đối với những trẻ lớn hơn hoặc chỉ sử dụng trọng một thời gian ngắn.

Thay đổi phong cách sống

Kiểm soát các yếu tố có thể gây khởi phát bệnh vảy nến là biện pháp tốt nhất giúp trẻ tránh đợt các đợt cấp của căn bệnh này. Tập luyện thể thao, nghỉ ngơi đầy đủ và ăn uống lành mạnh sẽ giúp cơ thể trẻ luôn khỏe mạnh và ít mắc bệnh tật hơn. Ngoài ra, việc giữ cho làn da luôn sạch và ẩm, tránh sử dụng các loại xà phòng, hóa chất khi tắm có thể giúp giảm thiểu hiện tượng kích ứng da, đồng thời giảm các đợt cấp của bệnh vảy nến.

Kế hoạch điều trị

Bác sỹ có thể chỉ định một phương pháp điều trị duy nhất hoặc kết hợp giữa các biện pháp trên. Nếu liệu pháp đầu tiên không hiệu quả, đừng vội nản chí. Bạn, con bạn và bác sỹ cần phải đồng hành với nhau trên con đường tìm ra những loại thuốc phù hợp nhất hay những sự kết hợp điều trị tốt nhất để giảm nhẹ các triệu chứng vảy nến cho trẻ.

 

Giúp trẻ chung sống với bệnh vảy nến

Đối với một số trẻ, bệnh vảy nến chỉ gây một chút rắc rối nhỏ trong những đợt bệnh bùng phát. Tuy nhiên, đối với một vài trẻ khác, vảy nến có thể là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của trẻ. Những trẻ xuất hiện những mảng vảy nến lớn tại những khu vực nhạy cảm như trên mặt, tay, chân hay bộ phận sinh dục thường cảm thấy xấu hổ về căn bệnh của mình.

Mặc dù đây là căn bệnh lành tính, không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe nhưng những tổn thương gây ra đối với vẻ bề ngoài và sự tự tin của trẻ nhiều khi còn lớn hơn. Cảm giác xấu hổ, chán ghét bản thân kèm theo cả những lời chê bai của bạn bè sẽ khiến trẻ tự ti, tự tách biệt với cộng đồng và có thể trở nên trầm cảm. Trầm cảm, ngược lại sẽ khiến cho triệu chứng vảy nến bùng phát mạnh hơn. Đây chính là vòng xoắn bệnh lý cần tránh trong điều trị vẩy nến. 

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, trẻ rất dễ bị trêu chọc và bắt nạt chỉ bởi những thứ tưởng như nhỏ nhặt, chẳng hạn một vết chàm hoặc vết mụn trên da. Hậu quả của những sự việc này có thể tác động nghiêm trọng đến  tâm lý của trẻ và sẽ ảnh hưởng suốt cuộc đời sau này. Do vậy, cha mẹ cần phối hợp với bác sỹ để có biện pháp xử trí khi trẻ xuất hiện những cảm xúc và tâm lý tiêu cực do bệnh tật.

Hãy làm mọi cách để trẻ hiểu rằng, cảm xúc và tâm lý của trẻ có thể làm xấu đi việc điều trị. Nên trò chuyện với trẻ để trẻ hiểu rằng cha mẹ và bác sỹ đang cố gắng hết sức để mang lại một cuộc sống hạnh phúc cho trẻ. Hãy hướng dẫn cho trẻ nhận biết những giá trị của bản thân và những vết vảy nến trên da không làm thay đổi những giá trị của trẻ. Hãy cùng trao đổi với trẻ để tìm ra những cách đối phó tốt nhất với những người bạn có thái độ coi thường, bắt nạt trẻ.

Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm một chuyên gia tâm lý hoặc tham gia vào một nhóm hỗ trợ để có thể giúp đỡ cho trẻ. 

Điều cuối cùng bạn cần nhớ là, để điều trị bệnh vẩy nến, việc chữa trị các triệu chứng về da là chưa đủ. Bạn, con bạn và bác sỹ nên phối hợp cùng nhau để điều trị vảy nến một cách toàn diện và nên chấp nhận một sự thật rằng, tác động và biến chứng của bệnh vảy nến còn nghiêm trọng hơn là những triệu chứng chỉ biểu hiện bên ngoài.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top