Ho ra máu là hiện tượng khạc ra máu trong khi ho, máu xuất phát từ đường hô hấp dưới (tính từ thanh quản trở xuống). Đây là hiện tượng khiến người bệnh vô cùng lo lắng, hoang mang. Vậy nguyên nhân nào gây ho ra máu?
Biểu hiện của ho ra máu
Cơn ho máu có thể xảy ra đột ngột, hoặc sau khi người bệnh hoạt động, xúc động mạnh, sau khi ăn quá no hay nói nhiều. Thời tiết thay đổi đột ngột cũng có thể là nguyên nhân gây ho máu.
Trước khi ho máu, người bệnh có thể có các dấu hiệu như: bứt rứt, hồi hộp, ngột ngạt, nặng nề. Người bệnh có cảm giác nóng sau xương ức, khò khè, khó thở, lợm giọng, sau đó thấy cảm giác ngứa họng rồi ho, khạc hay trào máu từ đường hô hấp ra ngoài. Máu màu đỏ tươi, ra trong cơn ho hoặc ngay sau đó, có bọt hay bóng khí, có thể có lẫn đờm nhưng không có thức ăn (để phân biệt với tình trạng nôn máu – máu ra từ đường tiêu hóa có lẫn thức ăn). Số lượng máu ra có thể ít: vài tia máu lẫn đờm, vài ml đến vài trăm ml. Trong trường hợp nặng có thể trào ra ào ạt, sặc sụa, gây ra tình trạng thiếu máu cấp, làm người bệnh suy sụp, thậm chí tử vong do mất quá nhiều máu. Trường hợp máu ra nhiều đột ngột như vậy còn được gọi là ho ra máu sét đánh.
Ho ra máu có thể kéo dài 1 hay vài ngày hoặc thành từng đợt. Khi ho ra máu số lượng ít dần, máu ra màu nâu, màu gỉ sắt gọi là đuôi máu, là dấu hiệu báo kết thúc hiện tượng ho máu.
Bệnh nhân ho ra máu lần đầu tiên hoặc ho ra nhiều máu thường hốt hoảng, lo sợ, mặt tái xanh, vã mồ hôi, tim đập nhanh. Nếu máu ra nhiều như trong ho máu sét đánh, người bệnh có các biểu hiện của tình trạng mất máu cấp như: mạch nhanh, huyết áp tụt, tím tái, chân tay lạnh, vã mồ hôi,… đi kèm với tình trạng đau ngực, khó thở.
Nguyên nhân của ho ra máu
Cơ chế gây ra ho máu có thể là:
Vỡ các mạch máu trong khí quản, phế quản, phổi.
Thoát hồng cầu qua thành mạch vào trong các phế nang: trong trường hợp phù phổi cấp.
Dị ứng: khiến cho các mao mạch ở phổi bị giãn ra
Rối loạn về máu: do sự thay đổi nội tiết khiến thời gian chảy máu kéo dài.
Các nguyên nhân thường gặp gây ra ho máu:
Bệnh lý đường hô hấp
Lao phổi: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng ho máu, do vỡ các mạch máu trong hang lao. Đặc biệt khi người bệnh có các biểu hiện sau: ho kéo dài trên 2 tuần, ho có đờm lẫn máu, sốt âm ỉ về chiều, sút cân, mệt mỏi, chán ăn, đau tức ngực.
Giãn phế quản: thường do di chứng của lao phổi hoặc do các nhiễm trùng mạn tính khác ở phổi như: áp xe, viêm phổi,… Giãn phế quản thường đi kèm với tình trạng giãn các mạch máu khiến thành mạch mỏng, dễ vỡ. Trường hợp này, ho ra máu thường tái phát nhiều lần, số lượng ít, chỉ vài ml, nhưng cũng có khi ho máu số lượng nhiều, khá nguy hiểm.
Ung thư phổi: Ung thư phổi là bệnh lý ác tính, thường xảy ra ở nam giới trên 40 tuổi, người hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm. Thời gian đầu bệnh thường ít có triệu chứng, có thể chỉ ho ít, giai đoạn muộn có các biều hiện như: ho kéo dài, đau ngực, khó thở, gầy sút cân nhanh trong thời gian ngắn, ho máu thường số lượng ít.
Nhiễm trùng đường hô hấp: viêm phổi hoại tử, viêm phế quản cấp, áp xe phổi, u phổi, nấm phổi,… kèm theo các dấu hiệu như: sốt, ho khạc đờm mủ, môi khô, hơi thở hôi, vẻ mặt hốc hác, xanh xao, đau ngực tăng lên khi ho hay hít vào sâu.
Bệnh ngoài đường hô hấp
Bệnh tim mạch
Hẹp van hai lá, suy tim trái do tăng huyết áp làm tăng áp lực trong động mạch phổi, có thể làm vỡ hàng rào mao mạch – phế nang khiến máu tràn vào lòng phế nang, gây ra tình trạng phù phổi cấp.
Tắc động mạch phổi: người bệnh đau ngực, ho ra máu, mạch nhanh, sốt nhẹ.
Vỡ phình động mạch chủ: gây ra tình trạng ho ra máu nhiều, dễ dẫn tới tử vong.
Dị dạng mạch máu phổi…
Bệnh về máu
Suy tủy xương, rối loạn đông máu, bệnh bạch cầu,… Trong những trường hợp này, ho máu chỉ là một dấu hiệu đi kèm các triệu chứng chảy máu khác như: bầm tím dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam,…
Chấn thương lồng ngực: gây tổn thương vào phổi, các thủ thuật can thiệp: nội soi, sinh thiết phổi.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh