Thuốc điều trị đau nửa đầu được chia ra làm hai loại chính là loại giảm đau đầu và loại thuốc dự phòng cơn đau. Thông thường các bác sỹ sẽ kê đơn phối hợp cả hai loại thuốc này với nhau. Phương án điều trị còn dựa trên tần suất và độ cấp tính của các cơn đau đầu, mức độ ảnh hưởng cơn đau đầu đến các cơ quan khác. Có một vài loại thuốc không được khuyên cáo điều trị cho phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú và một vài loại thuốc không được sử dụng cho trẻ em.
Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau sẽ đạt hiệu quả tốt nhất khi bạn thấy xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo cho cơn đau nửa đầu. Khi uống thuốc xong bạn nên nghỉ ngơi hoặc đi ngủ trong một phòng tối.
Các loại thuốc giảm đau thông dụng được dùng trong điều trị đau nửa đầu:
- Aspirin hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB…), acetaminophen (tylenol,…); diclofenac (Cataflam), ketorolac (toradol), naproxen (aleve) để giảm các cơn đau đầu nhẹ.
- Thuốc phối hợp các hợp chất acetaminophen, aspirin với một lượng nhỏ caffein có thể làm thuốc có tác dụng nhanh hơn, dùng để giảm các cơn đau đầu mức độ vừa nhưng chúng không có tác dụng với những cơn đau đầu nghiêm trọng.
Nếu dùng thường xuyên và lâu dài một số thuốc giảm đau có thể tăng nguy cơ gây ra tình trạng loét, chảy máu dạ dày và đường tiêu hóa hoặc gây ra tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau và còn có thể ảnh hưởng đến bệnh tim mạch, đột quỵ, tổn thương thận…
Ergotamine
Ergotamine là thuốc điều trị đau nửa đầu thế hệ đầu tiên, có tác dụng làm tăng tuần hoàn các mạch máu não làm giảm cơn đau trong vài phút. Thuốc thường được uống khi thấy những dấu hiệu đầu tiên của cơn đau nửa đầu và có thể uống bổ sung sau mỗi 30 phút nếu cơn đau đầu vẫn tiếp tục diễn ra.
Ergots là sự kết hợp của ergotamine và caffein (Migergot, Cafegot, Ercaf, Cafetine, Wigraine) có tác dụng với những cơ đau kéo dài hơn 48 tiếng và hiệu quả nhất là uống trước khi các triệu chứng của cơn đau nửa đầu xảy ra.
Một số thuốc chỉ có thành phần ergotamine riêng biệt như ergotamine (Ergomar) hoặc là dẫn xuất của ergotamine như: dihydroergotamine (DHE-45, Migranal) có hiệu quả và ít tác dụng phụ, methysergide (Sansert), Methylergotamine (Methergine).
Ergotamine có thể làm xấu thêm những triệu chứng khác của đau nửa đầu như nôn, buồn nôn. Thuốc cũng có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như dị tật bẩm sinh, gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch, gây ngộ độc ở liều cao nên không được kê đơn cho phụ nữ có thai và người mắc bệnh tim mạch. Ergotamine cũng gây ra việc lạm dụng thuốc và có những tương tác thuốc với các thuốc kháng nấm hoặc kháng sinh.
Triptans
Triptan là thuốc điều trị đau nửa đầu thế hệ mới có hiệu qủa hơn ergotamine. Thuốc làm cho các mạch máu co lại, chặn đường dẫn các cơn đau, tăng lượng serotonin, giảm quá trình viêm và có khả năng kết thúc cơn đau nửa đầu nhanh.
Thuốc được bào chế ở dạng xịt, tiêm, viên nhộng, viên nén. Một số thuốc thuộc nhóm này được sử dụng phổ biến hiện nay là: sumatriptan (Imitrex), rizatriptan (Maxalt), almotriptan (Axert), naratriptan (Amerge), zolmitriptan (Zomig), frovatriptan (Frova) and eletriptan (Relpax).
Tác dụng phụ của triptans bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm, buồn nôn, chóng mặt, buồn ngủ, yếu cơ, lợm giọng. Thuốc không được khuyến cáo dùng cho bệnh nhân tim mạch và có nguy cơ cao bị đột quỵ. Triptans cũng có thể gây tăng serotonin nếu như kết hợp với các thuốc chống trầm cảm dẫn đến tăng khả năng tự tử nên cũng cần phải được chú ý với những bệnh nhân trầm cảm.
Sự kết hợp giữa sumatriptan và naproxen sodium (Treximet) đã được chứng minh là có hiệu quả hơn trong việc làm giảm các triệu chứng đau nửa đầu so với khi dùng riêng rẽ.
Thuốc chống buồn nôn
Thuốc chống buồn nôn thường được phối hợp với các thuốc giảm đau như chlorpromazine, metoclopramide (Reglan) hoặc prochlorperazine (Compro) trong những cơn đau nửa đầu nghiêm trọng nhưng không có tác dụng giảm đau mà chỉ điều trị các triệu chứng phụ của đau nửa đầu.
