✴️ Phân loại, nguyên nhân và chẩn đoán hen

Nội dung

Hen suyễn là một tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến đường thở. Hen gây khò khè và có thể làm cho khó thở. Một số yếu tố khởi phát bao gồm tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích thích, vi rút, tập thể dục, cảm xúc căng thẳng và các nguyên nhân khác.

Hen suyễn làm cho lớp thành trong đường thở, hoặc các phế quản, bị phù nề lên và viêm. Trong cơn hen suyễn, đường thở sẽ phù nề lên, các cơ xung quanh chúng sẽ co thắt lại và làm cho không khí khó di chuyển vào và ra khỏi phổi.

Khoảng 7,9% người dân ở Hoa Kỳ bị hen suyễn vào năm 2017. Có nhiều loại hen suyễn, và một số yếu tố có thể gây ra hen suyễn hoặc khởi phát thành một cơn hen cấp tính.

Bài viết này đề cập đến các phân loại, nguyên nhân và các yếu tố khởi phát gây bệnh hen suyễn, cũng như cách bác sĩ chẩn đoán bệnh.

Hen suyễn là gì?

Hen suyễn là một tình trạng ảnh hưởng đến đường thở lâu dài. Nó liên quan đến viêm và làm hẹp đường dẫn khí bên trong phổi, làm hạn chế sự thông khí.

Một người mắc bệnh hen suyễn có thể gặp các dấu hiệu như:

  • Tức ngực;

  • Khò khè;

  • Khó thở;

  • Ho;

  • Tăng tiết đàm nhớt.

Một cơn hen cấp xảy ra khi các triệu chứng trở nên dần nghiêm trọng. Cơn cấp tính có thể bắt đầu đột ngột và từ mức độ nhẹ đến đe dọa tính mạng.

Trong một số trường hợp, phù nề ở đường thở có thể ngăn oxy đến phổi. Điều này có nghĩa là oxy không thể xâm nhập vào máu hoặc đến các cơ quan quan trọng. Do đó, những người có các triệu chứng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế khẩn.

Bác sĩ có thể kê toa phương pháp điều trị phù hợp cũng như tư vấn về những cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng hen suyễn của họ.

Phân loại hen suyễn

Hen suyễn có thể xảy ra theo nhiều cách khác nhau và vì nhiều lý do khác nhau, nhưng các tác nhân thường giống nhau. Chúng bao gồm các chất gây ô nhiễm trong không khí, vi rút, vẩy lông của thú cưng (pet dander), nấm mốc và khói thuốc lá. Dưới đây là liệt kê một số loại hen suyễn phổ biến.

Hen suyễn ở trẻ em

Hen suyễn là tình trạng mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em. Nó có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng dường như phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.

Trong năm 2017, trẻ em ở độ tuổi 5-14 có nhiều khả năng bị hen suyễn nhất. Ở nhóm tuổi này, hen suyễn gây ảnh hưởng đến 9,7% số trẻ em. Nó cũng ảnh hưởng đến 4,4% trẻ em từ 0-4 tuổi. Trong cùng năm đó, hen suyễn ảnh hưởng đến 7,7% những người từ 18 tuổi trở lên.

Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, một số tác nhân phổ biến gây hen suyễn ở trẻ em bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp và cảm lạnh;

  • Khói thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc lá thụ động;

  • Chất gây dị ứng;

  • Các chất ô nhiễm không khí, bao gồm ô nhiễm ô-zôn và vi hạt, cả ở trong nhà và bên ngoài trời;

  • Tiếp xúc với không khí lạnh;

  • Thay đổi nhiệt độ đột ngột;

  • Sự phấn khích;

  • Căng thẳng;

  • Tập thể dục.

​     hen suyễn ở trẻ em

Điều quan trọng là bạn nên tìm đến sự chăm sóc y tế khi một đứa trẻ bắt đầu bị hen suyễn, vì nó có thể đe dọa đến tính mạng. Bác sĩ có thể tư vấn một số cách tốt nhất để kiểm soát bệnh.

