✴️ Đau nửa đầu hốc mắt là dấu hiệu của bệnh lý nào?

Hiện nay, có rất nhiều trường hợp người bệnh than phiền về triệu chứng đau nửa đầu hốc mắt. Vậy triệu chứng này là gì? Đau nửa đầu kèm hốc mắt là dấu hiệu của bệnh lý nào? Có thể điều trị được không?

 

1. Đau nửa đầu hốc mắt là gì?

Đây là triệu chứng thường liên quan đến hệ thống dây thần kinh vùng đầu và mắt. Người bệnh mắc bệnh lý này sẽ bị đau nửa đầu, sau đó lan tỏa và ảnh hưởng đến cơ quanh mắt, khiến mắt mỏi và yếu hơn, nhìn một thành hai (hội chứng song thị).

Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn căn bệnh này với tình trạng đau nửa đầu Migraine thông thường. Mặc dù có những dấu hiệu tương tự nhưng đau nửa đầu và hốc mắt là bệnh lý liên quan đến các dây thần kinh vận nhãn, đặc biệt là dây thần kinh sọ thứ III, giúp cử động mắt và mí mắt. Trong một số trường hợp khác, chứng bệnh này cũng ảnh hưởng đến dây thần kinh sọ thứ IV (khiến mắt di chuyển lên xuống) và dây thần kinh sọ thứ VI (điều khiển mắt nhìn ra bên).

Khác với cơn đau nửa đầu thông thường, bệnh lý này thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn nữ giới.

Đau đầu và hốc mắt là triệu chứng thường liên quan đến hệ thống dây thần kinh vùng đầu và mắt

 

2. Triệu chứng của đau nửa đầu và hốc mắt

Thông thường, các cơn đau nửa đầu kèm theo cảm giác nhức mỏi hốc mắt sẽ kéo dài từ vài tiếng cho đến vài tuần rồi kết thúc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể phải chịu những cơn đau nhức này suốt đời.

Các triệu chứng phổ biến của tình trạng này bao gồm:

– Nôn hoặc buồn nôn

– Cơ xung quanh một hoặc cả hai mắt bị yếu, thậm chí là liệt hẳn

– Hội chứng song thị khiến người bệnh nhìn một thành hai, chồng chéo nhau

– Đau quanh nhãn cầu, nhạy cảm với ánh sáng, mí mắt trên bị rủ xuống (sụp mi)

– Có thể đau nhói ở cùng một bên đầu trước khi cơ mắt yếu đi vài ngày, thậm chí vài tuần

– Hai tròng mắt bị lệch nhau, không đều, bên to, bên nhỏ, không thẳng hàng (mắt bị lác/lé)

 

3. Đau nửa đầu kèm theo đau hốc mắt là dấu hiệu của bệnh lý nào?

3.1. Đau nửa đầu hốc mắt là dấu hiệu của một số bệnh lý về mắt

Một số bệnh lý về mắt như hẹp động mạch cảnh, hẹp động mạch tiểu não,… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lưu thông máu đến các cơ quan như mắt. Từ đó gây ra các triệu chứng như đau hốc mắt, đau nửa đầu.

Ngoài ra, bệnh tăng nhãn áp Glaucoma cũng có thể gây ra chứng đau nửa đầu vùng hốc mắt. Các bệnh lý khác về mắt như viêm củng mạc sâu, u hốc mắt,… cần được chú ý bởi chúng có thể gây viêm nhiễm và lan rộng ra các bộ phận xung quanh.

3.2. Đau nửa đầu hốc mắt là dấu hiệu của bệnh lý thần kinh

Đau nửa đầu Migraine có thể gây ảnh hưởng đến thị giác nhưng vị trí đau sẽ khác so với bệnh lý này. Nguyên nhân gây ra tình trạng đau nửa đầu được xác định là do lớp phủ bao quanh các sợi trục của tế bào thần kinh bị tổn thương, gây sưng viêm. 

