✴️ Hội chứng tràn khí màng phổi: nguyên nhân và triệu chứng điển hình

Nội dung

1. Tràn khí màng phổi là gì?

Khi không khí bị rò rỉ vào không gian của khoang màng phổi thì gọi là bệnh tràn khí màng phổi. Lượng khí này làm tăng áp lực lên phổi, có thể khiến phổi bị xẹp một phần hoặc hoàn toàn. 

Biến chứng tràn khí này có thể tự phát không rõ nguyên do hoặc trên nền các bệnh lý, chấn thương phổi trước đó. Nếu tràn khí màng phổi nhỏ, lượng khí này sẽ dần được tái hấp thu vào cơ thể người bệnh và vết rách cũng tự phục hồi. Tuy nhiên nếu tràn khí màng phổi lớn, cần đến sự hỗ trợ của y tế để thoát khí trong vài ngày và làm lành tổn thương.

2. Nguyên nhân tràn khí màng phổi

Màng phổi gồm 2 lớp với dịch ở giữa, đàn hồi theo nhịp thở của phổi khi hít vào và thở ra. Vì thế, cần duy trì áp xuất âm trong khoang màng phổi này để đảm bảo hoạt động của phổi. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là xác định hoặc không xác định, dựa trên đó người ta phân loại tràn khí màng phổi bao gồm:

2.1. Tràn khí màng phổi tự phát

Đây là tình trạng bệnh không xác định được nguyên nhân, thường xảy ra ở những người trẻ tuổi, không bị chấn thương ngực hay bệnh lý phổi trước đó. Tình trạng này xảy ra khi bóng khí xuất hiện bất thường ở màng phổi, vì tác động nào đó mà vỡ ra, làm thay đổi áp lực màng phổi. Yếu tố tác động có thể là thay đổi áp suất không khí khi lặn biển, trên máy bay, leo núi hoặc âm thanh lớn,… 

Một số nghiên cứu chỉ ra, tràn khí màng phổi tự phát có thể xảy ra khi sử dụng chất kích thích như cần sa. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là tình trạng vỡ khí màng phổi không rõ nguyên do.

2.2. Tràn khí màng phổi thứ phát

Đây là tình trạng bệnh xảy ra ở người từng bị rối loạn phổi, bệnh lý về phổi gây suy giảm chức năng, làm mỏng màng phổi dần dần. Kết hợp với điều kiện khác, màng phổi dễ bị rách, tụ khí và cuối cùng dẫn đến tràn khí màng phổi. Các bệnh lý dễ gây ra tràn khí màng phổi thứ phát bao gồm: Viêm phổi, bệnh lao, ung thư phổi, xơ hóa nang,… 

Nhìn chung, tràn khí màng phổi thứ phát thường tiến triển nặng hơn, tiên lượng nguy hiểm hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng bệnh nhân do tổn thương nặng nề ở phổi. Vì thế những bệnh nhân điều trị bệnh phổi luôn cần theo dõi thường xuyên và kịp thời can thiệp nếu bóng khí xuất hiện bất thường ở màng phổi.

2.3. Tràn khí màng phổi do chấn thương

Chấn thương ở ngực hay vết thương do bệnh lý, vi trùng gây ra đều có thể dẫn đến tràn khí màng phổi là xẹp phổi. Chấn thương thường gặp là vết thương dao, vết thương do đạn bắn hoặc đòn đánh lực mạnh vào ngực. 

Đôi khi, tổn thương gây tràn khí màng phổi do thủ thuật y tế liên quan như: sinh thiết phổi, sinh thiết gan, hồi sức tim phổi, đặt ống lồng ngực,…

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ được xác định khiến bạn có thể mắc chứng tràn khí màng phổi bao gồm:

  • Tuổi tác: Tràn khí màng phổi tự phát dễ xảy ra ở người trẻ từ 20 - 40 tuổi, cao gầy và nhẹ cân.
  • Hút thuốc: Khói thuốc lá gây hại đến phổi và làm tăng nguy cơ tràn khí màng phổi.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị bệnh cao hơn so với phụ nữ.
  • Bệnh lý: Người có bệnh lý về phổi như khí phế thũng thường dễ bị tràn khí màng phổi và biến chứng xẹp phổi hơn.
  • Tiền sử: Người từng bị tràn khí màng phổi có nguy cơ tái phát cao trong vòng 1 - 2 năm đầu tiên.

Nguyên nhân tràn khí màng phổi

3. Triệu chứng tràn khí màng phổi

Triệu chứng cơ năng của tràn khí màng phổi thường rõ ràng bao gồm:

  • Đau ngực đột ngột, bắt đầu từ bên phổi bị tràn khí và có thể lan ra các cơ quan xung quanh. Cần phân biệt với các bệnh lý gây đau ngực khác bởi đau do tràn khí màng phổi không xảy ra ở trung tâm ngực.
  • Cảm giác tức ngực, đè nặng do bóng khí chèn ép lên phổi.
  • Khó thở có thể ở mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng tùy vào mức độ phổi bị xẹp.
  • Tim đập nhanh, có thể choáng, sốc.

Triệu chứng bệnh có thể nhiều hoặc ít, kéo dài hoặc âm thầm trong thời gian ngắn phụ thuộc vào lượng không khí tồn tại ở khoang màng phổi nhiều hay ít. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân dù bệnh tiến triển nặng, màng khí khiến phổi bị xẹp lại nhưng triệu chứng chỉ là cơn đau ngực và khó thở nhẹ. 

Người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay khi xuất hiện triệu chứng đau ngực, khó thở đột ngột. Đôi khi nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể không phải là tràn khí màng phổi song chẩn đoán xác định nguyên nhân và điều trị sớm vẫn là cần thiết. 

Nếu cơn đau ngực trở nên nặng hơn, khiến bạn không thể thở nổi hoặc thở khó khăn thì cần cấp cứu y tế ngay lập tức.

4. Hội chứng tràn khí màng phổi nguy hiểm như thế nào?

Hội chứng tràn khí màng phổi cần được cấp cứu y tế và dẫn lưu khí, nhất là các trường hợp khí tích tụ lớn hơn 20% thể tích phổi. Biến chứng nguy hiểm nhất là xẹp phổi dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn và khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể phải đối mặt với các biến chứng tràn khí màng phổi như:

  • Rò rỉ không khí: khiến tràn khí màng phổi tái phát liên tục, cần phẫu thuật đóng lỗ rò rỉ.
  • Nồng độ oxy thấp: ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
  • Chèn ép tim: Khí tích tụ có thể làm tăng áp lực đẩy tim và mạch máu, cản trở lưu thông máu. Biến chứng chèn ép tim có thể gây tử vong nhanh chóng.
  • Suy hô hấp: Khi oxy trong máu quá thấp, suy hô hấp có thể khiến bệnh nhân hôn mê, mất ý thức, rối loạn nhịp tim dẫn đến tử vong.
  • Shock: Shock là tình trạng nguy kịch khi tràn dịch màng phổi xảy ra làm thiếu hụt oxy trầm trọng, huyết áp giảm thấp. 

Hội chứng tràn khí màng phổi là biến chứng hô hấp nghiêm trọng, cần sớm điều trị và cấp cứu để phòng ngừa bệnh tiến triển nặng và nguy hiểm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top