Nguy cơ khi sinh đẻ hỗ trợ giác hút

Nội dung

Và cũng giống như nhiều thủ thuật y khoa khác, sẽ có một số yếu tố nguy cơ đi kèm khi sinh đẻ có hỗ trợ giác hút. Thậm chí, kể cả việc sinh đẻ thông thường cũng có thể dẫn đến những biến chứng cho cả mẹ và con. Trong đa số các trường hợp,  giác hút sẽ được sử dụng để tránh sinh mổ hoặc dự phòng tình trạng suy thai. Khi được thực hiện đúng kỹ thuật, thì việc sinh đẻ hỗ trợ giác hút sẽ có ít nguy cơ hơn rất nhiều so với sinh mổ hoặc suy thai kéo dài, nghĩa là mẹ và bé sẽ ít gặp phải các biến chứng hơn.

Trong những năm gần đây, giác hút được sử dụng ngày càng rộng rãi, và nguy cơ của việc sinh đẻ hỗ trợ giác hút cũng đã được ghi lại. Nguy cơ có thể nhẹ như tổn thương da đầu của bé hoặc nghiêm trọng hơn, như chảy máu trong sọ của bé.

Tổn thương bề mặt da đầu

Tổn thương bề mặt da đầu thường rất phổ biến trong các trường hợp sinh đẻ hỗ trợ giác hút. Kể cả trong những trường hợp sinh thường, bé cũng có thể bị sưng ở những vùng nhỏ trên da đầu. Trong quá trình chuyển dạ, cổ tử cung và đường dẫn sinh sẽ tạo ra rất nhiều áp lực lên vùng đầu của bé, vì đây là cơ quan sẽ đi vào đường dẫn sinh đầu tiên.  Hậu quả là đầu bé có thể sẽ bị sưng và có hình như hình nón. Nếu bé nghiêng đầu về một bên trong khi sinh, thì phần sưng phù này sẽ nằm ở một bên. Tình trạng sưng này sẽ biến mất trong vòng 1-2 ngày sau khi sinh.

Giác hút nguyên thủy là một chiếc cốc kim loại và có thể tạo ra những vết sưng trên đỉnh đầu của bé. Những vết sưng này là cần thiết để có được một cuộc sinh nở an toàn và sẽ thường biến mất trong vòng 2-3 ngày. Đôi khi, tại vị trí đặt giác hút, vùng da đầu của bé sẽ hơi đổi màu và trông như bị bầm tím. Nhưng tình trạng này cũng sẽ tự biến mất và không để lại hậu quả gì. Một số giác hút hiện nay vẫn sử dụng loại cốc hút cứng bằng kim loại này, nhưng rất ít. Ngày nay, đa số các giác hút đều sử dụng cốc hút bằng nhựa hoặc bằng silastic. Những loại cốc này sẽ ít gây sưng ở đầu của bé hơn.

Sinh đẻ hỗ trợ giác hút cũng có thể gây ra những vết thương nhỏ trên da hoặc vết xước trên da đầu của bé. Những tổn thương này thường xảy ra trong những ca sinh khó, kéo dài và cần sử dụng nhiều giác hút. Trong đa số các trường hợp, những vết thương này chỉ nằm ở ngoài da và sẽ lành rất nhanh mà không để lại dấu vết gì.

 

Tụ máu

Tụ máu là sự hình thành máu ở dưới da. Tình trạng này thường xảy ra khi một tĩnh mạch hoặc động mạch bị tổn thương, khiến máu tràn ra ngoài mạch máu và đi vào các mô xung quanh. Hai dạng tụ máu có thể xảy ra khi sinh đẻ hỗ trợ giác hút là u máu đầu (cephalohematoma) và tụ máu dưới cân da đầu (subgaleal hematoma).

U máu đầu

U máu đầu là tình trạng chảy máu ở khoảng không gian phía dưới các sợi che phủ xương sọ. Loại tụ máu này rất hiếm khi dẫn đến biến chứng, nhưng thường sẽ mất từ 1-2 tuần để vết tụ máu biến mất. Trẻ em sinh ra bị u máu đầu thường sẽ không cần điều trị hoặc phẫu thuật gì thêm

Tụ máu dưới cân da đầu

Tụ máu dưới cân da đầu là một tình trạng tụ máu nghiêm trọng hơn. Tình trạng này xảy ra khi máu tích tụ ngay dưới da đầu. Do dưới cân da đầu là một khoảng không gian rộng, nên máu có thể tích tụ rất nhiều ở khoảng không gian này. Đó là lý do vì sao tụ máu dưới cân da đầu được coi là một biến chứng nguy hiểm nhất của việc sinh đẻ hỗ trợ giác hút. Khi lực hút không đủ mạnh để di chuyển đầu em bé theo đường dẫn sinh, nó có thể khiến da đầu và các lớp mô ngay dưới da đầu của bé tách khỏi xương sọ, gây ra tổn thương nghiêm trọng cho các tĩnh mạch nằm dưới. Việc sử dụng giác hút mềm sẽ làm giảm được tỷ lệ mắc phải tổn thương này. Và mặc dù hiếm gặp, nhưng tụ máu dưới cân da đầu là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

 

Xuất huyết nội sọ

Xuất huyết nội sọ là một biến chứng nguy hiểm nhưng hiếm gặp khác của tình trạng sinh đẻ hỗ trợ giác hút. Lực hút lên đầu em bé có thể gây tổnt hương các mạch máu, gây ra tình trạng chảy máu trong hộp sọ. Mặc dù xuất huyết nội sọ rất hiếm gặp, nhưng khi nó xảy ra, có thể sẽ dẫn đến mất trí nhớ, mất khả năng ngôn ngữ hoặc mất khả năng di chuyển ở vùng bị ảnh hưởng.

 

Xuất huyết võng mạc

Xuất huyết võng mạc là tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này thường không nghiêm trọng và sẽ biến mất rất nhanh mà không gây ra biến chứng nào khác. Nguyên nhân chính xác của tình trạng xuất huyết võng mạc chưa được biết rõ. Tuy nhiên, đó có thể là hậu quả của việc tăng áp lực lên đầu khi em bé đi qua đường dẫn sinh.

 

Vàng da sơ sinh

Vàng da sơ sinh thường phát triển ở những em bé được sinh ra nhờ sự hỗ trợ của giác hút. Vàng da là tình trạng da và niêm mặc mắt có màu vàng và là một tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là do tăng bilirubin trong máu. Bilirubin là một loại sắc tố có máu vàng được sản xuất ra khi các tế bào hồng cầu bị vỡ.

Khi cuộc sinh đẻ của bạn có sử dụng giác hút, thì một vết bầm tím lớn có thể sẽ hình thành ở da đầu hoặc ở đầu. Bầm tím xảy ra là do có sự tổn thương các mạch máu, khién máu rò rỉ ra và hình thành các đốm màu đen hoặc xanh. Cơ thể thậm chí có thể hấp thu máu ở các vết bầm tím. Lượng máu này có thể sẽ khiến bilirubin được sản xuất ra nhiều hơn. Thông thường bilirubin sẽ được loại bỏ ra khỏi cơ thể qua gan. Tuy nhiên, gan của em bé có thể chưa phát triển và không thể loại bỏ bilirubin một cách hiệu quả được.  Khi có quá nhiều bilirubin trong máu thì da và niêm mạc mắt cũng bị ảnh hưởng và chuyểm màu vàng.

Mặc dù vàng da sơ sinh thường sẽ tự hết trong 2-3 tuần, nhưng một số bé sẽ đần được trị liệu ánh sáng. Trong quá trình trị liệu, bé sẽ được tiếp xúc với ánh sáng cường độ cao trong 1-2 ngày. Ánh sáng sẽ biến đổi bilirubin thành dạng ít độc hơn và giúp cơ thể loại bỏ bilirubin nhanh chóng hơn. Bé sẽ được đeo một loại kính đặc biệt trong suốt quá trình trị liệu để bảo vệ mắt không bị tổn thương do ánh sáng. Em bé cũng có thể sẽ cần được truyền máu để làm giảm nồng độ bilirubin trong máu nếu bé bị vàng da nặng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top