Bệnh nhiễm trùng đường ruột xảy ra rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Triệu chứng của bệnh là tiêu chảy cấp, đi ngoài phân nước hoặc nhầy nhớt kèm nôn mửa, sốt… Biết được nguyên nhân, chẩn đoán kịp thời giúp việc điều trị đơn giản và nhanh chóng hơn.
Nhiễm trùng đường ruột hay còn được biết đến với tên gọi khác là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, do virus, vi khuẩn, nấm men hoặc ký sinh trùng gây ra. Bệnh được biểu hiện bằng tình trạng tiêu chảy phân lỏng như nước, đau quặn bụng, nôn mửa kèm theo sốt. Bệnh diễn tiến nhanh, có thể gây ra những biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh có thể lây qua đường tiếp xúc với người bệnh hoặc do ăn phải thức ăn, nước uống bị ô nhiễm.
Nhiễm trùng đường ruột có thể do một số lượng lớn vi sinh vật xâm nhập hệ tiêu hóa, tấn công và gây ra bệnh, cụ thể:
– Vi khuẩn E coli: Chủng E coli O157:H7 sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa của con người, có thể tiết ra độc tố gây đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy ra máu. Loại vi khuẩn này lây lan qua nguồn nước ô nhiễm, thực phẩm bẩn hoặc lây lan qua đường tiếp xúc giữa người với người.
– Vi khuẩn Salmonella: Vi khuẩn này thường có trong thịt gia cầm chưa được nấu chín, trứng sống hoặc nước uống chưa đun sôi. Vi khuẩn Salmonella cũng tồn tại trên các bề mặt cánh cửa, tay vịn cầu thang… khi con người tiếp xúc hoặc sau khi chạm vào động vật bị nhiễm khuẩn.
– Norovirus: Xuất hiện trong các loại thực phẩm bị bẩn, ôi thiu, loại virus này có thể lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp.
– Rotavirus: Là tác nhân hàng đầu gây ra nhiễm trùng tiêu hóa ở trẻ em. Rotavirus dễ dàng lây lan trong cộng đồng qua đường tiếp xúc, bệnh gây ra những triệu chứng tiêu chảy cấp nặng nề, nếu không được cấp cứu kịp thời trẻ có thể tử vong do mất nước.
– Nhiễm ký sinh trùng Giardia: Thường gặp nhiều ở trẻ em dưới 5 tuổi. Theo thống kê tại Việt Nam tỷ lệ trẻ bị nhiễm loại ký sinh trùng này lên đến 15%.
– Nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidium: Loại ký sinh trùng này nguy hiểm ở chỗ nó gây ảnh hưởng đến cả đường ruột và hệ hô hấp, làm suy giảm sức đề kháng, hệ thống miễn dịch dẫn đến tiêu chảy kéo dài.
Để dẫn đến nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, virus và ký sinh trùng như trên, con người thường phải đối mặt với tình trạng:
Nguồn nước bị ô nhiễm: Thiếu nước sạch, phải tiêu thụ nguồn nước ô nhiễm như nước sông, nước ao hồ chưa được xử lý là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiễm trùng đường ruột. Để hạn chế nhiễm bệnh, bạn chỉ nên sử dụng nguồn nước đảm bảo, uống nước đã đun sôi hoặc tiệt trùng kỹ.
Vệ sinh kém: Đây cũng là nguyên nhân gây lây nhiễm vi khuẩn dẫn đến nhiễm trùng đường ruột. Do đó, cần rửa tay sạch với xà bông diệt khuẩn sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, trước khi chăm sóc trẻ nhỏ… để hạn chế nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào hệ tiêu hóa.
– Bệnh gây ra bởi nhiễm virus, ngoài gây ra các triệu chứng về tiêu hóa còn gây ra các triệu chứng hô hấp khó chịu như ho, sổ mũi, viêm họng… các triệu chứng xảy ra đột ngột và kéo dài dưới một tuần.
– Bệnh gây ra bởi nhiễm vi khuẩn, người bệnh xuất hiện tình trạng co thắt ở bụng dưới từng cơn, đau bụng có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy thuộc vào chủng vi khuẩn gây bệnh.
– Bệnh gây ra bởi nấm men, ký sinh trùng sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi và trầm cảm, xuất hiện chất nhầy trong tiêu chảy.
Đồng thời, người bệnh sẽ xuất hiện đồng thời các triệu chứng:
– Đi ngoài phân lỏng như nước, phân nát, mùi khó chịu. Tần suất đi ngoài trong ngày liên tục gây ra mất nước, mệt mỏi, da khô, môi khô, mắt trũng sâu…
– Người bệnh buồn nôn và nôn, chán ăn hoặc ăn không ngon miệng.
– Khi độ nhiễm trùng đường ruột nặng hơn gây chướng bụng, đầy bụng, cảm giác ậm ạch.
– Ký sinh trùng, vi khuẩn trú ngụ ở thành ruột gây ra hội chứng ruột kích thích.
– Người bệnh đối mặt với tình trạng rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc.
– Ngoài ra nhiễm trùng đường ruột có thể gây dị cảm ngoài da gây ngứa, rát.
Trong nhiều trường hợp bệnh nhiễm trùng đường ruột có thể tự khỏi và không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng tiêu chảy cấp kéo dài, không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến những biến chứng như:
– Hội chứng ruột kích thích do các ký sinh trùng cư trú tại thành ruột.
– Xuất huyết đường ruột gây mất máu cấp, nhiễm trùng nặng.
– Viêm và loét tại đại trực tràng.
– Nhiễm trùng ruột nặng dẫn đến hoại tử phải cắt bỏ đoạn ruột hỏng.
– Tiêu chảy cấp gây mất nước trầm trọng, có thể gây tử vong.
– Với các trường hợp bệnh nhẹ, hầu hết không cần điều trị sẽ tự khỏi nhưng cần theo dõi chặt chẽ triệu chứng.
– Với những trường hợp bị tiêu chảy cần bổ sung nước, chất điện giải cho cơ thể tránh tình trạng mất nước, suy kiệt.
– Khi người bệnh bị tiêu chảy, nôn, mất nước cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
– Đặc biệt với trường hợp là trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh khi có biểu hiện tiêu chảy trên 3 lần/ngày, phân lỏng, sốt… cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
– Hỗ trợ điều trị cần ăn thức ăn dễ tiêu, đủ chất dinh dưỡng nhất để nhanh khỏi và mau hồi phục.
– Với trẻ còn bú mẹ, cần tăng số lần bú trong ngày.
– Đảm bảo nguồn nước sạch, thực phẩm hợp vệ sinh và luôn ăn chín uống sôi.
– Vệ sinh tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến đồ ăn, trước khi ăn, trước khi chăm sóc trẻ nhỏ, không nên ăn bốc.
– Không nên ăn đồ chế biến sẵn, đồ hộp vì có thể chứa vi khuẩn gây bệnh.
– Không nên ăn rau sống, gỏi cá, tiết canh… vì chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm như E.Coli, tụ cầu vàng, giun sán…
– Đảm bảo môi trường sống luôn thoáng đãng, sạch sẽ.
– Tiêm phòng vắc xin ngừa rotavirus cho trẻ dưới 6 tháng tuổi để phòng bệnh tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn đường ruột.
Bệnh nhiễm trùng đường ruột rất phổ biến, dễ mắc, dễ lây lan. Tuy nhiên bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị khỏi hoàn toàn. Với những thông tin trên, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm thông tin để bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa luôn tốt!
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh