✴️ Bệnh đau buốt đầu: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

Nội dung

Đau đầu là triệu chứng mà ai cũng gặp ít nhất một lần trong đời. Có người chỉ cảm thấy đau nhẹ, cơn đau không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống thường ngày, Trong khi một số người khác lại gặp phải nhưng cơn đau dữ dội, đau buốt rất khó chịu. Vậy bệnh đau buốt đầu do nguyên nhân nào gây ra, có cách nào để cải thiện không? Hãy cùng tìm hiểu về chứng đau buốt đầu qua bài viết sau đây.

 

1. Bệnh đau buốt đầu là gì?

1.1 Đặc điểm của bệnh đau buốt đầu

Đau buốt đầu là hiện tượng đau đầu dữ dội, nhói buốt ở một bên đầu. Bệnh được mô tả với những biểu hiện như sau:

– Cảm giác đau như bị dao đâm hoặc dùi nung với những mức độ khác nhau

– Đau trong hoặc xung quanh một bên mắt hay một bên thái dương

– Đau có khi lan tới trán, mũi, má hoặc hàm trên

– Mắt cay hoặc đỏ ngầu hoặc vì đau, đồng tử co nhỏ, mí mắt rũ xuống

– Tắc mũi hoặc chảy nước mũi.

– Vã mồ hôi liên tục.

Đau buốt đầu là tình trạng đau nhức, buốt nhói ở một bên đầu

 

1.2 Thời gian đau và tần suất các cơn đau

Thực tế, hiện tượng đau buốt đầu có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào và thường theo từng đợt. Cơn đau buốt đầu điển hình tăng dần mức độ trong 5 – 10 phút cho tới khi lên tới đỉnh điểm. Đau thường kéo dài từ 30 phút – 3 giờ, xảy ra đột ngột khoảng 1 – 8 lần/ngày.

Tình trạng này có thể kéo dài trong khoảng vài tuần đến vài tháng. Giữa các đợt nhức đầu có thể không có triệu chứng và dấu hiệu gì, khiến bệnh nhân chủ quan và bỏ qua.

Một số người gặp cơn đau buốt đầu xảy ra từ 2 – 3 giờ sau khi ngủ với triệu chứng đặc trưng là cử động mắt nhanh. Cơn đau khiến người bệnh khó chịu và thức giấc. 

 

2. Nguyên nhân gây đau buốt đầu?

Hiện nay, y học vẫn chưa các định rõ được nguyên nhân gây chứng đau buốt đầu. Nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra sự hoạt động bất thường của vùng dưới đồi – vùng não điều khiển thân nhiệt – có thể là nguyên nhân gây ra triệu chứng này.

Đau buốt đầu thường không có liên quan đến tiền sử gia đình. Những yếu tố nguy cơ của chứng đau buốt đầu bao gồm:

– Tuổi tác: Bệnh thường xảy ra chủ yếu ở nam giới. Các nghiên cứu chỉ ra 85% trường hợp bị đau buốt đầu là nam giới tuổi từ 20 – 50. 

– Hút thuốc lá: Những người nghiện thuốc lá nặng dễ bị đau buốt đầu.

– Bia rượu: Uống nhiều rượu bia khiến tần suất các cơn đau buốt đầu nhiều hơn. 

Những bất thường của hệ thần kinh có thể là nguyên nhân gây ra chứng đau buốt đầu

 

3. Khi nào cần khám bác sĩ?

Khi những cơn đau buốt đầu kéo dài, lặp đi lặp lại, kèm theo các triệu chứng như sốt, giảm thị lực, buồn nôn, nôn,… bạn cần đi khám chuyên khoa thần kinh để được tư vấn cách đối phó với chứng bệnh này. 

Tại các chuyên khoa thần kinh, bác sĩ có thể phát hiện dấu hiệu thực thể của đau buốt đầu như đã nói ở trên, bao gồm thu nhỏ đồng tử mắt, rũ mí mắt trong và giữa các cơn đau. 

Bằng chuyên môn và kinh nghiệm thăm khám, các bác sĩ có thể phân biệt chứng đau buốt đầu với các trường hợp đau đầu do chấn thương hoặc một số bệnh lý có triệu chứng đau đầu khác như đột quỵ, viêm màng não, viêm não, u não. Đối với các bệnh này, đau đầu thường kèm theo sốt, cổ cứng, phát ban, lú lẫn tinh thần, động kinh, nhìn đôi, mệt mỏi, liệt hoặc nói khó,… 

Bên cạnh đó, việc thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng cũng giúp xác định nguyên nhân một cách chính xác hơn. 

 

4. Cách cải thiện chứng đau buốt đầu

4.1 Giảm đau bằng các loại thuốc

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào điều trị dứt điểm bệnh đau đầu này. Mục đích của việc điều trị chỉ nhằm giảm mức độ đau, rút ngắn thời gian và tần suất cơn đau. Các loại thuốc có tác dụng trong trường hợp này là: ergotamin, thuốc chẹn kênh canxi. Để biết cách dùng thuốc phù hợp và hiệu quả, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và tư vấn chi tiết.

Đối với các trường hợp nặng hơn, có thể cho bệnh nhân thở oxy 100% trong vài phút cũng giúp giảm nhanh cơn đau và giảm tần suất các cơn đau buốt đầu hay xảy ra vào ban đêm.

4.2 Dự phòng tái phát bệnh đau buốt đầu

Tuy không thể ngăn cơn đau đầu đã xảy ra, nhưng bạn có thể tự làm giảm nguy cơ tái phát bằng cách:

– Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, nước chè. 

– Thường xuyên tập thể dục giúp tăng cường khả năng tuần hoàn, cải thiện lưu thông máu não,…

– Lao động, làm việc vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng quá mức.

– Ăn đúng bữa, không ăn kiêng thái quá. Bổ sung các thực phẩm tốt cho não bộ như thịt, cá, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây,…

Nói tóm lại, để hạn chế những khó chịu do bệnh đau buốt đầu gây ra, bạn cần chủ động thăm khám và xây dựng các thói quen tích cực. Ngay khi thấy biểu hiện đau buốt đầu, đừng chần chừ hoặc tự ý điều trị mà hãy tới ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng hướng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top