✴️ Điều trị bệnh Parkinson không khỏi hẳn nhưng rất cần thiết

Nội dung

1. Bệnh parkinson và cơ chế gây bệnh

Bệnh Parkinson là một dạng bệnh lý thoái hóa não do suy giảm chất Dopamin (dopamin là chất dẫn truyền thần kinh được các tế bào não tiết ra là chủ yếu, tại một số cơ quan khác cũng có thể tiết ra chất dopamin nhưng với số lượng rất ít như ở tuyến tụy, thận, hệ thống tiêu hóa, hệ thống miễn dịch, trong mạch máu). Hiện nay y học chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh parkinson nguyên phát.

Thực tế trên lâm sàng có rất nhiều người có biểu hiện giống bệnh parkinson nhưng đây là hội chứng parkinson. Với hội chứng parkinson thì nguyên nhân gây ra có thể do: thoái hóa thần kinh; nhiễm khuẩn (viêm não), nhiễm độc; chấn thương; tổn thương mạch máu do đột quỵ, xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp,….

Bệnh parkinson thường khởi phát sau độ tuổi 55, nhưng có thể khởi phát sớm ở một số bệnh nhân (từ 20 tuổi) tuy nhiên tỷ lệ khởi phát sớm là rất thấp. Độ tuổi có thể khởi phát nằm trong khoảng 20 tuổi – 80 tuổi. Tỷ lệ thường gặp ở nam nhiều hơn nữ (3 nam/2 nữ).

Parkinson là một dạng bệnh lý thoái hóa não do sự suy giảm dẫn đến thiếu hụt chất Dopamin trong não.

 

2. Dấu hiệu mắc bệnh parkinson

Parkinson hay còn gọi là “bệnh liệt rung” với 3 biểu hiện đặc trưng nhất đó là:

 

2.1 Run

Đây là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh. Run khi nghỉ ngơi, run nhẹ và không liên tục. Thường run thấy rõ ở đầu ngón tay, đầu ngón chân, môi, lưỡi, ban đầu thường tập trung ở một bên cơ thể. Khi xúc động run tăng lên, có một vài trường hợp không có biểu hiện run.

 

2.2 Co cứng cơ

Chân tay cứng đơ, đi lại khó, sờ nắn thấy các cơ cứng và chắc. Đây là một trong những biểu hiện quan trọng nhất giúp chẩn đoán bệnh parkinson.

 

2.3 Giảm vận động

“Khuôn mặt parkinson” là cái tên mà nhiều người thường sử dụng để miêu tả sự mất động tác tự nhiên của nét mặt, chân tay, nhất là khi cử động. Khuôn mặt người bệnh parkinson thường ít biểu lộ tình cảm, mặt cứng đờ và ít chớp mắt.

Một số biểu hiện khác có thể đi kèm như: trầm cảm lo âu, mất ngủ, rối loạn cảm giác (nóng bức, tăng tiết), đứng ngồi không yên, rối loạn cương dương, hạ huyết áp tư thế, hoang tưởng,… Cần lưu ý, bệnh nhân parkinson vẫn có trí tuệ tốt, có thể gặp sa sút trí tuệ ở giai đoạn nặng không như người bệnh Alzheimer thường suy giảm trí nhớ tiến triển.

Ở giai đoạn đầu, người bệnh parkinson có thể có các triệu chứng không rõ ràng như: mệt mỏi, đau cơ, vụng về ngay cả trong các hoạt động thường ngày (như mặc quần áo, đi giầy, tra chìa khóa), chữ viết nhỏ dần, táo bón, trầm cảm, yếu một tay hoặc chân khi vận động.

Run tay chân, co cứng cơ, giảm vận động là những biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh parkinson.

Tùy thuộc vào từng giai đoạn tiến triển của bệnh mà các biểu hiện sẽ rõ rệt hơn:

– Giai đoạn 1: biểu hiện thường tập trung ở một bên của cơ thể, người bệnh vẫn có thể tự chủ động các hoạt động của mình.

– Giai đoạn 2: biểu hiện sẽ xuất hiện ở hai bên, người bệnh vẫn có thể giữ được thăng bằng.

