✴️ Phân biệt viêm phế quản do virus và viêm phế quản do vi khuẩn

Nội dung

1. Các nguyên nhân gây viêm phế quản

  • Virus: Virus là nguyên nhân của 60-70% các trường hợp viêm phế quản. Trong đó thường gặp là virus hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm hoặc adenovirus. Chúng thường gây ra các vụ dịch và gây bệnh theo mùa.
  • Mycoplasma: Là vi khuẩn không điển hình hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
  • Vi khuẩn: Viêm phế quản phổi do vi khuẩn còn phổ biến ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Các loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp như phế cầu, hemophilus influenzae, tụ cầu, liên cầu, E.coli…
  • Do hít phải hơi độc như khí SO2, clo, amoniac, acid, dung môi công nghiệp…
  • Do dị ứng: Viêm phế quản cấp cũng hay xảy ra ở bệnh nhân hen, nổi mày đay, phù Quinck, nhất là ở trẻ em.
  • Ngoài ra còn một số tác nhân ký sinh trùng hoặc nấm như pneumocystic carinii, nấm candida albicans… gây triệu chứng viêm phế quản, viêm phổi ở những người suy giảm miễn dịch.

Trong các nguyên nhân kể trên, virus và vi khuẩn là các tác nhân chính của bệnh viêm phế quản. Việc định hướng nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩa trong việc lựa chọn thuốc điều trị thích hợp. Đặc biệt là vấn đề có cần sử dụng kháng sinh hay không.

2. Phân biệt triệu chứng viêm phế quản do virus và viêm phế quản do vi khuẩn

2.1. Viêm phế quản do virus

Virus là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm phế quản. Viêm phế quản cấp do virus chiếm tới 60% đến 70% các trường hợp viêm phế quản cấp. Có thể kể đến các tác nhân virus như myxovirus (virus cúm, á cúm), rhinovirus, coronavirus, adenovirus, enterovirus, virus đại thực bào đường hô hấp và một số chủng virus herpes.

– Triệu chứng viêm phế quản do virus

Lâm sàng các dấu hiệu nhiễm virus không đặc hiệu. Khởi đầu là các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên. Bao gồm ho, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mắt nước mũi, Kèm theo đó bệnh nhân đau đầu, đau mỏi người, đau rát họng, khàn tiếng. Thông thường ho khan hoặc ho có đờm trắng trong.

Về dịch tễ hay gặp trong mùa dịch cúm hoặc mùa đông xuân thay đổi thời tiết. Người trong gia đình hoặc những người xung quanh cũng có thể có biểu hiện tương tự.

Nếu mắc viêm phế quản cấp do virus đơn thuần không cần dùng kháng sinh. Bởi vì kháng sinh chỉ có tác dụng lên vi khuẩn, không có tác dụng đối với nhiễm virus. Đôi khi bệnh do kết hợp với bội nhiễm vi khuẩn làm cho việc chẩn đoán lâm sàng khó khăn hơn.

Sử dụng các phương pháp như nuôi cấy tế bào, PCR, miễn dịch huỳnh quang hoặc huyết thanh chẩn đoán để xác định căn nguyên virus. Tuy nhiên trên thực tế lâm sàng ít làm trừ trong các vụ dịch lớn.

– Điều trị viêm phế quản do virus

Về điều trị viêm phế quản do virus chủ yếu tập trung vào điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng và dự phòng bội nhiễm. Điều trị bằng thuốc kháng virus còn nhiều hạn chế chỉ được chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt.

Kháng sinh không được chỉ định dùng trong các trường hợp viêm phế quản do virus thông thường. Dùng kháng sinh trong trường hợp này không những không hiệu quả mà lại gây hại cho sức khỏe.

Đặc biệt đối với trẻ nhỏ dùng kháng sinh không đúng có thể gặp tác dụng phụ của thuốc. Như rối loạn hệ miễn dịch, dị ứng, tổn thương tiêu hóa, loạn khuẩn đường ruột, độc tính cho gan, thận… Đồng thời, lạm dụng kháng sinh còn khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc và kháng nhiều loại kháng sinh.

3.2. Viêm phế quản do vi khuẩn

Viêm phế quản do vi khuẩn ít gặp hơn các trường hợp viêm phế quản do virus. Các tác nhân hay gặp nhất thuộc nhóm vi khuẩn không điển hình như mycoplasma và chlamydia. Các nguyên nhân như phế cầu, hemophillus influenza thì ít gặp ở người lớn.

– Triệu chứng viêm phế quản do vi khuẩn

Các triệu chứng viêm phế quản hướng tới chẩn đoán nguyên nhân do vi khuẩn bao gồm:

  • Bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng rõ như môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi. Có thể đi kèm với sốt cao.
  • Người bệnh ho khạc đờm mủ, đờm đục hoặc đờm màu xanh vàng. Khác với trường hợp nhiễm virus thì người bệnh thường ho khan hoặc ho đờm màu trắng trong.
  • Bệnh đã diễn biến quá 10 ngày
  • Bilan nhiễm trùng tăng: số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi tăng cao, CRP tăng, procalcitonin tăng.
  • Có thể nhuộm soi hoặc nuôi cấy đờm để tìm tác nhân vi khuẩn gây bệnh.

– Điều trị viêm phế quản do vi khuẩn

Ngoài các biện pháp điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng viêm phế quản, viêm phế quản cấp do vi khuẩn cần được điều trị kháng sinh thích hợp. Các nhóm kháng sinh được lựa chọn ban đầu là betalactam hoặc quinolone hô hấp.

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp không phải nhập viện và có tiên lượng tốt. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng và đầy đủ, viêm phế quản cấp có thể dẫn tới viêm phổi, áp-xe phổi, tràn mủ màng phổi…  Khi đó  tiên lượng bệnh sẽ nặng nề hơn.

Do vậy, người dân cần chủ động phòng ngừa viêm phế quản bằng cách chú ý giữ ấm cho cơ thể, nhất là về mùa rét. Điều trị triệt để các ổ viêm nhiễm ở mũi họng tránh lây lan sang phế quản phổi. Thêm vào đó cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top