Opioid
Opioid được sủ dụng khi bệnh nhân không đáp ứng với những thuốc giảm đau ở trên. Là những thuốc giảm đau gây nghiện nên cần được giám sát chặt chẽ trong quá trình điều trị và có lộ trình giảm liều phù hợp. Một số thuốc thuộc loại này là codein, meperidine (Demerol), morphine, oxycodone (Oxycotin)
Glucocorticoid (prednisone, dexamethasone)
Các thuốc thuộc họ cortisol có thể được sử dụng để giảm đau nhưng chúng có nhiều tác dụng phụ nên ít được sử dụng.
Thuốc điều trị dự phòng
Bạn sẽ được kê đơn dùng thuốc dự phòng (hay còn gọi là thuốc điều trị nền) khi:
- Có nhiều hơn 4 cơn đau nửa đầu trong 1 tháng
- Những cơn đau kéo dài hơn 12 tiếng
- Thuốc giảm đau không có tác dụng
- Có cơn aura kéo dài hoặc tê liệt choáng váng
Thuốc dự phòng có thể giảm thiểu tần suất xuất hiện, mức độ và độ dài của cơn đau nửa đầu và có thể tăng hiệu quả của các thuốc giảm đau. Sau một vài tuần thuốc sẽ cải thiện các triệu chứng đau nửa đầu của bạn.
Các bác sỹ có thể khuyên bạn nên sử dụng thuốc dự phòng hàng ngày hoặc chỉ sử dụng trước kỳ kinh nguyệt. Thuốc dự phòng không thể ngừa được những cơn đau nửa đầu hoàn toàn và một số thuốc có tác dụng phụ nghiêm trọng. Nếu bạn đáp ứng tốt với thuốc dự phòng, bác sỹ sẽ cân nhắc điều chỉnh liều phù hợp.
Các loại thuốc dự phòng đau nửa đầu phổ biến hiện nay là:
Thuốc điều trị tim mạch
Thuốc chẹn Beta được dùng để điều trị tăng huyết áp và động mạch vành cũng có thể giảm tần suất và mức độ của cơn đau nửa đầu. Một số thuốc chẹn Beta như propranolol (Inderal LA, Innopran XL, others), metoprolol tartrate (Lopressor) và timolol (Betimol) có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa cơn đau nửa đầu, những thuốc khác ít hiệu quả hơn. Với người trên 60 tuổi có hút thuốc lá, có tiền sử bệnh tim mạch, bác sỹ có thể khuyên dùng loại thuốc khác. Tác dụng không mong muốn của thuốc là gây mệt mỏi, buồn nôn nôn, chóng mặt, quay cuồng, trầm cảm và mất ngủ.
Các thuốc điều trị tăng huyết áp khác như thuốc chẹn kênh canxi cũng có hữu ích trong việc phòng ngừa đau nửa đầu. Các thuốc chẹn kênh canxi thường được sử dụng là Verapamil (Calan, Verelan), diltiazem (Cardiazem, Tiazac), nimodipine (Nimotop) ngăn ngừa được những cơn đau nửa đầu có cơn aura. Tác dụng phụ của thuốc là gây hạ huyết áp, tăng cân, chóng mặt, táo bón.
Ngoài ra thuốc ức chế men chuyển angiotensin cũng có thể làm giảm độ dài và mức độ nghiêm trọng của chứng đau nửa đầu.
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm có thể ngăn ngừa được chứng đau nửa đầu kể cả khi bạn không bị trầm cảm. Thuốc làm giảm tần số cơn đau bằng cách làm tăng lượng serotonin trong não.
Amitriptyline (Elavil, Endep) là một thuốc chống trầm cảm thường được dùng để dự phòng đau nửa đầu. Ngoài ra có thể sử dụng các thuốc khác như: fluoxetine (Prozac, Sarafem), imipramine (Tofranil), nortriptyline (Aventyl, Pamelor), paroxetine (Paxil, Pexeva) sertraline (Zoloft) venlafaxine (Effexor). Các thuốc này có thể gây ra buồn ngủ, khô miệng, táo bón tăng cân và nhiều tác dụng phụ khác
Một loại thuốc kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm với chất ức chế tái hấp thu norepinphrine là venlafaxine (effexor XR) cũng có tác dụng ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.
Thuốc chống động kinh
Một số thuốc chống động kinh như valproate (Depacon) và topiramate (Topamax) có thể làm giảm tần số cơn đau nửa đầu do làm dịu các dây thần kinh hoạt động quá mức của não.
Tuy nhiên ở liều cao thuốc có thể gây ra tác dụng phụ. Valproate gây buồn nôn, tăng cân, run, rụng tóc, chóng mặt nên không được dùng cho phụ nữ có thai hoặc có ý định mang thai. Topiramate có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, sụt cân, khó khăn bộ nhớ và các vấn đề tập trung.
OnabotulinumtoxinA (Botox)
OnabotulinumtoxinA (Botox) được chứng minh là có tác dụng trong việc điều trị các cơn đau nửa đầu mãn tính ở người trưởng thành. Liệu trình điều trị là tiêm Onabotulinumtoxin A vào vùng cơ ở trán và ở cổ và được lặp lại mỗi 12 tuần khi việc điều trị có hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh