Sa sút trí tuệ (Dementia) là một bệnh thoái hóa thần kinh phức tạp, có xu hướng ngày càng tiến triển các triệu chứng ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, hành vi của một người. Theo thời gian, nếu không được quan tâm, chăm sóc, căn bệnh này có nguy cơ ngày càng nặng hơn và có thể dẫn đến mất trí nhớ.
Mặc dù tuổi tác là yếu tố nguy cơ cao nhất dẫn đến căn bệnh suy giảm trí tuệ, nhưng thực tế lại chỉ ra rằng hiện tại, nhiều người trẻ cũng đang mắc phải căn bệnh này. Trong một nghiên cứu của Học viện Thần kinh học Hoa Kỳ cho thấy một số thay đổi về lối sống có thể giúp giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ. Những thay đổi đó bao gồm cả hoạt động tinh thần và thể chất .
Thừa cân hoặc béo phì không chỉ làm tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, mà còn liên quan đến chứng suy giảm trí tuệ. Lượng cholesterol xấu cực kỳ nguy hiểm nếu đọng lại trong mạch máu sẽ gây nguy cơ xơ vữa, hẹp, tắc mạch máu, khiến máu không cấp đủ oxy và dinh dưỡng cho não, dẫn tới suy giảm chức năng của não bộ.
Vì vậy, bạn cần duy trì cân nặng hợp lý, ăn nhiều trái cây tươi, rau, các loại hạt, đậu và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế đồ ăn vặt, thức ăn chế biến sẵn.
Thiếu hoạt động thể chất có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, thừa cân béo phì và bệnh đái tháo đường type 2, tất cả đều có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ. Tập thể dục đều đặn mỗi ngày có vai trò đặc biệt quan trọng, đặc biệt là với người lớn tuổi trong việc tăng cường trí nhớ.
Vì vậy, dù ở độ tuổi nào, bạn nên có kế hoạch tập luyện thể chất thường xuyên và đều đặn, đó có thể là đi bộ hơi nhanh hơn, đạp xe, khiêu vũ, yoga, hoặc những bài tập tăng cường sức mạnh khác.
Uống nhiều đồ uống có còn như rượu bia có thể dẫn đến đột quỵ, bệnh tim và ung thư, ngoài ra, còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh, trí nhớ của bạn. Uống nhiều rượu thường dẫn đến tình trạng thiếu vitamin B1 (hay còn gọi là thiamine, có vai trò cung cấp năng lượng cho não và các tế bào thần kinh), do đó, có thể ảnh hưởng đến trí nhớ trong ngắn hạn và dài hạn. Do vậy, bạn hãy giữ gìn sức khỏe bằng cách hạn chế đồ uống có cồn, đặc biệt là bia rượu.
Hút thuốc lá có thể dẫn đến tăng huyết áp, mạch máu bị thu hẹp và khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn, theo thời gian làm suy giảm nhận thức, trí tuệ sa sút. Không những vậy, hút thuốc lá còn làm gia tăng các bệnh đường hô hấp. Bạn cần bỏ thói quen hút thuốc để có một lối sống lạnh mạnh.
Căng thẳng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Trong đó, trầm cảm làm tăng nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ, thậm chí trầm cảm có thể được xem là biểu hiện đầu tiên của sa sút trí tuệ. Bạn nên học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi khoa học, đồng thời thực hiện các biện pháp giúp thư giãn như thiền định, yoga...
Khi tuổi tác ngày càng lớn hơn, nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, cholesterol cao và bệnh đái tháo đường sẽ tăng lên, có liên quan mật thiết với sự phát triển chứng sa sút trí tuệ. Vì vậy, bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ và tuân theo những chỉ định của bác sĩ (nếu có) để có một thói quen lành mạnh.
Một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng sẽ cung cấp cho cơ thể bạn tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết và có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh khác bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ. Do đó, hãy ưu tiên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt (như gạo lứt, ngô tự nhiên, yến mạch), trái cây, rau xanh, thịt đỏ, cá và sử dụng dầu thực vật. Bạn cần hạn chế thức ăn có nhiều đường, muối.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh