Tâm vị không giãn là rối loạn vận động của thực quản với đặc điểm là giảm hoặc mất nhu động thực quản, cơ thắt dưới thực quản không mở để đáp ứng với phản xạ nuốt. Hầu hết người bệnh có biểu hiện nuốt khó và trào ngược với khởi đầu chậm và tăng dần, vì vậy mà có trường hợp bệnh nhân tới viện muộn khi triệu chứng đã rõ ràng.
Dấu hiệu thường gặp của rối loạn vận động thực quản
Hầu hết người bệnh rối loạn vận động thực quản có biểu hiện nuốt khó và trào ngược với khởi đầu chậm và tăng dần, vì vậy mà có trường hợp bệnh nhân tới viện muộn khi triệu chứng đã rõ ràng. Nuốt khó thường với cả thức ăn lẫn nước uống, cảm giác nuốt khó thường sau xương ức, đôi khi lan lên phía hầu họng.
Trào ngược thường xuất hiện ngay sau ăn, nhưng đôi khi trào ngược muộn với thức ăn chưa tiêu sau ăn hàng giờ. Các biểu hiện khác cũng có thể gặp như sụt cân, ho, nấc, ợ, đau ngực, viêm phổi trào ngược…
Cho tới nay, nguyên nhân gây bệnh còn chưa rõ, tuy vậy bệnh có liên quan tới hai đặc điểm ở thực quản, thứ nhất là hoạt động co bóp để đẩy thức ăn xuống thực quản bị rối loạn, thứ hai là cơ thắt vòng thực quản dưới không giãn tạo nên một hàng rào ngăn cản thức ăn và nước uống từ thực quản vào dạ dày.
Người ta nghiên cứu thấy rằng, một trong những lý do cơ bản làm cơ thắt vòng thực quản dưới không giãn được là do thương tổn các tế bào thần kinh đáp ứng cho việc giãn cơ thực quản, mặt khác là do rối loạn thăng bằng các chất dẫn truyền thần kinh hưng phấn và ức chế điều khiển nhu động thực quản và cơ thắt vòng thực quản dưới.
Phân biệt rối loạn vận động thực quản với bệnh lý khác
Chẩn đoán bệnh dựa vào các biểu hiện lâm sàng nói trên và các xét nghiệm, lưu ý cũng cần phải chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có các triệu chứng tương tự có thể gây nên nhầm lẫn như trào ngược dạ dày thực quản, khối u, ung thư thực quản…
Các xét nghiệm cần làm như: Chụp Xquang thực quản có thuốc cản quang là xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện, có hình ảnh đặc trưng là thực quản giãn rộng, rồi chít hẹp lại ở đoạn dưới – dấu hiệu ‘củ cải’, ‘mỏ chim’. Chiếu tia X giúp đánh giá vận động của thực quản thấy nhu động thực quản giảm.
Nội soi dạ dày thực quản giúp quan sát trực tiếp niêm mạc thực quản, tâm vị và dạ dày. Quan sát trực tiếp các tổn thương là một ưu điểm của nội soi, ngoài việc giúp định hướng chẩn đoán còn giúp phân biệt các thương tổn khác như các u, ung thư thực quản, dạ dày… hơn nữa còn cho phép lấy bệnh phẩm làm chẩn đoán giải phẫu bệnh học khi cần thiết.
Người bệnh cần được điều trị như thế nào?
Bệnh nhân mắc rối loạn vận động thực quản cần có những thay đổi lối sống phù hợp như ăn chậm, nhai kỹ, ăn thức ăn lỏng, tránh ăn xong đi nằm ngay, khi ngủ gối cao đầu. Khám lại định kỳ để tránh các biến chứng như bệnh lý trào ngược, viêm loét, thậm chí là ung thư thực quản.
Điều trị nội khoa thường dùng nhóm thuốc chẹn kênh canxi như nifedipin và nhóm nitrat như isosorbid dinitrat, nitroglycerin; chúng có hiệu quả làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới. Thường ưu tiên chỉ định với bệnh nhân tuổi cao có chống chỉ định làm thủ thuật hoặc phẫu thuật hoặc bệnh nhân chờ phẫu thuật.
Tuy vậy, thuốc thường giảm tác dụng sau một thời gian điều trị và có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt cần thận trọng với bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch đi kèm.
Các thủ thuật như tiêm độc tố botulinum vào cơ thắt thực quản dưới qua nội soi, botulinum được chứng minh có tác dụng giảm co thắt cơ, giúp cân bằng lại quá trình hưng phấn và ức chế điều khiển cơ thắt thực quản dưới.
Nhược điểm của phương pháp này là có thể gây viêm, xơ hóa cơ và như vậy gây khó khăn cho phẫu thuật sau này, thường chỉ định điều trị cho bệnh nhân tuổi cao không có khả năng phẫu thuật. Thủ thuật nong thực quản bằng bóng qua nội soi cho tỷ lệ thành công tương đối cao, tuy vậy, tỷ lệ phải nong lại cũng lớn khoảng 50%, biến chứng thường gặp sau nong là trào ngược dạ dày – thực quản.
Phẫu thuật là lựa chọn tốt nhất, việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi hay mổ mở tùy thuộc vào từng bệnh nhân.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh