Những điều cần biết vềrối loạn giấc ngủ ở trẻ nhỏ

Nếu để tình trạng này kéo dài  có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập, cảm xúc, hành vi sau này khi trưởng thành.Trẻ ngủ bao nhiêu là đủ giấc?

Tùy theo từng độ tuổi, trẻ có nhu cầu về thời gian ngủ mỗi ngày khác nhau.

Trẻ sơ sinh: Những tuần đầu mới sinh, em bé có thể ngủ từ 18h- 20h/ngày, mỗi giấc có thể kéo dài từ 30 phút đến 3 giờ. Giấc ngủ của trẻ sơ sinh thường không tuân theo qui luật, thường ngủ vào ban ngày nhiều hơn ban đêm. Nếu ban ngày bé ngủ gần đủ thời lượng thì khả năng bé thức khuya cao.

Trẻ <6 tháng: Ngủ theo nhu cầu. Độ tuổi này đã bắt đầu hình thành chu kỳ thức-ngủ, giấc ngủ đêm kéo dài  khoảng 9,5 đến 11,5 tiếng. Giấc ngủ ngày ngắn hơn khoảng từ 3,5 đến 5,5 tiếng.

Trẻ từ 6 tháng – 1 tuổi: Trẻ ngủ theo nhu cầu và nhịp sinh học, giấc ngủ ban ngày từ 3-4 giấc giảm xuống chỉ còn 1-2 giấc. Tổng số thời gian ngủ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 1 tuổi là khoảng 14 giờ/ ngày.

Trẻ từ 18 tháng: Trẻ ít có nhu cầu ngủ ban ngày.

Trẻ từ 2,5 tuổi - 5 tuổi: Trẻ rất ít ngủ ngày vì đây là độ tuổi trẻ thích tìm hiểu khám phá thế giới xung quanh và tiếp nhận nhiều kích thích từ môi trường bên ngoài, phần lớn trẻ có thể tự ngủ vào ban đêm.

Nguyên nhân gây RLGN của trẻ

Nguyên nhân sinh lý: Có 2 dạng giấc ngủ REM - NREM (giấc ngủ NREM chiếm 75% tổng số thời gian ngủ, giấc ngủ REM chiếm 25% tổng số thời gian ngủ), nhưng riêng ở trẻ em giấc ngủ REM chiếm tới 50%, đặc điểm của giấc ngủ này là khi trẻ ngủ các cơ quan trong cơ thể lại tăng hoạt động: Tim đập nhanh hơn, thở nhanh hơn, não tăng chuyển hóa hơn... Chỉ cần 1 cử động nhỏ cũng dễ dàng đánh thức bé và sự thức dậy ngắn cũng làm bé tỉnh ngủ hoàn toàn.

Ngoài ra, trong giai đoạn trẻ đang phát triển nhanh có những thời điểm khiến trẻ dễ bị khó ngủ, quấy khóc như khi trẻ sắp bò, sắp mọc răng, sắp đi, vận động nhiều quá vào ban ngày hoặc ăn ít quá, ăn no quá...

Nguyên nhân bệnh lý: Trẻ có các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, não bộ... cũng là nguyên nhân chính gây rối loạn giấc ngủ. Những trẻ bị mắc các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, COPD, đau chướng bụng, đầy hơi, bị chứng tăng động, kích thần thần kinh, rối loạn tập trung… đều có hậu quả là rối loạn giấc ngủ và có thể khiến cho những tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.

Cho trẻ ngủ sai cách:

• Ngủ quá nhiều vào ban ngày (ngủ quá 5 giờ chiều).

• Giấc ngủ của trẻ phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài quá nhiều: Võng, nôi điện, thậm chí vào bố mẹ, nếu không có những yếu tố trên bé nhất định không ngủ.

• Chỗ ngủ của trẻ cần ấm cúng, ít gió, yên tĩnh. Nếu trẻ ngủ trong môi trường quá ồn ào, quá nhiều ánh sáng hoặc phải thay đổi chỗ ngủ thường xuyên sẽ tạo cảm giác không an toàn, khó ngủ.

 

Khắc phục RLGN ở trẻ dưới 3 tuổi

Nên làm

• Tập thói quen tốt trước ngủ bằng các hoạt động cá nhân như rửa mặt, rửa tay chân, tắm, massage, thay quần áo thoáng mát cho trẻ... Nên làm hàng ngày, liên tục, lặp đi lặp lại để tạo cho trẻ phản xạ có điều kiện.

• Tạo cảm giác an toàn  trước khi ngủ bằng cách cho bé mang theo những vật mà bé yêu thích lên giường như gấu bông, búp bê, gối ôm, vỗ về bé khi cần thiết….

• Duy trì thời gian ngủ và thức hằng định ngay cả trong những ngày nghỉ cuối tuần so với ngày trong tuần.

• Sử dụng thảo dược: Tía tô đất, hoa lạc tiên… nếu được sử dụng đúng cách, với liều lượng phù hợp theo quy định có thể giúp trẻ an dịu thần kinh nhẹ nhàng, an toàn và dễ đi vào giấc ngủ, tránh tình trạng quấy khóc ban đêm.

Không nên làm

• Ăn khi ngủ: Dễ sặc, sâu răng, dễ rối loạn tiêu hóa.

• Lẫn lộn giữa ngày và đêm: Bé sẽ không ngủ suốt đêm nếu như bé không biết phân biệt giữa ngày và đêm, không biết sự khác nhau giữa ánh sáng và bóng tối. Nên giữ phòng bé đầy ánh sáng vào ban ngày và hạn chế ánh sáng lọt vào khi trời tối.

• Vận động quá nhiều, xem tivi, chơi game trước khi ngủ.

• Sử dụng nhiều loại thuốc trước khi ngủ: Một số loại vitamin, thuốc bổ kích thích hệ thần kinh khiến trẻ ngủ không sâu giấc và dễ bị thức dậy trong đêm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top