Việc nhận biết phổi tắc nghẽn mạn tính sớm có ý nghĩa quyết định đến việc điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính nếu chẩn đoán muộn tiên lượng sẽ nặng nề, chất lượng cuộc sống giảm sút do các triệu chứng và các biểu hiện của đợt cấp phải đòi hỏi điều trị nhiều thuốc, bệnh tiến triển nhanh dễ dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Nhận biết qua các triệu chứng lâm sàng:
Các triệu chứng ho khạc đờm, khó thở dai dẳng và tiến triển nặng dần theo thời gian, thường là ho khạc đờm xuất hiện trước sau đó mới xuất hiện thêm khó thở, khi khó thở mà bệnh nhân cảm nhận được lúc đó bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Nhận biết qua thói quen, sinh hoạt
Hút thuốc lá, thuốc lào trên 10 năm, trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm; Tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp… Đáng lưu ý, bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi với những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động).
Ô nhiễm môi trường trong nhà, ngoài nhà, nghề nghiệp: khói bếp than, bếp củi, bếp rơm rạ, hơi khí độc hóa chất, bụi công nghiệp.
Nhận biết bệnh qua các xét nghiệm
Khi thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bệnh cần tới trực tiếp bệnh viện để kiểm tra và làm xét nghiệm, chẩn đoán chính xác.
Người bệnh cần tới bệnh viện để bác sĩ thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết nhằm chẩn đoán đúng bệnh
Bác sĩ sẽ chỉ định làm một vài xét nghiệm cần thiết như đo chức năng thông khí, chụp X-quang phổi, điện tim… để chẩn đoán xác định và loại trừ những nguyên nhân khác có triệu chứng lâm sàng giống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Đặc biệt, người bệnh cần ngừng hút thuốc, tránh ngửi phải khói thuốc thụ động. Giữ môi trường trong nhà luôn sạch. Luôn giữ cho cơ thể khỏe mạnh, tập luyện thể dục đều đặn và có chế độ ăn phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh