Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ

Bạn cũng có thể sẽ phát hiện ra các dấu hiệu sớm, bất thường ở trẻ, ví dụ như các dấu hiệu tự kỷ. Các dấu hiệu sớm của tự kỷ không phải là các hành vi bất thường mà là sự không phát triển của một hoặc một vài kỹ năng nào đó mà thường thì trẻ ở cùng lứa tuổi đó đã phát triển kỹ năng này rồi.

CDC báo cáo rằng đa số trẻ em bị tự kỷ sẽ biểu hiện một số dấu hiệu ngay từ năm đầu đời và có tói 80-90% sự khác biệt về mặt phát triển sẽ xảy ra khi trẻ 2 tuổi.

Sự quan sát của bạn là rất quan trọng vì nhận ra sớm các vấn đề này sẽ giúp trẻ được chẩn đoán và điều trị sớm hơn.

Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ em

Tự kỉ không làm thay đổi vẻ ngoài của trẻ mà ảnh hưởng đến cách trẻ giao tiếp với thế giới bên ngoài. Tự kỷ được gọi là hội chứng vì các dấu hiệu, triệu chứng rất đa dạng. Nếu bạn nhận thấy bất cứ sự khác biệt nào về mặt phát triển dưới đây, bạn nên trao đổi với bác sĩ.

 

Từ chối giao tiếp bằng mắt

Trẻ nhỏ, kể cả trẻ sơ sinh thường sẽ giao tiếp bằng mắt với những người xung quanh. Khi trẻ 2 tháng, trẻ có thể xoay mặt và hướng mắt về phía mọi người một cách chính xác. Sau này, khi trẻ lớn lên, giao tiếp bằng mắt sẽ là một cách để xây dựng các mối quan hệ xã hội hoặc thu thập thông tin về thế giới xung quanh.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ nhỏ bị hội chứng tự kỷ thường sẽ ít giao tiếp bằng mắt hơn khi trẻ 2 tháng. Từ chối giao tiếp bằng mắt có thể là dấu hiệu sớm cho thấy có thể trẻ bị tự kỷ

 

Rất ít khi chỉ trỏ hoặc thực hiện các động tác

Trẻ nhỏ thường sẽ học cách thể hiện các động tác trước khi trẻ học nói. Trên thực tế, thể hiện động tác một trong những phương pháp giao tiếp sớm nhất. Trẻ tự kỷ thường sẽ ít khi chỉ trỏ và thể hiện động tác hơn so với những trẻ bình thường. Ít chỉ trỏ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ.

Một dấu hiệu khác cho thấy sự khác biệt về phát triển là hướng nhìn của trẻ không hướng theo khi bạn chỉ vào một thứ gì đó. Kỹ năng này được gọi là kỹ năng chú ý hai chiều (joint attention). Ở trẻ tự kỷ, kỹ năng này thường bị suy giảm.

 

Không hoặc rất ít đáp ứng khi được gọi tên

Khi trẻ được 6 tháng, đa số trẻ sẽ thể hiện sự chú ý khi được gọi tên, đặc biệt nếu người gọi tên là mẹ của bé. Tuy nhiên, những trẻ bị tự kỷ sẽ phát triển theo một cách khác. Khi trẻ được 9 tháng, rất nhiều trẻ (sau này được chẩn đoán mắc tự kỷ) không định hướng được khi được người khác gọi tên.

 

Giảm biểu hiện cảm xúc trên gương mặt

Biểu hiện cảm xúc trên gương mặt là một cách giao tiếp không lời. Các nghiên cứu về cảm xúc ở trẻ tự kỷ còn khá hạn chế, nhưng trong một số nghiên cứu trên trẻ ở độ tuổi đi học, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ tự kỷ thường ít khi thể hiện cảm xúc trên gương mặt hơn những trẻ không bị tự kỷ. Điều đó không có nghĩa là trẻ tự kỷ không có cảm xúc hay vô cảm, mà chỉ đơn giản là trẻ ít khi cho người ngoài thấy được cảm xúc của mình.

 

Chậm phát triển ngôn ngữ

Trẻ nhỏ thường sẽ bắt đầu nói và tập nói ở những thười điểm khác nhau. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ tự kỷ thường sẽ nói và hiểu ít từ ngữ hơn so với trẻ bình thường khi được 12 tháng. Nếu trẻ không nói được từ đơn khi được 16 tháng hoặc không nói được 2 từ khi được 2 tuổi, thì bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

 

Mất đi các kỹ năng

Khi trẻ sơ sinh hoặc trẻ tập đi mất đi các kỹ năng mà trước đây trẻ đã phát triển, thì đó có thể là dấu hiệu của tự kỷ. Dấu hiệu này có thể là một trải nghiệm khó khăn của cha mẹ cũng như người chăm sóc trẻ nếu được chứng kiến.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao trẻ lại mất đi các kỹ năng này. Không có mối liên quan với các trải nghiệm của trẻ, tình trạng bệnh tật hay dùng thuốc của trẻ.

Có khoảng một phần ba số trẻ tự kỷ bị mất đi các kỹ năng sau giai đoạn sơ sinh và trước tuổi mẫu giáo. Khoảng 94% số trường hợp bị mất đi kỹ năng ngôn ngữ. Nếu trẻ đã bắt đầu bập bẹ nói, có giao tiếp bằng mắt, có thể hiện động tác và các giao tiếp xã hội nhưng lại bất ngờ mất đi các kỹ năng đó khi trẻ được 2-4 tuổi thì bạn cần trao đổi vấn đề này với bác sĩ.

 

Không phải lỗi của ai cả

Cha mẹ của trẻ tự kỷ thường sẽ tự nhận lỗi về mình khi thấy con mình bị như vậy. Họ sẽ tự đặt câu hỏi về các quyết định mà họ đã đưa ra, về cách chăm sóc con có gì sai sót và về rất nhiều vấn đề khác. Hiện tượng này là rất phổ biến nhưng bạn nên nhớ rằng, tự kỷ không phải là lỗi của bất cứ ai cả.

Bạn nên:

  • Kết nối với những người cha mẹ khác thông qua các hội nhóm
  • Tham gia một số lớp tập huấn về trẻ tự kỷ để giúp bạn giảm bớt căng thẳng
  • Học các cách tự kiểm soát căng thẳng của bản thân
  • Nhờ sự tư vấn của chuyên gia tâm lý

 

Dấu hiệu và triệu chứng của trẻ lớn

Một số dấu hiệu và triệu chứng tự kỷ sẽ phát triển khi trẻ biết đi hoặc đi mẫu giáo, bao gồm:

  • Có các hành vi lặp đi lặp lại, ví dụ như vỗ tay hoặc xoay tròn
  • Đặc biệt thích thú với một vài đồ vật đặc biệt
  • Thích xếp rất nhiều đồ chơi
  • Gặp khó khăn trong việc cảm nhận hoặc hiểu cảm xúc của người khác
  • Gặp các vấn đề về tiêu hoá: táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, đau bụng
  • Tuân thủ rất chặt chẽ các thói quen về lịch trình, kế hoạch
  • Khó biểu hiện cảm xúc một cách thoải mái
  • Thường xuyên nhắc lại các từ, cụm từ
  • Có cảm xúc rất mạnh khi có những sự thay đổi ngoài ý muốn xảy ra.

 

Điều trị

Một số phương pháp sẽ giúp trẻ tự kỷ phát triển thêm các kỹ năng quan trọng trong việc thực hiện các công việc hàng ngày. Vì mỗi trẻ tự kỷ lại rất khác nhau nên cách tiếp cận cần đa dạng sẽ có hiệu quả tốt hơn.

Phụ thuộc vào triệu chứng của trẻ, trẻ có thể sẽ cần một hoặc nhiều phương pháp trị liệu dưới đây:

  • Trị liệu về nhận thức và hành vi
  • Trị liệu về khả năng cùng chú ý
  • Trị liệu về kiểm soát hành vi
  • Tập luyện các kỹ năng xã hội
  • Trị liệu ngôn ngữ
  • Trị liệu nghề nghiệp
  • Trị liệu thể chất
  • Dùng thuốc
  • Can thiệp về mặt giáo dục
  • Trị liệu về mặt dinh dưỡng

 

Triển vọng

Mặc dù chưa có cách chữa khỏi tình trạng tự kỷ, nhưng rất nhiều người trong các cộng đồng tự kỷ tin rằng tự kỷ không cần chữa, tự kỷ chỉ là một cách giao tiếp và tương tác khác với thế giới. Các nghiên cứu từ rất lâu đã chứng minh rằng can thiệp sớm có thể có tác động rất lớn đến sức khoẻ của trẻ tự kỷ. Khi các biện pháp can thiệp được triển khai ngay từ khi còn nhỏ, trẻ tự kỷ sẽ thu được nhiều lợi ích hơn do não bộ và hệ thần kinh sẽ thích nghi tốt hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top