Đau nửa đầu kèm theo đau hốc mắt có thể là dấu hiệu của bệnh lý thần kinh

 

Sau một thời gian ngắn (khoảng vài ngày đến vài tuần), lớp phủ này sẽ tự phục hồi. Tình trạng đau cũng sẽ tự giảm bớt và biến mất. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây bệnh không được loại bỏ triệt để thì lớp phủ bao tế bào thần kinh này tiếp tục bị phá vỡ, triệu chứng đau nửa đầu quanh mắt sẽ tái phát, thậm chí là có thể kéo dài và nặng hơn.

3.3. Bệnh lý về mạch máu

Những bệnh lý về mạch máu dễ gây ra triệu chứng đau nửa đầu đi kèm với đau nhức hốc mắt là phình tách động mạch chủ, hẹp động mạch cảnh, hẹp tĩnh mạch cảnh, dị dạng mạch não, thông động mạch cảnh,… Do đó, để chẩn đoán vị trí chính xác cũng như tình trạng bệnh lý, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có những phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại.

Thực tế, hiện nay có rất nhiều người bệnh có nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ các cơn tăng huyết áp cấp tính, gây áp lực và làm sưng viêm, tổn thương mạch máu. Bên cạnh đó, tình trạng mạch máu võng mạc cũng có thể kích hoạt các cơn đau nửa đầu.

3.4. Một số bệnh lý khác

Ngoài ra, triệu chứng này còn là dấu hiệu của một số bệnh lý khác như:

– Bệnh lý xoang: người bệnh sẽ cảm thấy đau khi thay đổi thời tiết, đau chủ yếu ở vùng trán gần mắt. Đau tăng khi khịt hoặc hít mũi, kèm theo sốt và xuất tiết mũi họng.

– Người bệnh bị nhiễm virus cấp như ở bệnh sốt siêu vi, cảm cúm hay sốt xuất huyết,… cũng có cảm giác đau nửa đầu, đau quanh hốc mắt.

– Bệnh lý về tai mũi họng và răng hàm mặt cũng sẽ gây ra những cơn đau nửa đầu đột ngột, dữ dội. Bệnh lý này không những gây đau cho hàm mặt mà còn ở hốc mắt (đau dây thần kinh sọ số V).

– Người bệnh tâm căn suy nhược luôn có cảm giác về đau nửa đầu, mất ngủ, nhức mắt.

 

4. Phương pháp điều trị

4.1. Phương pháp điều trị bằng thuốc

Tùy thuộc vào tình hình bệnh lý của người bệnh mà bác sĩ sẽ đề nghị sử dụng một số loại thuốc như:

– Nhóm thuốc giảm đau dạng tiêm qua tĩnh mạch (IV) như Prednison hoặc Methylprednisolone sẽ có ích cho một số đối tượng bệnh nhân nhất định.

– Các loại thuốc huyết áp như chất đối kháng canxi và thuốc ức chế beta cũng mang lại một số tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, loại thuốc này không được sử dụng nhiều vì chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng có ích trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị chứng đau nửa đầu xung quanh hốc mắt. Tốt nhất khi có triệu chứng này, bạn nên đi khám nội thần kinh để được các chuyên gia chẩn đoán chính xác và kê đơn phù hợp. 

Phương pháp điều trị đau đầu đau hốc mắt bằng thuốc

 

4.2. Phương pháp điều trị không sử dụng thuốc

Ngoài ra, việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh và chủ động phòng ngừa là biện pháp tối ưu. Nói không với các loại thức ăn độc hại, bia rượu và giảm stress là những lưu ý quan trọng mà người bệnh cần ghi nhớ.

Đặc biệt, người bệnh nên bổ sung nhiều loại thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao vào chế độ ăn uống hàng ngày để giúp ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh. Một số thực phẩm có thể kể đến như bơ, khoai lang, dưa hấu, cá hồi, cà rốt, nước chanh, sữa chua,…

Hi vọng những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn có thêm kiến thức về triệu chứng đau nửa đầu hốc mắt. Để điều trị hiệu quả nhất, bạn nên đi khám và thực hiện đúng phác đồ của các chuyên gia nội thần kinh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top