Trong một số trường hợp, hen suyễn có thể cải thiện khi trẻ đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, đối với nhiều người, nó là bệnh lý kéo dài suốt đời.

Hen suyễn ở người lớn

Hen suyễn có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, kể cả trong tuổi trưởng thành. Theo một nghiên cứu năm 2013, người lớn có nhiều khả năng có các triệu chứng dai dẳng hơn trẻ em. Một số yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn ở tuổi trưởng thành bao gồm:

  • Bệnh lý đường hô hấp;

  • Dị ứng và tiếp xúc với các chất gây dị ứng;

  • Yếu tố nội tiết;

  • Béo phì;

  • Căng thẳng;

  • Hút thuốc.

Hen suyễn liên quan đến nghề nghiệp

Hen suyễn nghề nghiệp là kết quả của việc tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích thích có ở nơi làm việc. Trong những nơi làm việc sau đây, các chất gây dị ứng có thể gây ra hen suyễn ở những người nhạy cảm hoặc dị ứng:

  • Tiệm bánh, nhà máy bột, và nhà bếp;

  • Bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác;

  • Cửa hàng thú cưng, sở thú, và phòng thí nghiệm nơi có động vật;

  • Trang trại và các cơ sở nông nghiệp khác.

Trong các nghề nghiệp sau đây, chất kích thích có thể kích hoạt các triệu chứng hen suyễn:

  • Sửa chữa và chế tạo ô tô;

  • Ngành kỹ sư và cơ khí;

  • Nghề mộc;

  • Công nghiệp điện tử và lắp ráp;

  • Tiệm làm tóc;

  • Bể bơi trong nhà.

Những người có nguy cơ cao hơn bao gồm những người:

  • Hút thuốc;

  • Bị viêm mũi dị ứng;

  • Có tiền sử hen suyễn hoặc dị ứng môi trường.

Môi trường làm việc có thể khởi phát trở lại bệnh hen suyễn ở trẻ em hoặc khởi đầu bệnh hen suyễn ở người trưởng thành.

Hen không kiểm soát và hen suyễn nặng

Nghiên cứu cho thấy khoảng 5-10% người mắc bệnh hen suyễn bị hen suyễn nặng. Một số người có các triệu chứng nghiêm trọng vì những lý do không liên quan trực tiếp đến bệnh hen suyễn. Ví dụ, họ có thể chưa được học đúng cách sử dụng ống hít.

Những người khác bị hen suyễn nặng kém đáp ứng với điều trị. Trong những trường hợp này, hen suyễn không đáp ứng với điều trị - ngay cả khi dùng thuốc với liều lượng cao hoặc sử dụng ống hít đúng cách. Nhóm hen suyễn có thể chiếm đến 3,6% những người mắc bệnh này, theo một nghiên cứu vào năm 2015.

Hen suyễn bạch cầu ái toan là một loại hen suyễn khác, trong trường hợp nặng, có thể không đáp ứng với các loại thuốc thông thường. Mặc dù một số người mắc bệnh hen suyễn bạch cầu ái toan có thể điều trị bằng thuốc hen suyễn thông thường, những người khác có thể được hưởng lợi từ các liệu pháp sinh học đặc trị (specific biologic therapies) cụ thể. Một loại thuốc sinh học  (biologic medication) làm giảm số lượng bạch cầu ái toan, là một loại tế bào máu liên quan đến phản ứng dị ứng có thể khởi phát cơn hen suyễn.

Hen suyễn theo mùa

Loại hen suyễn này xảy ra do đáp ứng với các chất gây dị ứng chỉ có trong môi trường xung quanh vào những thời điểm nhất định trong năm. Ví dụ, không khí lạnh vào mùa đông hoặc phấn hoa vào mùa xuân hoặc mùa hè có thể gây ra các triệu chứng hen suyễn theo mùa.

Những người mắc bệnh hen suyễn theo mùa vẫn có khả năng mắc bệnh vào khoảng còn lại của năm, nhưng họ thường không gặp phải các triệu chứng trên. Tuy nhiên, hen suyễn không phải lúc nào cũng xuất phát từ dị ứng.

Xem tiếp: Nguyên nhân và chẩn đoán hen

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top