✴️ Những bệnh gây ho thường gặp bạn nên đề phòng

Nội dung

Những bệnh gây ho

Viêm họng cấp

Người bệnh sẽ có triệu chứng ho có đờm hoặc ho khan, có thể có sốt cao nhưng cũng có khi không sốt, nuốt vướng, có cảm giác rát họng. Nhìn thấy họng đỏ, có hạt hoặc có mủ; tuyến amidan có thể sưng.

Có nhiều bệnh gây ho ảnh hưởng tới sức khỏe như viêm họng cấp, viêm thanh quản...

Có nhiều bệnh gây ho ảnh hưởng tới sức khỏe như viêm họng cấp, viêm thanh quản…

 

Viêm thanh quản

Thường có ho khan, tiếng nói khàn hoặc mất tiếng. Bệnh nhân trong thể trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng.

 

Viêm khí quản, phế quản cấp

Giai đoạn đầu ho khan, giai đoạn sau có đờm, đờm đặc hoặc loãng, màu trắng hoặc vàng, có sốt cao, nếu phát hiện sớm và điều trị sớm sẽ mau khỏi.

 

Viêm phế quản mạn tính

Thường gặp ở người hút thuốc lá. Ho có nhiều đờm, mỗi năm ho khạc khoảng 3 tháng, đã diễn ra trong vòng 2 năm liền. Bệnh hay tái phát do những đợt bội nhiễm hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây viêm như không khí lạnh mùa đông, độ ẩm cao, hít phải hơi độc, bụi bẩn…

 

Giãn phế quản

Đây cũng là bệnh gây ho nhiều về buổi sáng, có rất nhiều đờm. Bệnh giãn phế quản có khi ho ra máu, hay tái phát do đợt bội nhiễm.

 

Hen phế quản

Gặp nhiều ở lứa tuổi trẻ và trung niên. Biểu hiện bệnh là: người bệnh không sốt, khó thở từng cơn, hay gặp cơn hen về ban đêm, trong lúc khó thở thấy tiếng rít cò cử. Sau mỗi cơn hen, bệnh nhân có ho và khạc ra nhiều đờm trắng, loãng. Bệnh hay tái phát nhiều lần do bội nhiễm. Nếu bội nhiễm thì đờm có màu vàng.

Người bệnh cần đi khám khi có triệu chứng ho kéo dài ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

Người bệnh cần đi khám khi có triệu chứng ho kéo dài ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

 

Bệnh ho gà

Thường gặp ở trẻ nhỏ, có sốt. Tính chất ho từng cơn, cuối cơn ho có tiếng rít như tiếng rít của gà gáy. Vì ho nhiều có thể gây vỡ phế nang, gây tràn khí màng phổi.

 

Ho do dị vật đường hô hấp

Ngay sau khi mắc dị vật, người bệnh ho sặc sụa, mặt tím tái, có tiếng thở rít, người ngột ngạt như sắp chết. Nếu dị vật xuống sâu và ổn định thì đỡ ho, đỡ khó thở. Trường hợp dị vật gây viêm nhiễm thì ho có đờm hoặc có máu, ho dai dẳng, sốt cao, đau ngực.

 

Viêm phổi

Bệnh nhân có sốt cao, rét run, đau ngực, ho có đờm quánh, dính, màu rỉ sắt. Xét nghiệm thấy bạch cầu trong máu tăng cao. Chụp X-quang phổi có hình ảnh viêm phổi.

 

Lao phổi

Ho dai dẳng kéo dài, khạc ra đờm đặc, có khi lẫn máu hoặc ho ra máu tươi. Bệnh nhân thường sốt về chiều, người gầy, sút cân, chán ăn.

 

Áp-xe phổi

Người bệnh có sốt cao, đau ngực, ho khan hoặc có đờm. Nếu ổ áp-xe vỡ thông vào phế quản thì ho ra nhiều đờm như mủ, mùi tanh hoặc rất thối.

 

Ung thư phế quản

Hay gặp ở người già, người hút thuốc lá, thuốc lào. Bệnh nhân gầy sút nhanh, ăn uống kém, đau ngực, ho ra máu. Vì có khối u chèn ép nhiều gây khó thở, xẹp phổi.

 

Cách xử trí như thế nào?

Trong điều trị ho, quan trọng là phải điều trị nguyên nhân, đồng thời điều trị triệu chứng ho và làm cho đờm thoát ra ngoài cũng rất cần thiết. Thuốc ho có nhiều loại: loại tác dụng trên trung tâm hô hấp, các thuốc làm tan đờm, lỏng đờm. Tuy nhiên các thuốc này gây ức chế trung tâm hô hấp, không nên dùng cho người già, trẻ em, người viêm phế quản mạn tính, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính người suy hô hấp. Tùy theo từng trường hợp ho cụ thể mà các bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top