✴️ Điều trị chứng đau đầu căn nguyên mạch máu như thế nào?

1. Tổng quan về đau đầu do căn nguyên mạch máu

1.1. Đau đầu do căn nguyên mạch máu là gì?

Đau đầu do nguyên nhân mạch máu (Migraine) là bệnh nhức nửa đầu từng cơn theo nhịp mạch, cường độ thay đổi, có tính chu kỳ. Bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn nam, khoảng 18% dân số nữ và 6% nam ở độ tuổi từ 30 – 45 tuổi hay bị bệnh này.

Bệnh gồm 2 loại chính: Migraine tiền triệu và Migraine không có tiền triệu. Migraine tiền triệu chiếm khoảng 10% trong tổng số các trường hợp.

Bệnh nhân có giai đoạn tiền triệu kéo dài từ vài phút cho đến 30 phút, xảy ra trước cơn đau với các triệu chứng về mắt như: ám điểm chói sáng, bán manh đồng danh. Các tiền triệu ít gặp hơn như: tê tay và tê một bên mặt, mất ngôn ngữ thoáng qua. Khi các triệu chứng trên biến mất thì cơn đau xuất hiện với các đặc tính điển hình.

Chứng đau đầu căn nguyên mạch máu là bệnh nhức nửa đầu từng cơn theo nhịp mạch.

 

1.2. Nguyên nhân gây đau đầu do căn nguyên mạch máu

Cho đến nay nguyên nhân thực sự của bệnh đau đầu do căn nguyên mạch máu vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên theo phần lớn các chuyên gia, bệnh đau đầu Migraine xuất phát từ căn nguyên mạch máu não xảy ra do sự thay đổi cơ chế vận mạch làm co giãn bất thường của hệ thống mạch máu não một bên, cơ chế đã gây nên sự rối loạn này hiện nay vẫn chưa được xác định rõ.

 

1.3. Triệu chứng đau đầu do căn nguyên mạch máu

Cơn đau Migraine có khởi phát thường ở một bên đầu, sau đó có thể lan sang hai bên. Cơn đau theo nhịp mạch, người bệnh còn có cảm giác động mạch thái dương đập mạnh. Cường độ đau tăng dần và dữ dội hơn. Cơn đau kéo dài từ 4 đến 72 giờ.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể có các triệu chứng đi kèm khác như: sợ ánh sáng, sợ tiếng động, buồn nôn và có thể nôn. Vào nơi tối và yên tĩnh triệu chứng đau sẽ giảm.

Với Migraine không có tiền triệu, các cơn đau có đặc tính giống như migraine có tiền triệu tuy nhiên cường độ đau thường ít hơn. Mặc dù không có tiền triệu nhưng bệnh nhân có thể có một số triệu chứng báo trước như: chán ăn, lo lắng. Trong cơn đau thường có hiện tượng tăng cảm giác đau vùng da đầu. Trên cùng một bệnh nhân có thể có cả hai loại cơn đau, có và không có tiền triệu.

Cơn đau Migraine có khởi phát thường ở một bên đầu, sau đó có thể lan sang hai bên.

 

1.4. Chẩn đoán đau đầu do căn nguyên mạch máu

Chẩn đoán dựa trên việc chấm điểm qua các dấu hiệu điển hình như:
– Nhức đầu từng cơn.
– Khởi phát nhức đầu một bên.
– Có triệu chứng kết hợp như: buồn nôn, nôn…
– Có thể kết hợp với các triệu chứng thần kinh khác (giác quan hoặc vận động).
– Có yếu tố gia đình.
Với thang điểm tổng là 10 điểm, nếu có từ 5 điểm trở lên có thể chẩn đoán xác định bệnh Migrane.
Tiêu chuẩn chẩn đoán của Mathew (1987) bằng cách cho điểm, nếu có từ 5 điểm trở lên có thể chẩn đoán xác định Migrane.
Chẩn đoán phân biệt: Ngoài việc chẩn đoán phân biệt đau đầu do các nguyên nhân khác, cần đặc biệt chú ý chẩn đoán phân biệt Migraine với các bệnh:
– Đau đầu từng chuỗi.
– Bệnh Horton.

 

2. Điều trị chứng đau đầu căn nguyên mạch máu như thế nào?

Điều trị chứng đau đầu căn nguyên mạch máu bao gồm điều trị cắt cơn đau và ngừa cơn đau.

Điều trị cắt cơn (điều trị cấp tính) giúp làm giảm ngay cơn đau. Được áp dụng trong mọi trường hợp mắc bệnh Migraine. Người bệnh có thể được điều trị đồng thời vừa cắt cơn, vừa ngừa cơn.

Người bệnh điều trị ngừa cơn đau (điều trị mạn tính) cần dùng thuốc lâu dài để cơn đau không xuất hiện. Điều trị này chỉ định đối với những bệnh nhân có cơn đau nhiều, trên 3 cơn mỗi tháng hoặc ở người có số cơn đau tuy ít nhưng khó cắt cơn. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể được kê thêm thuốc giảm đau và chống nôn.

Để ngăn chặn, hạn chế cơn đau nửa đầu khởi phát, người bệnh nên tránh các thuốc gây giãn mạch, thuốc tránh thai có estrogen.

 

3. Phòng bệnh đau đầu do căn nguyên mạch máu

– Tránh xa các yếu tố khởi phát cơn đau bằng cách nói không với rượu, bia, thuốc lá,..hay một số thực phẩm như socola, phomat, mì chính…

– Bổ sung đầy đủ dưỡng chất đảm bảo sức khỏe. Chế độ ăn cần đảm bảo đủ carbohydrat giúp cung cấp đủ năng lượng cho não hoạt động. Một số loại thức ăn tốt cho chứng đau đầu là: ngũ cốc, cá hồi, dầu oliu, sữa chua, hạt vừng…

– Bổ sung đủ từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể dễ dàng bài tiết độc tố

– Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần

Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến các cơn đau vùng đầu, bạn nên đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó có hướng điều trị hợp lý.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top