✴️ Điều trị sa sút trí tuệ và hướng dẫn chăm sóc người bệnh

Tỷ lệ bệnh nhân bị sa sút trí tuệ tăng dần theo nhóm tuổi, thường bắt đầu từ 60 tuổi và phổ biến từ 85 tuổi trở lên (chiếm 15,7%) và từ trên 90 tuổi (chiếm tỷ lệ hơn 33,3%). Hiện nay điều trị sa sút trí tuệ không thể khỏi hẳn, không thể ngăn cản quá trình tiến triển của bệnh, nhưng việc điều trị là vô cùng cần thiết để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh và làm giảm bớt gánh nặng cho người chăm sóc và gia đình bệnh nhân.

 

1. Điều trị sa sút trí tuệ bằng cách nào?

1.1 Điều trị sa sút trí tuệ bằng nội khoa

Hiện nay điều trị bệnh sa sút trí tuệ chủ yếu là điều trị nội khoa, tập trung chủ yếu vào điều trị triệu chứng.

Một số loại thuốc được sử dụng để làm chậm quá trình tiến triển của người bệnh:

– Với nguyên nhân chính gây sa sút trí tuệ là xuất phát từ bệnh lý Alzheimer. Hiện nay có nhiều loại thuốc có thể điều trị các triệu chứng của bệnh Alzheimer, giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh Alzheimer, tuy nhiên chưa có thuốc điều trị hết bệnh.

– Một số loại thuốc được sử dụng giúp làm chậm quá trình tiến triển mất trí nhớ và lú lẫn của người bệnh trong một khoảng thời gian dài.

– Những loại thuốc này thường có hiệu quả tốt nếu bệnh nhân Alzheimer được phát hiện sớm.

– Một số thuốc khác có thể giúp bệnh nhân ngủ tốt hơn, giảm bớt triệu chứng lo âu, trầm cảm và kích động. Các loại thuốc này không điều trị hết bệnh nhưng sẽ giúp cuộc sống của người bệnh tốt hơn, người chăm sóc bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân cũng bớt gánh nặng hơn.

Bạn nên đưa người bệnh thăm khám sớm ngay khi có dấu hiệu sa sút trí tuệ, hãy đến cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán đúng và có phác đồ điều trị hiệu quả. Nếu có điều kiện, bạn có thể lựa chọn các trung tâm điều trị để hỗ trợ điều trị nhận thức, chăm sóc dinh dưỡng và điều chỉnh hành vi cho người bệnh sa sút trí tuệ.

Metformin có thể làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ ở người cao tuổi nhưng phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định và tuân thủ sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ

 

1.2 Tập luyện nhận thức hỗ trợ điều trị sa sút trí tuệ

Bên cạnh việc điều trị bằng nội khoa (sử dụng thuốc) người bệnh sa sút trí tuệ cần tập luyện nhận thức:

Các bài tập được xây dựng theo nhóm chức năng nhận thức. Có thể tập luyện riêng hoặc theo nhóm, mức độ từ dễ đến khó để phù hợp với mức độ suy giảm nhận thức của người bệnh. Các bài tập luyện về nhận thức có thể được tiến hành trên giấy hoặc trên máy tính.

Một số bài tập luyện nhận thức như:

– Test luyện trí nhớ bằng công việc

– Đọc sách, xem phim sau đó kể lại nội dung của câu chuyện.

– Chơi ô chữ, chơi cờ

– Làm các bài tập test trên máy tính,…

Các bài tập luyện tăng cường khả năng nhận thức và ghi nhớ giúp hỗ trợ điều trị bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

 

1.3 Phục hồi nhận thức (ghi nhớ và nhớ lại)

Phục hồi chức năng nhận thức sẽ được thiết kế riêng cho từng người tùy vào tình trạng suy giảm nhận thức ở mức độ nặng hay nhẹ. Chương trình nhấn mạnh vào cải thiện hoạt động sống hàng ngày.

– Trí nhớ (vị trí đồ vật, điều vừa nói, sự kiện,…)

– Kỹ năng làm việc (duy trì kỹ năng, học kỹ năng mới,…)

– Tìm từ và nhớ tên (nhớ tên người, nơi chốn,..)

– Tập trung (nhớ tựa đề bài báo, phim,…)

– Tổ chức (mua sắm đủ đồ, sử dụng phương tiện nhắc nhở,…)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sa sút trí tuệ thường là hậu quả của bệnh đột quỵ, tổn thương não hay bệnh Alzheimer gây ra. Tỷ lệ bệnh nhân sa sút trí tuệ ngày càng tăng và dự tính số người bị sa sút trí tuệ sẽ tăng khoảng 40% vào năm 2030. Sa sút trí tuệ không chỉ xảy ra ở những nước có thu nhập cao, trên thực tế có hơn 60% bệnh nhân sa sút trí tuệ là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Chẩn đoán sớm và chăm sóc cho bệnh nhân sa sút trí tuệ là yêu cầu được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra và hiện nay các nước đang nỗ lực chẩn đoán sớm, điều trị sa sút trí tuệ và chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân sa sút trí tuệ.

1.4 Tăng cường các hoạt động xã hội và hoạt động thể lực

Giúp người bệnh hòa nhập xã hội, không thu hẹp và cô lập bản thân. Tập thể dục đều đặn, tham gia các hoạt động xã hội sẽ có tác dụng tích cực để phòng bệnh sa sút trí tuệ.

Để chăm sóc được người bị bệnh sa sút trí tuệ, người chăm sóc cần phải có những kiến thức nhất định, và điều quan trọng nhất, người bệnh cần được thăm khám và điều trị kịp thời bởi các chuyên gia y tế.

 

2. Chẩn đoán sớm bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

2.1 Khám lâm sàng

– Dựa vào triệu chứng lâm sàng và tiền sử của người bệnh.

– Khám tổng quát hệ thần kinh

– Thực hiện các bài trắc nghiệm tâm lý

Những người bị sa sút trí tuệ thường có các biểu hiện sau:

– Trí nhớ bị suy giảm

– Suy giảm chức năng nhận thức

– Suy giảm khả năng trí tuệ

– Suy giảm trí nhớ lành tính ở người già hoặc suy giảm nhận thức nhẹ, những triệu chứng này tuy không gây giảm hoạt động các chức năng hàng ngày nhưng có thể sẽ tiến triển thành sa sút trí tuệ trong 18 tháng.

– Sảng: giảm sự chú ý và ý thức

2.2 Khám cận lâm sàng

Thực hiện một số xét nghiệm thường quy chẩn đoán sa sút trí tuệ như:

– Tổng phân tích tế bào máu

– Điện giải đồ

– Canxi huyết thanh

– Đường huyết

– Nồng độ B12 huyết thanh

– Hormone kích thích tuyến giáp TSH.

Và một số chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng như: chụp cắt lớp vi tính (CT-Scaner), chụp cộng hưởng từ (MRI) do bác sĩ chuyên môn chỉ định.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top