Thiếu máu lên não là bệnh lý khá phổ biến và đang có nguy cơ trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh do làm việc trong môi trường căng thẳng, nhiều áp lực. Vậy làm thế nào để cải thiện thiếu máu lên não hiệu quả?
Thiếu máu não có rất nhiều biểu hiện lâm sàng phức tạp nên người bệnh thường bị nhầm lẫn với các chứng bệnh khác như: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, tê hoặc nhức mỏi tay chân… Ngoài ra, những biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật như tim đập nhanh, rối loạn huyết động, cơn bốc hỏa, chậm chạp, mệt mỏi, sức khỏe giảm sút… cũng là những dấu hiệu đáng ngờ của chứng thiếu máu não.
Điều đáng nói là các triệu chứng này thường đến rất âm thầm và do áp lực, vấn đề tuổi tác nên nhiều người thường có tâm lý chủ quan, xem nhẹ.
Tình trạng thiếu máu não nếu không được điều trị kịp sớm, tích cực, bệnh sẽ tiến triển không ngừng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như xơ hóa não, động kinh, Parkinson… và nếu kéo dài có thể dẫn đến tai biến mạch máu não (đột quỵ) với tỷ lệ tử vong từ 20-30 %, số còn lại có thể bị liệt, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động và nhận thức, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng. Một chế độ ăn uống phù hợp có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu lên não rất hiệu quả. Và ngược lại, một chế độ ăn uống bất hợp lý sẽ khiến tình trạng diễn tiến bệnh thiếu máu lên não ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy người bệnh thiếu máu lên não cần lưu ý một số vấn đề như:
Nên bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể để hỗ trợ chữa trị bệnh thiếu máu não.
Tăng cường những thực phẩm tốt cho người bệnh thiếu máu não như: các loại hạt, các loại đậu, gan, rau xanh, hoa quả…
Nên hạn chế sử dụng cà phê, thuốc lá, rượu bia… nếu không muốn tình trạng bệnh thêm nặng hơn.
Ngoài ra, để máu lưu thông tốt, cải thiện tốt tình trạng thiếu máu lên não, người bệnh cần thường xuyên vận động, rèn luyện thân thể bằng các bài tập thể dục đơn giản hay các trò chơi thể thao sẽ rất có ích trong việc ngăn cản sự phát triển và điều trị của bệnh thiếu máu lên não. Khi cơ thể vận động sẽ giúp tăng cường lượng máu lưu thông đến các cơ quan, trong đó có hệ thần kinh não bộ.
Người bị thiếu máu não cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không nên tắm nước lạnh khi mới đi ngoài trời nắng về, khi ngủ cần tránh vị trí gió lùa. Mùa lạnh mỗi khi thức dậy cần nằm tĩnh dưỡng một lúc mới ngồi dậy, tránh bị lạnh đột ngột.
Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá sức hoặc đứng quá lâu dễ bị chóng mặt dẫn tới choáng ngất, không nên nóng giận đột ngột vì dễ làm mạch máu hẹp lại, dẫn đến nguy cơ đột quỵ xảy ra.
Quan trọng hơn cả là người bệnh thiếu máu lên não cần đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và phòng ngừa nguy cơ bệnh tiến triển gây biến chứng nguy hại ảnh hưởng sức khỏe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh