Biểu hiện của chứng ngủ rũ là gì?

Chứng ngủ rũ là gì?

Chứng ngủ rũ là một chứng rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến khả năng thức và ngủ của người mắc phải. Những người gặp phải chứng ngủ rũ có cảm giác buồn ngủ ban ngày quá mức, không thể kiểm soát được. Họ cũng có thể đột nhiên buồn ngủ bất cứ lúc nào, trong bất kỳ loại hoạt động nào đang diễn ra.

Trong một chu kỳ ngủ điển hình, chúng ta bước vào giai đoạn đầu của giấc ngủ, sau đó là giai đoạn ngủ sâu hơn, và cuối cùng (sau khoảng 90 phút) là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Những người mắc chứng ngủ rũ đi vào giấc ngủ REM gần như ngay lập tức trong chu kỳ ngủ và đôi khi kể cả trong khi họ đang thức.

Chứng ngủ rũ được chia làm 2 loại:

  • Loại 1 - đi kèm với tình trạng mất trương lực cơ đột ngột, gây ra yếu và khiến bạn không thể kiểm soát cơ của bản thân (cataplexy).
  • Loại 2 - là chứng ngủ rũ không có cataplexy.

 

Các triệu chứng chứng ngủ rũ

Trong giấc ngủ REM, chúng ta có thể mơ và bị tê liệt cơ, điều này giải thích một số triệu chứng của chứng ngủ rũ. Những triệu chứng đó có thể bao gồm:

  • Buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Nói chung, tình trạng này gây khó khăn trong thực hiện các hoạt động hàng ngày, ngay cả khi đã ngủ đủ giấc vào ban đêm. Việc thiếu năng lượng có thể khiến khó tập trung, suy giảm trí nhớ và cảm thấy chán nản hoặc kiệt sức.
  • Cataplexy. Điều này có thể gây ra các vấn đề từ nói lắp cho đến suy sụp toàn bộ cơ thể, tùy thuộc vào các cơ liên quan. Tình trạng này cũng thường được kích hoạt bởi những cảm xúc mãnh liệt như ngạc nhiên, cười hoặc tức giận.
  • Ảo giác. Những ảo giác có thể xảy ra bất cứ lúc nào và thường rất sống động và đáng sợ. Chúng chủ yếu là ảo thị, nhưng bất kỳ giác quan nào khác cũng đều có thể gặp phải. Nếu ảo giác xảy ra khi đang ngủ, chúng được gọi là ảo giác hypnagogic. Nếu ảo giác xảy ra khi thức dậy, chúng được gọi là ảo giác hypnopompic.
  • Tê liệt khi ngủ - bóng đè. Cơ thể không thể cử động hoặc nói khi đang ngủ hoặc thức dậy. Các đợt tê liệt thường kéo dài vài giây đến vài phút.
  • Giấc ngủ bị gián đoạn. Khó ngủ có thể xảy ra vào ban đêm vì những xuất hiện những giấc mơ rất thật, sống động; gặp phải các vấn đề về hô hấp hoặc chuyển động của cơ thể.

Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa biết điều gì gây ra chứng ngủ rũ. Một số giả thuyết cho rằng tình trạng này có liên quan đến nhiều yếu tố cùng kết hợp với nhau để gây ra các vấn đề trong não và làm rối loạn giai đoạn giấc ngủ REM.

 

Điều trị chứng ngủ rũ như thế nào?

Mặc dù hiện nay chứng ngủ rũ vẫn chưa có cách chữa trị, nhưng các triệu chứng của rối loạn này có thể được kiểm soát ở hầu hết những trường hợp nếu được điều trị bằng thuốc. Trong đó buồn ngủ được điều trị bằng các chất kích thích giống như amphetamine, còn các triệu chứng của giấc ngủ REM bất thường được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm.

Gần đây đã có một loại thuốc mới được phê duyệt cho những người mắc chứng ngủ rũ có cataplexy. Thuốc này được gọi là sodium oxybate (thuốc Xyrem), giúp những người mắc chứng ngủ rũ có giấc ngủ ngon hơn, làm cho họ ít buồn ngủ hơn vào ban ngày. Ngoài ra, thuốc mới solriamfetol (Sunosi) đã được phê duyệt để giúp những người mắc chứng ngủ rũ tỉnh táo trong thời gian dài hơn. 

Một trong những yếu tố rất cần thiết khác chính là điều chỉnh lối sống như tránh dùng caffeine, rượu, nicotine và các bữa ăn nặng, điều chỉnh lịch trình giấc ngủ, lên lịch ngủ trưa (dài 10 - 15 phút), thiết lập lịch tập thể dục cũng như những bữa ăn khoa học để giúp giảm triệu chứng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top