Polyp đại tràng là tổn thương nhỏ có hình dạng như khối u phát triển trên bề mặt đại tràng (có thể trong lòng đại tràng, trên thành ruột hoặc ở bề mặt bên ngoài). Polyp đại tràng có thể ở dưới dạng phẳng hoặc lồi vào lòng đại tràng. Một người có thể có một hoặc nhiều polyp đại tràng, đa số là lành tính. Tuy nhiên một trong số các polyp có thể phát triển thành ung thư, nhất là những polyp dạng phẳng, kích thước nhỏ và khó quan sát.
Có hai dạng polyp thường gặp nhất ở đại tràng là polyp tăng sản và polyp tuyến. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên hình ảnh nội soi thì rất khó phân biệt hai loại polyp này. Do đó trong trường hợp nội soi đại tràng quan sát thấy có polyp, bác sĩ sẽ cắt bỏ hoặc lấy mẫu mô để làm giải phẫu tế bào học.
Tham khảo: Khám và điều trị bệnh về đại tràng
Phẫu thuật cắt polyp đại tràng trước khi chúng trở thành ác tính là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa ung thư đại tràng. Thông thường, các polyp được cắt bỏ trong quá trình nội soi đại tràng. Trong đó, các polyp nhỏ được cắt thành từng mẩu nhỏ bằng một dụng cụ luồn qua ống nội soi đại tràng. Polyp có kích thước lớn được cắt bằng một dụng cụ vòng qua phần đáy của polyp và đốt bắng điện. Phương pháp này cũng giúp cầm máu sau khi cắt polyp.Trong trường hợp polyp quá lớn không thể cắt được qua nội soi thì sẽ được loại bỏ bằng phẫu thuật. Quá trình cắt polyp đại tràng không gây đau vì phần niêm mạc đại tràng không tạo được cảm giác đau.
Sau khi thực hiện cắt bỏ polyp đại tràng, người bệnh nên tránh dùng các loại thuốc kháng đông máu như aspirin, ibuprofen và naproxen trong vòng 2 tuần sau cắt polyp. Các loại thuốc cần dùng đều phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời người bệnh cần tái khám để biết kết quả giải phẫu bệnh lý và được tư vấn về cách thức theo dõi polyp đại trảng sau này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh