Người sống ở những nơi có lưu lượng giao thông lớn có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 25% so với người sống ở nơi có lưu lượng giao thông thấp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết phần lớn nguy cơ này bị giới hạn ở nhóm người nghèo, thất nghiệp, có nền tảng giáo dục thấp, hút thuốc hoặc mất ngủ.
“Mặc dù chúng tôi không dám chắc hoàn toàn, tiếng ồn có thể gây ra sự căng thẳng tuy nhiên nếu tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian dài, nguy cơ bị trầm cảm sẽ lớn hơn ” trưởng nhóm nghiên cứu Ester Orban thuộc Trung tâm Dịch tễ học Đô thị ở Bệnh viện Đại học Essen, Đức cho biết.
Orban cho biết có một số cách đơn giản để hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn giao thông.
“Nếu bạn cảm thấy bực mình với tiếng ồn giao thông, bạn có thể dùng nút bịt tai và nếu tiếng ồn giao thông cản trở giấc ngủ của bạn, hãy chọn phòng ngủ cách xa đường cái,” cô gợi ý.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Sức khỏe Môi trường.
Trong nghiên cứu này, tiến sĩ Orban và các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu về hơn 3000 người từ 45 đến 75 tuổi mà đã trước đó đã tham gia nghiên cứu Heinz Nixdorf Recall. Những người tham gia nghiên cứu được theo dõi trong thời gian trung bình là năm năm.
Các triệu chứng trầm cảm như cảm thấy cô đơn, buồn, tuyệt vọng, khó tập trung hoặc cảm giác thất bại.
Simon Rego, giám đốc đào tạo tâm lý thuộc Trung tâm Y khoa Montefiore, Đại học Y Albert Einstein, New York, Mỹ cho biết nghiên cứu này bổ sung cho các bằng chứng hiện có cho thấy tiếng ồn giao thông có liên quan đến nguy cơ trầm cảm.
“Điều này không có gì mới vì hiện có nhiều nghiên cứu cho thấy tiếng ồn có liên quan đến căng thẳng và bệnh tim,” ông nói.
Giám đốc Rego cho biết do trầm cảm đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới và có tác động tiêu cực đến cá nhân và xã hội cùng với đó là nguyên nhân gây bệnh cũng hết sức phức tạp, chúng ta cần nghiên cứu mọi nguy cơ có thể, bao gồm môi trường và tương tác của môi trường với các yếu tố tâm lý, xã hội và sinh học.
Ông cho biết thêm người có địa vị kinh tế xã hội thấp và người bị rối loạn giấc ngủ đặc biệt dễ tổn thương trước tiếng ồn. “Điều này cho thấy bên cạnh điều trị các tác nhân sinh học và tâm lý bằng thuốc và trị liệu, chúng ta cần tìm biện pháp khắc phục các tác nhân môi trường,” ông nói.
Giám đốc Rego kết luận ở cấp độ cá nhân, giúp người bệnh ngủ ngon mỗi tối sẽ giúp giảm nguy cơ trầm cảm. Ở quy mô lớn hơn, cộng đồng cần cải thiện quy hoạch đô thị để khắc phục tiếng ồn giao thông nhằm hỗ trợ điều trị trầm cảm và thậm chí ngăn ngừa căn bệnh này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh