✴️ Người mắc bệnh tai biến có chữa được không?

Nội dung

Tai biến mạch máu não là căn bệnh không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người mà còn khiến rất nhiều trường hợp không thể phục hồi sau biến cố. Vậy bệnh tai biến có chữa được không và cần làm gì để nhanh chóng hồi phục sau tai biến? Theo dõi bài viết sau đây để có những giải đáp cụ thể nhất.

 

1. Cơn tai biến mạch máu não nguy hiểm như thế nào?

Tai biến mạch máu não (còn gọi là tai biến hay đột quỵ) là tình trạng não đột ngột bị mất oxy và dưỡng chất cần thiết. Nguyên nhân là do quá trình cung cấp máu tới não bộ bị ngưng trệ hoặc gián đoạn. Lúc này, các tế bào thần kinh sẽ dần chết đi, gây tổn thương cho não, thậm chí có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Cơn tai biến xảy ra đột ngột và có thể để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh. Theo Hiệp hội Tim mạch thế giới, tai biến mạch máu não là biến chứng nguy hiểm nhất của các bệnh về tim mạch hoặc cao huyết áp. Theo thống kê, có khoảng 20% người bị tai biến bị tử vong, 20 – 25% đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ từ người khác trong sinh hoạt, 15 – 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc. Một số di chứng thường gặp sau tai biến bao gồm:

– Liệt cơ như liệt tay chân, liệt mặt, liệt nửa người, mất khả năng phối hợp vận động

– Run tay chân, yếu cơ

– Khó nuốt, khó nói, mất tiếng

– Mất thăng bằng, chóng mặt, suy giảm trí nhớ

– Không thể kiểm soát được hành vi và cảm xúc.

– Trầm cảm

– Tiểu tiện không tự chủ

– Nhìn mờ, giảm thị lực, thậm chí mù lòa

– Viêm phổi, lở loét, hoại tử do nằm liệt giường lâu ngày

Cơn tai biến có thể khiến người bệnh bị liệt nửa người, mất khả năng vận động.

 

2. Người mắc bệnh tai biến có chữa khỏi được không?

Hiện nay, cùng với sự phát triển của y học, người bệnh tai biến được áp dụng rất nhiều phương pháp khác nhau để phục hồi sau biến cố. Tuy nhiên, hiệu quả từ quá trình điều trị đến đâu, người bệnh có thể khỏi hoàn toàn hay cải thiện được một phần còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ nghiêm trọng, thời gian cấp cứu, phương pháp phục hồi… Cụ thể:

2.1 Bệnh tai biến có chữa được không dựa vào dạng tai biến người bệnh gặp phải

Có 2 dạng tai biến mà người bệnh có thể gặp phải đó là xuất huyết não và nhồi máu não. Trong đó, nhồi máu não là loại tai biến thường gặp nhất, chiếm tới hơn 80% tổng số các ca bệnh. Những trường hợp tai biến xuất huyết não chỉ chiếm khoảng 20%. Tuy nhiên, đây lại là dạng đột quỵ nguy hiểm nhất bởi chúng diễn ra nhanh chóng, tỷ lệ tử vong rất cao và để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp phải những cơn tai biến nhẹ (còn gọi là đột quỵ thoáng qua) diễn ra nhanh chóng trong khoảng vài phút. Với trường hợp này, người bệnh có thể tự phục hồi mà không cần can thiệp y tế khẩn cấp. Thế nhưng người bệnh vẫn phải cẩn trọng vì đây có thể là lời cảnh báo sớm về một cơn tai biến nguy hiểm sẽ đến trong tương lai. Do đó, cần chủ động thăm khám và có biện pháp phòng tránh bệnh lâu dài.

