Alzheimer là một dạng của bệnh lý sa sút trí tuệ với biểu hiện suy giảm trí nhớ dần dần, cuối cùng dẫn tới mất trí nhớ vĩnh viễn, đồng thời giảm khả năng suy nghĩ và hành vi. Vì vậy nhiều người thường gọi bệnh Alzheimer là bệnh mất trí nhớ Alzheimer. Không giống như hội chứng suy giảm trí nhớ thông thường ở người cao tuổi, bệnh Alzheimer gây ra nhiều nguy hiểm, cũng như trở ngại cho người bệnh trong cuộc sống hàng ngày. Cùng tìm hiểu bệnh Alzheimer nguy hiểm cỡ nào trong bài viết sau đây.
1. Bệnh mất trí nhớ Alzheimer nguy hiểm từ quá trình lão hóa
1.1 Ảnh hưởng của quá trình lão hóa đến bệnh Alzheimer
Dần dần theo thời gian, quá trình lão hóa sẽ diễn ra tại hầu hết các cơ quan trong cơ thể và hệ thần kinh cũng vậy. Sự lão hóa các tế bào thần kinh, kéo theo nhiều vấn đề bệnh lý, trong đó có bệnh Alzheimer. Alzheimer chiếm khoảng 55% các trường hợp sa sút trí tuệ.
Alzheimer được hình thành do các mảng bám và đám rối “tau” nằm len lỏi giữa các tế bào thần kinh, cản trở việc dẫn chuyển tín hiệu giữa các tế bào, lâu dần khiến các mô não bất hoạt và co lại, dẫn tới mất trí nhớ. Người bệnh nặng không thể giao tiếp, nhận thức và hành động phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc. Cuối cùng là dẫn tới tử vong.
1.2 Nguyên nhân gây bệnh mất trí nhớ Alzheimer
Hiện nay, các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer là gì. Nhưng dựa trên các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học nhận định nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer tăng lên theo tuổi tác (thường bắt đầu từ 65 tuổi trở lên). Một số rất hiếm bệnh Alzheimer xuất hiện ở giới trẻ 30 – 60 tuổi. Phần lớn các trường hợp bệnh Alzheimer khởi phát sớm là có liên quan đến yếu tố di truyền. Chính vì vậy, gen di truyền được nhận định là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh Alzheimer. Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác liên quan đến môi trường, tình trạng bệnh lý có thể có khả năng thúc đẩy bệnh phát triển như:
– Người mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường)
– Trầm cảm hoặc lo âu, căng thẳng, muộn phiền trong thời gian dài
– Người hút thuốc lá
– Cholestetol trong cơ thể cao
– Ít giao tiếp với xã hội,…
Hiện nay, chưa có một loại thuốc hay phương pháp nào có thể điều trị khỏi Alzheimer. Những người mắc bệnh Alzheimer thường không tử vong ngay, tuổi thọ trung bình của người bệnh là khoảng 8-10 năm. Người bệnh thường tử vong do các bệnh lý có liên quan như viêm phổi, nhiễm trùng,… ít khi tử vong trực tiếp do Alzheimer.
2. Bệnh Alzheimer biểu hiện như thế nào?
Biểu hiện của bệnh mất trí nhớ Alzheimer là sự suy giảm trí nhớ, quên các sự việc diễn ra gần đây. Các sự việc diễn ra đã lâu trong quá khứ, ban đầu người bệnh vẫn nhớ được, sau dần cũng bị mất đi và sự mất trí nhớ này là vĩnh viễn.
Các triệu chứng của bệnh Alzheimer thường khác nhau theo từng giai đoạn từ nhẹ đến nặng, nhưng chủ yếu những người mắc bệnh này sẽ có các biểu hiện sau đây:
– Suy giảm trí nhớ theo thời gian
– Suy giảm khả năng nhận thức
– Khó khăn khi diễn đạt bằng ngôn ngữ
– Tâm trạng, tính cách, hành vi thay đổi
– Không phân biệt được thời gian và địa điểm
– Không nhớ các vị trí đồ vật đã để
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh Alzheimer bằng cách nào?
3.1 Chẩn đoán bệnh Alzheimer
Hiện nay chưa có phương pháp chẩn đoán nào dùng để xác định chính xác người bệnh có bị bệnh Alzheimer hay không. Điều này căn cứ vào tình trạng bệnh, quá trình thăm khám với bác sĩ, sau khi loại trừ các bệnh lý có biểu hiện tương tự có liên quan từ đó mới có thể đưa ra kết luận.
Nhiều người thắc mắc rằng liệu chụp cắt lớp vi tính não CT não hay chụp cộng hưởng từ MRI não có giúp xác định ai đó mắc bệnh Alzheimer hay không? Câu trả lời không.
Theo một số nguồn thông tin, người bệnh Alzheimer chỉ được chẩn đoán khi các triệu chứng đã kéo dài hơn 6 tháng và bất kỳ các nguyên nhân nào khác được coi là khó có thể xảy ra.
Vì vậy, việc thăm khám ban đầu với bác sĩ chuyên khoa thần kinh và thực hiện các biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng như chụp chiếu, xét nghiệm là rất cần thiết để đánh giá tổng quát, loại trừ các bệnh lý có biểu hiện tương tự, phát hiện sớm, chẩn đoán đúng và từ đó có hướng điều trị hiệu quả.
3.2 Điều trị bệnh mất trí nhớ Alzheimer
Hiện nay, việc điều trị bệnh Alzheimer không nhằm mục tiêu khỏi bệnh vì chưa có cách nào để điều trị khỏi bệnh Alzheimer. Mục tiêu chính của việc này là làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và giảm nhẹ các triệu chứng. Điều này sẽ giúp người bệnh sống chung với các triệu chứng bệnh một cách nhẹ nhàng hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Phương pháp chủ yếu là sử dụng thuốc duy trì chức năng tâm thần và thuốc kiểm soát hành vi. Các loại thuốc này chỉ mang tính tham khảo và cần được kê đơn bởi các bác sĩ chuyên khoa. Muốn biết loại thuốc nào phù hợp với tình trạng bệnh của mình cũng như cách sử dụng, bạn nên đến chuyên khoa thần kinh của các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Đặc biệt, sự động viên của người thân là điều rất có ý nghĩa và cần thiết, giúp người bệnh Alzheimer lạc quan hơn, vui vẻ hơn để có niềm tin vào hành chính chiến thắng bệnh tật. Càng ở giai đoạn nặng, người bệnh Alzheimer càng cần đến sự trợ giúp, chăm sóc từ người khác. Hãy chuẩn bị sức khỏe, tâm lý và trang bị thêm các kiến thức để chăm sóc người bệnh cho tốt hoặc bạn cũng có thể tìm đến đến sự trợ giúp chuyên nghiệp từ các bác sĩ, y tá tại các cơ sở y tế có chăm sóc cho người bệnh Alzheimer.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh