✴️ Bệnh đau đầu có nguy hiểm không? Xử trí thế nào?

Nội dung

1. Nhận diện cơn đau đầu

Đau đầu nói chung gồm rất nhiều kiểu, khác nhau ở vị trí và mức độ cơn đau có: đau ở phần đỉnh đầu, đau ở một bên đầu (có thể bên trái hoặc bên phải), đau ở cả hai bên đầu, đau phía sau đầu, đau phần trước trán và đỉnh đầu,…

Cơn đau đầu có thể dữ dội, đột ngột hay đau âm ỉ, kéo dài, đau nhói hoặc đau giật từng cơn theo nhịp mạch đập,…

Đau đầu có thể kèm theo một số triệu chứng đi kèm khác như: hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa (đau bụng, đi ngoài), giảm thị lực, sợ âm thanh, nhạy cảm với ánh sáng,…

Cơn đau đầu có thể xảy ra vào bất kỳ bất kỳ thời điểm nào trong ngày (có thể sáng, trưa, chiều hoặc tối) với tần suất diễn ra một lần hoặc nhiều lần, lặp đi lặp lại theo chu kỳ hoặc không theo chu kỳ.

Một số trường hợp đau đầu có thể có dấu hiệu báo trước như: cảm giác buồn nôn, ù tai, hơi chóng mặt, nặng đầu trước đó. Nhưng cũng có cơn đau đầu đến bất ngờ và không có dấu hiệu cảnh báo trước.

Khi đi thăm khám, người bệnh nên kể chi tiết cho bác sĩ nghe về: vị trí, mức độ và tần suất cơn đau đầu, cũng như một số dấu hiệu đi kèm với cơn đau đầu nếu có.

Cơn đau có thể đến đột ngột và dữ dội hoặc âm ỉ, kéo dài, gây phiền toái, ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của người bệnh.

 

2. Bị đau đầu có nguy hiểm không?

Nhiều người khi bị đau đầu thường lo lắng, không biết đau đầu có nguy hiểm không? Không biết mình đang mắc phải bệnh gì? Tuy nhiên, cũng có nhiều người chủ quan trước biểu hiện đau đầu, họ cứ nghĩ rằng mình không sao. Việc lo lắng quá mức hay chủ quan trước biểu hiện cơn đau đầu đều không tốt.

Đau đầu là tình trạng thường gặp ở nhiều người, có những cơn đau đầu được đánh giá là nguy hiểm, nhưng cũng có cơn đau đầu không quá nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Chính vì vậy, để trả lời cho câu hỏi đau đầu có nguy hiểm không? Chúng ta cần phải tìm nguyên nhân gây cơn đau đầu. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau đầu sẽ có các mức độ nguy hiểm khác nhau và biến chứng xảy ra nếu có.

2.1 Nguyên nhân gây đau đầu

Về cơ bản nguyên nhân gây đau đầu có thể do bệnh lý, do tâm lý (stress, căng thẳng, lo âu), môi trường sống bên ngoài tác động (môi trường ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng không phù hợp, trường sống không sạch sẽ,…), do thói quen sinh hoạt, ăn, uống không lành mạnh (sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá; ăn nhiều đồ ăn chiên rán, đồ ăn nhanh, đồ ăn chứa các chất dễ gây đau đầu; thức quá khuya; sử dụng điện thoại hoặc xem tivi lâu, lười vận động,…)

Các nguyên nhân gây đau đầu do tâm lý, môi trường sống bên ngoài, thói quen sinh hoạt, ăn, uống không lành mạnh, nếu bạn không kịp thời điều chỉnh về lâu dài có thể gây ra nhiều bệnh lý. Nếu được cải thiện kịp thời và hiệu quả sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bạn.

Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, chúng tôi xin đề cập chi tiết đến nguyên nhân bệnh lý – đây là một nguyên nhân chủ yếu gây ra cơn đau đầu.

2.2 Đau đầu do bệnh lý trong não – Bệnh đau đầu có nguy hiểm không?

Một số bệnh lý bên trong não bộ có thể gây ra triệu chứng đau đầu như: viêm màng não, u não, tai biến mạch máu não, dị dạng mạch máu não, nhồi máu não, u máu thể hang, rối loạn tiền đình, thiếu máu não, đau đầu vận mạch Migraine (bệnh đau nửa đầu), viêm dây thần kinh sọ não,…

Trong trường hợp này đau đầu khá nguy hiểm, có thể biến chứng nặng nề, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Nên người bệnh cần được thăm khám và xử trí kịp thời.

Dị dạng mạch máu não (túi phình mạch não) là một nguyên nhân gây cơn đau đầu, người bệnh khi phát hiện ra cần được theo dõi và xử trí kịp thời.

2.3 Đau đầu do bệnh lý ngoài não – Bệnh đau đầu có nguy hiểm không?

Một số bệnh lý bên ngoài não bộ, có thể gây triệu chứng đau đầu như: viêm mũi – xoang, viêm amidan, cúm, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nội tiết ở nữ giới, viêm dây thần kinh ngoại biên, cao huyết áp, bệnh lý cơ xương khớp, bệnh tim mạch, bệnh đường tiêu hóa,….

Một số bệnh lý ngoài não không chỉ gây đau đầu mà có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Bạn tuyệt đối không nên chủ quan.

Bệnh huyết áp cao cũng hay làm xuất hiện các cơn đau đầu.

 

3. Xử trí đau đầu hiệu quả bằng cách nào?

Nhiều người cho rằng, đau đầu chỉ cần ra hiệu thuốc mua thuốc giảm đau về uống là đỡ. Tuy nhiên, thuốc giảm đau chỉ là giải pháp tạm thời để cắt cơn đau, chứ không thể điều trị triệt để nguyên nhân và cơn đau đầu vẫn có thể tái phát bất cứ lúc nào. Thậm chí có những loại đau đầu mà sử dụng thuốc giảm đau không đỡ như một số loại đau đầu do nguyên nhân trong não, nếu kéo dài thời gian sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.

Bạn nên đi thăm khám khi có triệu chứng đau đầu, bác sĩ chuyên môn sẽ kiểm tra, chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây đau đầu bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn nhất cho bạn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top