2.2 Về mặt thời gian

Theo các chuyên gia, khoảng thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân bị tai biến là 3 – 4h kể từ khi phát bệnh. Người bệnh được phát hiện và đưa tới bệnh viện cấp cứu càng sớm thì tỷ lệ sống sót càng cao, khả năng phục hồi cũng sẽ tốt hơn. Nếu qua thời gian này, tỷ lệ sống sót thấp, người bệnh được cứu sống sẽ phải chịu nhiều di chứng nặng nề như mất cảm giác, rối loạn ngôn ngữ, liệt vĩnh viễn…

Thời gian cấp cứu nhanh hay chậm có thể quyết định tới tỷ lệ sống sót của bệnh nhân tai biến.

2.3 Bệnh tai biến có chữa được không phụ thuộc vào độ tuổi

Cơn tai biến ở người cao tuổi thường diễn biến nặng hơn và khả năng sống sót của người bệnh cũng thấp hơn. Dù được cấp cứu kịp thời thì tốc độ hồi phục về sau cũng chậm hơn. Ngược lại, những người trẻ tuổi khi được phát hiện và cấp cứu sớm sẽ có khả năng hồi phục cao.

2.4 Phương pháp điều trị

Việc cấp cứu kịp thời và áp dụng phương pháp điều trị đúng cách sẽ giúp quá trình hồi phục đạt hiệu quả cao, đồng thời hạn chế di chứng sau tai biến.

 

3. Cần làm gì để nhanh chóng hồi phục sau tai biến?

Quá trình hồi phục sau tai biến đòi hỏi cả người bệnh và người chăm sóc cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng và tập luyện khoa học dưới đây:

3.1 Chế độ dinh dưỡng

Ăn uống khoa học giữ vai trò quan trọng trong việc phòng và điều trị bệnh tai biến. Bên cạnh đó, việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý còn giúp kiểm soát cân nặng, duy trì vóc dáng cân đối, khỏe mạnh. Vì vậy, trong chế độ ăn hàng ngày, cần thực hiện một số lưu ý sau:

– Giảm chất béo: Nên sử dụng dầu thực vật để chế biến thức ăn như dầu đậu nành, ô liu, dầu bắp… thay cho mỡ động vật. Điều này sẽ giúp giảm thiểu đáng kể lượng cholesterol trong máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

– Bổ sung cá, thịt nạc và ngũ cốc để cung cấp cho cơ thể protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết.

– Bổ sung rau xanh và trái cây tươi mỗi ngày, đặc biệt là bông cải xanh để tăng cường glucoraphanin, giúp thúc đẩy và duy trì phản ứng chống oxy hóa, đào thải độc tố trong cơ thể.

– Hạn chế thức ăn quá mặn, gia vị cay nóng, các loại thực phẩm chế biến sẵn hay chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá…

3.2 Chế độ tập luyện

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, việc luyện tập các bài tập phục hồi chức năng cũng là yếu tố quan trọng trong điều trị tai biến.

Đối với trường hợp nặng, người nhà cần hỗ trợ người bệnh thực hiện các bài vận động thụ động như đổi tư thế, châm cứu, bấm huyệt… để kích thích thần kinh và vận động các cơ, tránh trường hợp bị loét da, teo cơ. Đối với trường hợp nhẹ hơn, người bệnh nên thực hiện các bài tập phục hồi theo từng giai đoạn.

Việc tập luyện hồi phục kéo dài bao lâu còn phụ thuộc lớn vào tình trạng tổn thương. Vì vậy, người thân cần tích cực động viên giúp người bệnh có tinh thần lạc quan, kiên trì luyện tập để mang lại kết quả tốt nhất.

Người thân cần tăng cường, hỗ trợ người bệnh thực hiện các bài vận động thụ động để nâng cao sức khỏe và hồi phục sau tai biến.

Hi vọng bài viết trên đã giúp người bệnh giải đáp thắc mắc bệnh tai biến có chữa được không cũng như các phương pháp cải thiện bệnh hiệu quả. Để đạt được kết quả tốt nhất, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, giúp điều trị phù hợp nhằm nâng cao sức khỏe và đẩy lùi biến chứng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top