✴️ Bệnh Parkinson run tay chân có chữa được không?

Run tay chân, cứng cơ (tăng trương lực cơ), giảm vận động là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh Parkinson. Tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong, nhưng bệnh Parkinson làm suy giảm chức năng vận động của người bệnh, ảnh hưởng tới khả năng sinh hoạt, đi đứng, lâu dần có thể dẫn tới tàn phế suốt đời. Cùng tìm hiểu bệnh Parkinson run tay chân có chữa được không qua bài viết dưới đây.

 

1. Các biểu hiện của bệnh Parkinson

Run tay, chân; cứng cơ (tăng trương lực cơ); giảm khả năng vận động… là những dấu hiệu điển hình của người bệnh Parkinson, có thể khiến cuộc sống của người bệnh bị đảo lộn và gặp nhiều khó khăn. Cụ thể:

1.1 Run (tay, chân)

Đây là triệu chứng điển hình nhất ở người mắc bệnh lý Parkinson. Bệnh nhân có thể run tay, run chân hoặc run cả ở tay lẫn chân. Run đặc trưng của người bệnh Parkinson là run khi nghỉ ngơi. Tức là khi người bệnh ngồi nghỉ, biểu hiện run nhận thấy rõ rệt nhưng khi người bệnh cầm nắm một vật gì đó hay vận động thì triệu chứng run lại giảm đi. Hầu hết người bệnh Parkinson đều có biểu hiện run, tuy nhiên khoảng 15% số bệnh nhân Parkinson không có biểu hiện run trong suốt quá trình điều trị bệnh của mình.

1.2 Cứng đờ các cơ bắp (tăng trương lực cơ)

Người bệnh Parkinson thường gặp khó khăn trong việc cử động các khớp như khó khăn khi quay cổ, xoay người, trở mình khi nằm trên giường và cử động khéo léo của các ngón tay bị hạn chế. Nét mặt và, các cử chỉ trên mặt ít biểu lộ cảm xúc, đờ đẫn và dáng đi hơi còng xuống.

Run tay chân, cứng đờ các cơ bắp ở tay chân,… là những biểu hiện của bệnh Parkinson.

1.3 Giảm vận động

Người bệnh Parkinson thường hạn chế vận động, cử động chậm, các thao tác chậm chạp khó linh hoạt như: cài, mở khuy áo, xỏ giầy dép, cắt gọt trái cây thường chậm chạp. Chữ viết của người bệnh Parkinson cũng nhỏ dần và viết chậm hơn.

Ngoài 3 dấu hiệu điển hình của người bệnh Parkinson run tay chân, cứng cơ, giảm vận động thì tùy thuộc vào mỗi cá thể (người bệnh) có thể có thêm một vài triệu chứng khác như:

– Rối loạn thằng bằng (dễ bị té ngã)

– Giọng nói nhỏ và khó nghe

– Rối loạn giấc ngủ

– Trầm cảm

– Ít biểu lộ cảm xúc

– Khó nuốt

– Rối loạn trí nhớ

 

2. Bệnh Parkinson run tay chân có chữa được không?

2.1 Nguyên nhân gây bệnh Parkinson

Theo các chuyên gia nội thần kinh, ở người bình thường, luôn có một hàm lượng nhất định dopamine ở trong não. Dopamine là chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ tế bào này sang tế bào khác ở trong não. Dopamine có tác dụng giúp cho các tế bào não chỉ huy và kiểm soát được các cử động của bắp thịt ở chân, tay, mặt.

Bệnh Parkinson xảy ra khi hàm lượng dopamine trong não bị thiếu hụt do các tế bào não sản sinh ra dopamine bị suy thoái và chế dần. Hiện tượng này xảy ra ở một phần rất nhỏ của não được gọi là chất đen. Khi lượng dopamine trong cơ thể không sản xuất đủ, não sẽ không thể chỉ huy các vận động cơ bắp được như bình thường và gây ra triệu chứng run tay chân, cứng cơ, giảm vận động là các dấu hiệu của bệnh lý Parkinson.

2.2 Bệnh Parkinson có chữa được không?

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân tại sao các tế bào não sản sinh dopamine lại bị thoái hóa và chết đi. Một số công trình nghiên cứu gợi ý rằng các yếu tố như: tuổi tác (lão hóa tế bào thần kinh do tuổi già), di tuyền, yếu tố môi trường, thậm chí do virus,… có thể là những yếu tố tác động gây khởi phát bệnh lý Parkinson. Một số khác không rõ nguyên nhân. Đây chỉ là các yếu tố có nguy cơ, chứ chưa thể khẳng định chúng là nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson.

Do chưa chỉ ra được đích danh nguyên nhân gây bệnh Parkinson nên hiện nay y học hiện đại cũng chưa có cách nào để phòng ngừa và chữa khỏi hẳn được bệnh lý này.

Bệnh Parkinson xảy ra khi hàm lượng dopamine trong não (tập trung nhiều ở não giữa) bị thiếu hụt do các tế bào não sản sinh ra dopamine bị suy thoái và chết dần.

 

3. Điều trị bệnh Parkinson

3.1 Mục tiêu điều trị của bệnh Parkinson run tay chân

Tuy chưa thể chữa khỏi nhưng có nhiều quá trình điều trị từ sớm có thể giúp các bệnh nhân Parkinson “sống chung” với căn bệnh này và cải thiện tối đa chất lượng cuộc sống. Mục tiêu của việc điều trị bệnh Parkinson bao gồm:

– Giảm mức độ và tần suất xuất hiện các triệu chứng ở người bệnh

– Cải thiện khả năng vận động, phòng ngừa các biến chứng hoặc tai nạn do bệnh này gây ra

– Giúp người bệnh lạc quan, vui vẻ hơn

Quá trình điều trị căn bệnh này đòi hỏi sự kết hợp rất nhiều phương pháp khác nhau, sự chủ động của bệnh nhân và sự hỗ trợ của các bác sĩ, nhân viên y tế, người thân mới có thể đem lại kết quả.

3.2 Các phương pháp điều trị bệnh Parkinson run tay chân

Hiện nay điều trị cho bệnh nhân Parkinson, theo các chuyên gia về thần kinh học khuyên nên phối hợp điều trị nội khoa (dùng thuốc) với các biện pháp khác như: vật lý trị liệu, tập thể dục, chế độ ăn uống hợp lý, tinh thần lạc quan vui vẻ của người bệnh là điều rất quan trọng. Ngoài ra, các biện pháp kích thích tế bào não từ sâu bên trong đã mở ra một hy vọng mới cho người bệnh Parkinson. Tuy nhiên, các phương pháp này thường chỉ áp dụng cho những bệnh nhân chưa đạt kỳ vọng điều trị như mong muốn và không còn đáp ứng điều trị với thuốc.

Lưu ý, bất cứ phương pháp điều trị nào cũng cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa dựa trên kết quả thăm khám và những kết luận y khoa. Do vậy, bạn nên chủ động đi khám nội thần kinh để được chẩn đoán chính xác và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe thực tế.

Bệnh Parkinson tuy chưa thể chữa khỏi hẳn nhưng việc điều trị giúp người bệnh giảm nhẹ các triệu chứng.

Tóm lại, tuy không thể chữa khỏi hẳn, nhưng người bệnh Parkinson cần được điều trị, tập luyện và nỗ lực chăm sóc từ phía gia đình để nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ hơn. Hy vọng với những thông tin nêu trên đã giúp giải đáp thắc mắc, bệnh Parkinson run tay chân có chữa được không và có thêm kiến thức về căn bệnh này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top