– Giai đoạn 3: triệu chứng xuất hiện ở cả hai bên, người bệnh bắt đầu gặp vấn đề về thăng bằng nhưng có thể tự chủ được tuy hơi bị hạn chế.

– Giai đoạn 4: các chức năng bắt đầu bị suy giảm rõ, người bệnh vẫn có thể đi đứng được, cần sự trợ giúp một phần.

– Giai đoạn 5: người bệnh không thể tự đi lại được, phải ngồi xe lăn hoặc nằm giường, các hoạt động không tự chủ được và phải nhờ sự trợ giúp của người khác.

 

3. Điều trị bệnh parkinson bằng cách nào?

Hiện nay, chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh parkinson, do đó việc điều trị chỉ nhằm mục đích giảm triệu chứng, làm chậm quá tình tiến triển của bệnh để nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Chứ không thể ngăn chặn tiến triển của bệnh hay điều trị khỏi hẳn.

Có 3 phương pháp điều trị Parkinson đó là:

 

3.1 Điều trị bệnh Parkinson bằng nội khoa (sử dụng thuốc)

Hiện nay có nhiều nhóm thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh parkinson. Chẳng hạn như một số nhóm thuốc ức chế, nhóm thuốc kích thích dopamin, thuốc bổ sung dopamin kịp thời và đúng cơ chế bệnh sinh, thuốc ức chế hủy dopamin. Nhiều người hiện nay đang sử dụng nhóm thuốc Levo Dopa (thuốc thay thế hay bổ sung dopamin kịp thời) thì cần lưu ý là không nên dùng kết hợp với vitamin B6.

Liều dùng mỗi loại thuốc được kê theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh, thường khởi đầu bằng liều thấp sau đó tăng dần liều dùng đến khi có tác dụng mong muốn và duy trì sử dụng. Nếu muốn thay thế loại thuốc khác, người bệnh cần phải thăm khám lại để bác sĩ đánh giá và thay thế dần dần, không dừng thuốc đột ngột.

Tùy thuộc vào mỗi nhóm thuốc có thể có những tác dụng phụ không mong muốn như: khô mắt, khô miệng, đau bụng, tim đập nhanh, táo bón,… Hãy trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ này.

Ngoài ra, có thể sử dụng thêm một số thuốc bảo vệ và dinh dưỡng thần kinh để hỗ trợ thêm.

Hiện nay có một số loại thuốc hỗ trợ điều trị parkinson, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ để được tư vấn và lựa chọn loại thuốc phù hợp.

 

3.2 Điều trị bệnh Parkinson bằng ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa thường chỉ được cân nhắc khi người bệnh đã từng điều trị bằng thuốc nhưng không đỡ hoặc ít có kết quả. Hiện nay có một số phương pháp điều trị ngoại khoa áp dụng cho bệnh nhân parkinson như: phẫu thuật mở nắp sọ, kích thích não sâu bằng điện cực, phẫu thuật bằng tia gamma, cấy ghép tế bào. Chi phí phẫu thuật, kích thích não sâu khá tốn kém do đó bác sĩ sẽ trao đổi trước với người nhà bệnh nhân để gia đình có thể cân nhắc trước khi quyết định thực hiện.

Sau khi phẫu thuật người bệnh có thể cải thiện được chứng run, cứng đờ, có thể kiểm soát được dao động.

 

3.3 Điều trị bệnh Parkinson bằng vật lý trị liệu, tập thể dục, phục hồi chức năng

Đây là vừa là phương pháp điều trị vừa là phương pháp kết hợp. Bệnh nhân Parkinson được tập luyện hàng ngày theo sự hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu. Vùng chức năng nào bị ảnh hưởng bác sĩ sẽ xây dựng bài tập chuyên biệt cho vùng đó. Hiện nay phương pháp này tác dụng còn hạn chế và chưa có công bố kết quả nghiên cứu.

Các phương pháp điều trị bệnh parkinson chỉ có tác dụng giảm triệu chứng chứ không thể ngăn bệnh tiến triển. Hầu hết người bệnh parkinson được điều trị bằng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Phẫu thuật sẽ được cân nhắc sau khi điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc hiệu quả không như mong đợi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top