Suy hô hấp cấp là tình trạng suy giảm chức năng trao đổi khí tại phổi xảy ra một cách đột ngột, khiến cơ thể không được cung cấp đủ oxy (hypoxemia) hoặc không thể loại bỏ hiệu quả khí CO₂ ra khỏi máu (hypercapnia). Đây là một cấp cứu nội khoa nghiêm trọng, thường gặp ở bệnh nhân mắc các bệnh lý như viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản nặng, phù phổi cấp, hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS).
Suy hô hấp cấp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân viêm phổi nặng và có thể diễn tiến rất nhanh nếu không được can thiệp kịp thời.
Người bệnh suy hô hấp thường khó thở
Người bệnh bị suy hô hấp cấp thường có các biểu hiện sau:
Khó thở nặng, thở nhanh, nông
Tím tái, đặc biệt là môi, đầu ngón tay
Co kéo các cơ hô hấp phụ
Tăng nhịp tim (tim đập nhanh để bù trừ thiếu oxy)
Lo lắng, vật vã, lú lẫn hoặc rối loạn ý thức, thậm chí hôn mê nếu thiếu oxy nghiêm trọng
Người bị suy hô hấp có thể lâm vào tình trạng hôn mê nếu không điều trị kịp thời
Một số nguyên nhân thường gặp gây suy hô hấp cấp bao gồm:
Viêm phổi nặng
Tắc nghẽn đường thở cấp tính (dị vật, co thắt phế quản)
Phù phổi cấp
Thuyên tắc phổi
Chấn thương ngực
Bệnh lý thần kinh – cơ ảnh hưởng đến trung tâm hô hấp
Người bệnh cần được hỗ trợ bằng máy thở để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cơ thể
Việc điều trị suy hô hấp cấp cần kết hợp hai mục tiêu chính:
Đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cơ thể
Điều trị nguyên nhân gây ra suy hô hấp
Thở oxy qua mặt nạ hoặc ống thông mũi đối với các trường hợp nhẹ.
Đặt nội khí quản và thở máy khi tình trạng khó thở nặng, SpO₂ thấp dù đã thở oxy. Bệnh nhân có thể cần thở máy trong vài giờ đến nhiều ngày tùy theo đáp ứng điều trị.
Kháng sinh phổ rộng khi nguyên nhân là viêm phổi do vi khuẩn.
Thuốc chống đông nếu có thuyên tắc phổi.
Thuốc giãn phế quản, corticoid, hoặc lợi tiểu trong các tình huống đặc thù như hen phế quản, COPD cấp, hoặc phù phổi cấp.
Sau khi điều trị suy hô hấp cấp, người bệnh cần được chăm sóc trong môi trường sạch sẽ, thông thoáng, không khói thuốc và tránh các yếu tố nguy cơ như:
Khói bụi ô nhiễm
Hóa chất kích ứng
Lông vật nuôi (chó, mèo…)
Bệnh nhân nên:
Tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ
Tăng cường dinh dưỡng, luyện tập hô hấp theo hướng dẫn phục hồi chức năng
Tránh tái nhiễm hô hấp (giữ ấm, tiêm ngừa cúm, phế cầu…)
Suy hô hấp cấp là tình trạng nguy hiểm, cần được xử trí ngay lập tức. Việc phát hiện sớm và đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời đóng vai trò then chốt trong cải thiện tiên lượng. Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, quá trình chăm sóc và phòng ngừa tái phát là yếu tố quan trọng nhằm bảo vệ chức năng hô hấp lâu dài cho người bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh