✴️ Hồng ban đa dạng (Erythema multiforme)

Nội dung

I. ĐẠI CƯƠNG

Hồng ban đa dạng là một bệnh da cấp tính do nhiều căn nguyên khác nhau gây nên, biểu hiện trên da là các thương tổn dát đỏ, sẩn phù, mụn nước, bọng nước xen kẽ với các thương tổn hình bia bắn. Vị trí hay gặp là mu tay, cổ tay, cẳng tay, cẳng chân, đầu gối. Niêm mạc miệng, mắt, sinh dục cũng thường bị tổn thương.

 

II. CHẨN ĐOÁN

a) Chẩn đoán xác định:

Chủ yếu là dựa vào hình ảnh lâm sàng với các đặc điểm:

  • Khởi phát bệnh đột ngột.
  • Thương tổn da đa dạng: hình bia bắn điển hình hoặc không điển hình, kèm theo có dát đỏ, sẩn phù, mụn nước, một số ít có bọng nước.
  • Thương tổn niêm mạc có thể gặp là những vết trợt nông. Vị trí hay gặp là niêm mạc miệng.
  • Tiến triển: khỏi sau vài tuần, không để lại sẹo.
  • Bệnh hay gặp và tái phát vào mùa xuân, thu.

b) Cận lâm sàng

- Sinh thiết da: có giá trị để chẩn đoán phân biệt, biểu hiện sớm nhất trên hình ảnh giải phẫu bệnh là sự chết theo chương trình của các tế bào này, hiện tượng phù nề lớp gai và hiện tượng thoái hóa từng điểm của các tế bào đáy.

- Các xét nghiệm phát hiện căn nguyên do vi sinh vật: Test nhanh chẩn đoán nhiễm Mycoplasma pneumonie, PCR tìm Mycoplasma pneumonie hoặc PCR tìm HSV, ….

- Các xét nghiệm phát hiện căn nguyên do thuốc: test áp, test lẩy da, phản ứng chuyển dạng lympho bào.

 

III. ĐIỀU TRỊ

a) Điều trị triệu chứng

- Bôi corticoid tại tổn thương:

  • Hidrocortison: bôi ngày 2 lần sáng-tối (được phép bôi ở vùng da mỏng, da mặt).
  • Desonid: bôi ngày 2 lần sáng-tối (được phép bôi ở vùng da mỏng, da mặt).
  • Betamethason: bôi ngày 2 lần sáng-tối (chỉ được bôi ở tay chân và thân mình, tay, chân).

- Kết hợp với uống kháng histamin như:

  • Chlorpheniramin: 4mg× 1-2 viên/ngày.
  • Loratadin:
    • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 1 viên (10mg)/ngày.
    • Trẻ em dưới 12 tuổi:
      • Cân nặng > 30kg: 2 thìa cafe siro (10mg)/ngày.
      • Cân nặng < 30kg: 1 thìa cafe siro (5mg)/ngày.

- Chăm sóc vết trợt ở niêm mạc miệng bằng bôi corticoid tại chỗ mỗi ngày 2-3 lần kết hợp với súc miệng bằng dung dịch có chứa lidocain và diphenhyderamin.

- Nếu bệnh nhân có tổn thương niêm mạc mắt, dùng thuốc nhỏ mắt hàng ngày, trường hợp nặng cần chuyển khám chuyên khoa mắt.

b) Điều trị theo nguyên nhân

Ở bệnh nhân hồng ban đa dạng do thuốc:

  • Dừng ngay việc dùng thuốc.
  • Corticoid đường toàn thân: prednisolon 1-2mg/kg/ngày.
  • Kháng histamin: chlorpheniramin, certirizin, loratadin, …

Ở bệnh nhân hồng ban đa dạng do HSV:

  • Nếu số lần tái phát dưới 6 lần/năm: điều trị triệu chứng.
  • Nếu số lần tái phát trên 6 lần/năm: điều trị triệu chứng kết hợp với thuốc kháng virút: acyclovir 400mg × 2 lần/ngày × 6 tháng.
  • Nếu nghi ngờ do Mycoplasma pneumonia (bệnh nhân có viêm phổi trước đó hoặc xét nghiệm huyết thanh dương tính), điều trị bằng kháng sinh: Rovamycin 1,5 triệu đơn vị, 3 lần/ngày trong 14 ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top