Không chỉ ảnh hưởng tới chức năng gan, nghiện rượu còn để lại di chứng nặng nề cho phổi. Thói quen nghiện rượu dễ gây viêm phổi và làm tăng nguy cơ tử vong nhanh chóng.
Theo nghiên cứu, ở người nghiện rượu, khả năng bị viêm phổi cao hơn từ 3 – 4 lần so với người không nghiện rượu. Viêm phổi ở người nghiện rượu thường nặng hơn, diễn biến nhanh hơn, tỷ lệ phải nhập viện cao hơn, thời gian điều trị dài hơn người không nghiện rượu. Nếu ở người nghiện rượu đã bị xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối bị viêm phổi thì cơ hội sống chỉ còn vào khoảng 30% hoặc thậm chí thấp hơn.
Ngoài những vi khuẩn gây viêm phổi ở người bình thường, người nghiện rượu còn có nguy cơ rất cao bị nhiễm các loại vi khuẩn như Klebsiella pneumoniae, Streptococcus pneumoniae và trực khuẩn lao (Mycobacteryum tuberculosis). Một nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ tử vong do viêm phổi ở người nghiện rượu có nguyên nhân do các vi khuẩn kể trên lên tới 83%.
Nghiện rượu dễ gây viêm phổi, vì sao?
Có một số nguyên nhân khiến cho người nghiện rượu dễ bị viêm phổi:
Sự thay đổi về các chủng vi khuẩn sống ở vùng hầu họng.
Người nghiện rượu khả năng ho khạc kém (do rượu cũng là một chất an thần gây ngủ) nên phổi bị ứ đọng đờm dãi nhiều.
Do sự trào ngược dịch vị từ dạ dày lên thực quản và vào phổi hay xảy ra ở người nghiện rượu. Những dịch này mang theo vi khuẩn từ ruột lên cộng với acid dịch vị vào đường hô hấp gây viêm phổi.
Tình trạng vệ sinh kém (như vệ sinh răng miệng…); hút thuốc lá kèm khi uống rượu; Tình trạng suy dinh dưỡng; Mắc các bệnh toàn thân do rượu là những yếu tố phối hợp góp phần làm tăng khả năng bị viêm phổi ở người nghiện rượu.
Biểu hiện của bệnh
Các biểu hiện của viêm phổi ở người nghiện rượu về cơ bản cũng giống như viêm phổi ở người bình thường như sốt, ho (có đờm hoặc không), có cơn rét run, đau ngực, khó thở, đau đầu, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, đau cơ, ý thức chậm.
Khám lâm sàng có thể thấy nhịp thở nhanh, mạch nhanh. Khám phổi thấy rì rào phế nang giảm, tiếng cọ màng phổi, tiếng ran rít, ẩm, nổ, ngáy. Chụp X-quang lồng ngực thấy có tổn thương thành đám, ổ hoặc tổn thương cả thùy phổi.
Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp các triệu chứng của viêm phổi ở người nghiện rượu kín đáo hơn do bệnh nhân thường xuyên say xỉn và hoạt động của hệ miễn dịch kém. Người bệnh thường được nhập viện trong hai tình huống: một là suy hô hấp nặng, hai là tình trạng sốc (sốc giảm thể tích do mất dịch hoặc sốc nhiễm khuẩn). Bệnh nhân khó thở dữ dội, tím môi đầu chi, mạch nhanh nhỏ, da tái lạnh, huyết áp tụt. Những trường hợp này thường tiến triển xấu nhanh và tử vong cho dù có được hồi sức tích cực.
Điều trị bệnh thế nào?
Trước một trường hợp viêm phổi ở người nghiện rượu, biện pháp chủ yếu là dùng kháng sinh. Nếu chưa có kết quả kháng sinh đồ, có thể sử dụng kháng sinh nhạy với các chủng vi khuẩn hay gây viêm phổi ở người nghiện rượu. Các kháng sinh này bao gồm ceftazidime kết hợp với một aminoside hoặc quinolone dùng đường uống hoặc tiêm tùy theo tình trạng bệnh.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng phương pháp điều trị của bác sĩ nhằm cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm.
Đối với người nghiện rượu cần thường xuyên làm vệ sinh răng miệng cũng như toàn thân, bỏ thuốc, ăn uống đầy đủ, vận động nhiều… để làm giảm nguy cơ bị viêm phổi. Cũng nên chú ý đến một số dấu hiệu sớm của viêm phổi ở người nghiện rượu như đang uống rượu tự nhiên bỏ rượu, mệt mỏi, tức ngực, sốt ngây ngấy… để nhanh chóng đi khám và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh