✴️ Viêm phổi: Những nguyên nhân cần lưu ý

Nội dung

1. Nguyên nhân gây viêm phổi cộng đồng

Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng là tình trạng nhiễm khuẩn của nhu mô phổi xảy ra ở ngoài cộng đồng. Hoặc trong vòng 48 giờ kể từ khi nhập viện. Tổn thương viêm phổi bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, viêm tiểu phế quản tận hoặc tổ chức kẽ của phổi. Tác nhân gây nên viêm phổi có thể là các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm. Nhưng không do trực khuẩn lao.

1.1. Nguyên nhân gây viêm phổi cộng đồng

Vi khuẩn

Trong các nguyên nhân gây viêm phổi, viêm phổi do vi khuẩn là loại phổ biến nhất. Nguyên nhân viêm phổi do vi khuẩn bao gồm:

  • Các vi khuẩn gây viêm phổi điển hình như Streptococcus pneumonia, Hemophilus influenza.
  • Các vi khuẩn gây viêm phổi cộng đồng không điển hình như Legionella pneumonia, Mycoplasma pneumonia, Chlamydiae pneumonia. Mycoplasma không được xếp vào loại virus hay vi khuẩn. Nhưng chúng có những đặc điểm chung của cả hai. Mycoplasma thường gây ra các trường hợp viêm phổi nhẹ, xảy ra ở trẻ lớn và thanh thiếu niên.
  • Các vi khuẩn gây viêm phổi nặng bao gồm Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa. Vi khuẩn yếm khí cũng là tác nhân gây ra tình trạng viêm phổi nặng nề.

Virus

Virus là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây viêm phổi cộng đồng. Đặc biệt là ở đối tượng trẻ nhỏ và người cao tuổi. Viêm phổi do virus thường không nghiêm trọng và thời gian ngắn hơn viêm phổi do vi khuẩn. Các triệu chứng báo hiệu nhiễm virus tương tự cảm cúm bao gồm đau đầu, ho khan, sốt, đau cơ và mệt mỏi. Người bị viêm phổi do virus cũng có nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

Các virus hay gặp bao gồm virus hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm…

Nguyên nhân khác

  • Một số trường hợp khác viêm phổi do nấm hay ký sinh trùng gây nên. Những người bị bệnh mãn tính hay suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV-AIDS thường mắc những loại này.
  • Viêm phổi do sặc như hít phải xăng dầu, hóa chất hay dịch tiêu hóa… hiếm gặp hơn.

1.2. Một số yếu tố nguy cơ của viêm phổi

Ngoài ra còn một số các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm phổi như:

  • Hút thuốc lá thuốc lào
  • Nghiện rượu
  • Tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm
  • Bị nhiễm lạnh
  • Dị dạng lồng ngực như gù vẹo cột sống
  • Mắc các bệnh lý viêm mũi xoang, viêm họng, viêm tai giữa, viêm amidan…
  • Bệnh nhân nằm lâu hoặc hôn mê
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, ung thư, cắt lách…

Nguyên nhân gây viêm phổi cộng đồng

2. Viêm phổi bệnh viện

Viêm phổi mắc phải ở bệnh viện là viêm phổi xuất hiện sau nhập viện 48 giờ. Thường gặp viêm phổi liên quan đến thở máy và viêm phổi liên quan đến chăm sóc y tế.

Vi khuẩn gây viêm phổi có thể xâm nhập qua nhu mô phổi vào máu. Dẫn đến nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, viêm màng não… Suy hô hấp và nhiễm trùng nếu không được kiểm soát sẽ gây tử vong cho bệnh nhân.

2.1. Nguyên nhân gây viêm phổi bệnh viện

Nguyên nhân gây viêm phổi bệnh viện khá đa dạng. Thường do nhiều loại vi khuẩn và chúng hay kết hợp với nhau. Hiếm khi nguyên nhân là virus và nấm.

Những vi khuẩn gây viêm phổi mắc phải ở bệnh viện thường gặp như Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Staphylococcus aureus và Acinetobacter. Đây là những chủng loại vi khuẩn đề kháng với nhiều loại kháng sinh. Nên quá trình điều trị rất gian nan khi mắc phải.

Cụ thể các nguyên nhân gây viêm phổi bệnh viện bao gồm:

  • Nhóm vi khuẩn gram âm hiếu khí: Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Enterobacter, Proteus, Acinetobacter…
  • Nhóm vi khuẩn Gram dương hiếu khí: tụ cầu vàng đặc biệt tụ cầu vàng kháng methicilin. Phế cầu hay Haemophilus influenzae hay gây viêm phổi mắc phải ở cộng đồng hơn. Tuy nhiên, do xuất hiện những chủng kháng penicilin nên chúng có thể gây viêm phổi mắc phải ở bệnh viện trong một số ít các trường hợp.
  • Legionella pneumophila và nấm (Candida, Aspergillus fumigatus) thường gây viêm phổi mắc phải ở bệnh viện cho những trường hợp suy giảm miễn dịch. Ví dụ sau ghép tạng hoặc nhiễm HIV.
  • Virus: Virus cúm A là căn nguyên khá thường gặp gây viêm phổi mắc phải ở bệnh viện. Tác nhân này có thể lây lan nhanh từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Đặc biệt Coronavirus có thể gây viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) trong bệnh viện.

2.2. Các yếu tố nguy cơ của viêm phổi bệnh viện

Thở máy: là yếu tố nguy cơ hàng đầu của viêm phổi bệnh viện. Các báo cáo cho thấy đặt nội khí quản thở máy làm gia tăng nguy cơ viêm phổi gấp 20 lần.

Các yếu tố khác bao gồm:

  • Tuổi > 70 tuổi.
  • Có bệnh phổi mạn tính kèm theo như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ phổi
  • Nằm lâu, hôn mê, hoặc có chấn thương ngực. Hay hít phải dịch ứ đọng vùng hầu họng, dịch dạ dày trào ngược.
  • Đang đặt ống thông dạ dày.
  • Đang điều trị thuốc kháng thụ thể H2 hoặc thuốc kháng acid.
  • Có làm thủ thuật ở khoa hồi sức tích cực.
  • Người được tiêm truyền tĩnh mạch, chăm sóc vết thương trong vòng 30 ngày trước. Hoặc chạy thận nhân tạo trong vòng 30 ngày trở lại.
  • Điều trị cấp cứu tại bệnh viện trên 2 ngày, trong vòng 90 ngày.
  • Sống trong các nhà điều dưỡng.
  • Vào bệnh viện hoặc các phòng lọc máu trong vòng 30 ngày.
  • Mắc các các bệnh lý suy giảm miễn dịch.

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây viêm phổi mà có thuốc điều trị thích hợp cho mỗi tác nhân gây bệnh. Viêm phổi được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ người bệnh sẽ mau khỏi bệnh. Và tránh gặp phải những biến chứng đáng tiếc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top