Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý không dùng thuốc

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng về tác dụng phụ và muốn có nhiều lựa chọn khác trước khi họ quyết định cho con họ uống thuốc. Sự mong mỏi này không có gì là sai trái khi bạn muốn con bạn có cuộc sống bình thường hơn, thành công hơn.

Uống thuốc hay không uống thuốc

Đối với những đứa trẻ còn quá nhỏ mà được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý, việc uống thuốc quả thật là một vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng. Trong thực tế, các bác sỹ thường khuyến cáo, nếu trẻ dưới 6 tuổi thì nên bắt đầu với các liệu pháp điều trị không dùng thuốc như liệu pháp hành vi. Liệu pháp hành vi rất có hiệu quả với trẻ nhỏ, bởi trẻ nhỏ thường kém tập trung và ít chú ý hơn trẻ lớn, chúng thường bốc đồng và hiếu động.

Tuy nhiên lý tưởng nhất vẫn là sự kết hợp liệu pháp điều trị hành vi và cả thuốc.

 

Sự giúp đỡ của bố mẹ và giáo viên

Bố mẹ và giáo viên đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ học được cách nhận biết và điều chỉnh hành vi. Với bố mẹ, chỉ cần tạo ra những mục tiêu quản lý được con mình trong những công việc hằng ngày của trẻ, như 10 phút ngồi yên ăn tối với gia đình đã là những tiến bộ trong việc kiểm soát hành vi của trẻ rồi. Tương tự như vậy, giáo viên cũng có thể đặt ra những mục tiêu nhỏ cho trẻ và thường xuyên có sự trao đổi với các bậc phụ huynh về tình hình của trẻ ở lớp.

Một bà mẹ có con mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý nhiều năm cho biết: trước đây khi con của cô ở trường mầm non, cô đã nói chuyện với giáo viên của con trai mình về việc giúp đỡ kiểm soát các hành vi của con khi đi học bằng cách đặt ra những mục tiêu nhỏ cho cháu. Cô cũng cho biết là hồi đó cô đặt ra mục tiêu là 20 phút, 20 phút ngồi yên trên ghế, 20 phút ngồi làm bài tập, và mỗi lần cậu bé hoàn thành  được mục tiêu sẽ được thưởng, sau đó cô đặt ra mục tiêu với thời gian dài hơn và làm được nhiều việc hơn. Áp dụng biện pháp này sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn là việc trừng phạt khi trẻ mắc lỗi.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng khuyên các bậc phụ huynh nên thuê một gia sư riêng để giúp việc học hành, bài vở của trẻ. Việc này vừa có hiệu quả về mặt giáo dục và tránh sự mệt mỏi của các bậc phụ huynh khi phải cố gắng theo đuổi nhiều biện pháp cải thiện tình hình của trẻ.

 

Giấc ngủ

Một trong những vấn đề của trẻ bị rối loạn tăng động là rất khó có thể bắt chúng nằm im và nhắm mắt vào để ngủ. Nếu không biết cách trẻ có thể chơi suốt đêm, kiệt sức vào ngày hôm sau và các triệu chứng của bệnh sẽ càng tồi tệ hơn. Một số bác sỹ khuyên nên hỗ trợ giấc ngủ của trẻ bằng thuốc như melatonin, nhưng bạn nên bắt đầu bằng cách thực hiện những thói quen ngủ cho trẻ như:

  • Ngủ đúng giờ giấc vào tất cả các ngày trong tuần
  • Tạo không gian thoáng mát và đủ độ tối
  • Ru trẻ ngủ bằng những cử chỉ nhẹ nhàng âu yếm.
  • Không đặt bất cứ đồ điện tử nào ở trong phòng của trẻ như tivi, điện thoại, máy tính, máy chơi game…

 

Tập thể dục

Hãy đảm bảo con bạn cũng giống như các đứa trẻ bình thường khác có cơ hội được chạy nhảy vui đùa. Những nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ khoảng 30 phút tập thể dục cũng giúp trẻ tăng động có thể tập trung tốt hơn. Hãy chọn những môn thể thao có độ tập trung cao như bóng rổ, tenis.

 

Ngồi thiền

Gần đây người ta đang cố nghiên cứu các tác dụng của việc ngồi thiền với những người bị mắc chứng rối loạn này. Thiền giúp con người thư giãn, học cách tập trung cao độ, tăng sự hiểu biết, kiểm soát được nhịp thở, giảm stress cho cả trẻ và bố mẹ. Nhưng thực sự phương pháp này rất khó để theo đuổi lâu dài, nhất là với trẻ nhỏ.

 

Liệu pháp âm nhạc

Âm nhạc có thể giúp trẻ tập trung hơn và tăng cường được các kỹ năng xã hội. Chơi nhạc đòi hỏi các phần khác nhau của não bộ phải phối hợp làm việc cùng nhau cũng như biết được cách trở thành một phần trong nhóm. Những trẻ biết chơi một loại nhạc cụ nào đó thường có kết quả học tập tốt hơn các trẻ không chơi nhạc. Tuy liệu pháp âm nhạc đem lại nhiều hiệu quả nhưng người ta vẫn chưa thể kết nối được liệu pháp này vơi trẻ tăng động như thế nào để có hiệu quả nhất

 

A xít béo omega 3

Chế độ ăn có chứa omega 3 dành cho trẻ tăng động đã được đề xuất đưa ra sau những nghiên cứu cho thấy lượng omega 3 trong máu của trẻ tăng động thấp hơn so với trẻ bình thường. Sau đó omega 3 đã được đưa vào dạng điều trị không kê đơn dưới dạng thực phẩm hoặc viên uống bổ sung.

Nhưng liệu omega 3 có giúp những bệnh nhân nhi giảm được các triệu chứng của rối loạn này hay không thì thực sự chưa có nghiên cứ đầy đủ, khả thi. Hiện tại, các bác sỹ cũng không khuyến cáo việc bổ sung omega 3 cho trẻ tăng động. Vì thế các ông bố bà mẹ nên áp dụng một chế độ ăn lành mạnh và bình thường cho trẻ tăng động chứ không nên áp dụng chế độ ăn giàu omega 3.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top