Những thông tin về bệnh bại não

Nội dung

Bại não là gì?

Bại não thường xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, do những tổn thương xuất hiện từ khi còn trong bụng mẹ. Các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện trong những năm sơ sinh hoặc mẫu giáo. Nói chung, bại não gây ra suy giảm vận động liên quan đến việc có các phản xạ bất thường, mềm hoặc cứng của các chi và cơ vùng thân, tư thế bất thường, cử động không tự chủ, đi đứng không vững hoặc một số thao tác kết hợp – phối hợp của trẻ.

Ngoài các triệu chứng kể trên, những người bị bại não có thể gặp phải những khó khăn khi nuốt và thường bị mất cân bằng cơ mắt, trong đó mắt không tập trung vào cùng một đối tượng. Họ cũng có thể bị giảm phạm vi chuyển động ở các khớp khác nhau trên cơ thể do bị cứng cơ.

Bại não ảnh hưởng đến chức năng rất khác nhau. Một số người bị ảnh hưởng vẫn có thể đi lại được; trong khi có những người khác bắt buộc phải cần sự hỗ trợ. Một số người cho thấy trí tuệ bình thường hoặc gần mức bình thường, nhưng cũng có những người bị thiểu năng trí tuệ. Cũng có thể bị động kinh, mù hoặc điếc.

 

Các triệu chứng của bại não

Các dấu hiệu và triệu chứng của bại não có thể khác nhau rất nhiều. Các vấn đề về cử động và phối hợp liên quan đến bại não bao gồm:

  • Các biến đổi về trương lực cơ, chẳng hạn như quá cứng hoặc quá mềm cơ
  • Cứng cơ và tăng phản xạ quá mức/hoặc phản xạ giữ nguyên (co cứng)
  • Thiếu thăng bằng và giảm khả năng phối hợp cơ bắp (mất điều hòa cơ bắp)
  • Run hoặc cử động không tự chủ
  • Chuyển động chậm chạp, quằn quại
  • Chậm đạt đến các mốc kỹ năng vận động, chẳng hạn như chống đẩy, ngồi dậy hoặc bò
  • Ưu tiên một bên của cơ thể, chẳng hạn như vươn bằng một tay hoặc kéo chân khi bò
  • Khó khăn khi đi bộ, chẳng hạn như đi kiễng chân, dáng đi khom người, dáng đi như kéo vật khác với đầu gối bắt chéo, dáng đi rộng hoặc dáng đi không đối xứng
  • Chảy nhiều nước dãi hoặc khó nuốt
  • Khó khăn khi bú hoặc ăn ở trẻ nhỏ
  • Chậm phát triển giọng nói hoặc khó nói
  • Khó khăn trong học tập
  • Khó khăn với các kỹ năng vận động tinh, chẳng hạn như cài cúc quần áo hoặc nhặt đồ dùng
  • Co giật

Bại não có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể/hoặc có thể chỉ giới hạn chủ yếu ở một chi hoặc một bên của cơ thể. Tình trạng các rối loạn tại não gây bại não không thay đổi theo thời gian, vì vậy các triệu chứng thường không xấu đi theo tuổi tác. Tuy nhiên, khi mộ đứa trẻ gặp tình trạng bại não và lớn lên, một số triệu chứng có thể trở nên rõ ràng hơn hoặc lại giảm đi ít hơn. Tình trạng rút cơ và cứng cơ có thể trầm trọng hơn nếu không được điều trị tích cực.

Các bất thường về não liên quan đến bại não cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề thần kinh khác, bao gồm:

  • Khó nhìn và nghe
  • Thiểu năng trí tuệ
  • Co giật
  • Cảm giác đau hoặc xúc giác bất thường
  • Bệnh răng miệng
  • Các vấn đề sức khỏe tâm thần
  • Tiểu tiện không tự chủ

 

Khi nào đến gặp bác sĩ?

Điều quan trọng là phải được chẩn đoán kịp thời cho chứng rối loạn vận động hoặc tình trạng chậm phát triển của trẻ. Hãy đến gặp bác sĩ nếu cảm thấy lo lắng về dấu hiệu bất thường ở trẻ, như tình trạng mất nhận thức về môi trường xung quanh hoặc các cử động cơ thể bất thường, trương lực cơ bất thường, suy giảm khả năng phối hợp, nuốt khó, mất cân bằng cơ mắt hoặc các vấn đề phát triển khác.

 

Nguyên nhân nào gây ra bại não?

Bại não là do sự bất thường hoặc gián đoạn trong quá trình phát triển não bộ, thường xảy ra trước khi một đứa trẻ được sinh ra. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân không thể xác định được. Các yếu tố có thể dẫn đến các vấn đề bất thường trong quá trình phát triển não bộ bao gồm:

  • Đột biến gen dẫn đến phát triển bất thường
  • Nhiễm trùng từ người mẹ ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển
  • Đột quỵ ở thai nhi, sự gián đoạn quá trình cung cấp máu cho não khi đang phát triển
  • Chảy máu não khi còn trong bụng mẹ hoặc khi còn là trẻ sơ sinh
  • Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh gây viêm trong hoặc xung quanh não bộ
  • Chấn thương vùng đầu ở trẻ sơ sinh do tai nạn xe cơ giới hoặc ngã
  • Thiếu oxy lên não liên quan đến chuyển dạ hoặc sinh khó, mặc dù ngạt liên quan đến sinh nở là nguyên nhân ít phổ biến hơn nhiều so với các trường hợp khác

 

Các yếu tố nguy cơ của bại não

Một số yếu tố có liên quan đến việc tăng nguy cơ bại não bao gồm:

Sức khỏe bà mẹ

Một số bệnh nhiễm trùng hoặc tiếp xúc với hóa chất độc trong thời gian mang thai có thể làm tăng đáng kể nguy cơ bại não ở trẻ. Các tình trạng nhiễm trùng cần quan tâm đặc biệt bao gồm:

  • Họ Cytomegalovirus. Họ virus phổ biến này gây ra các triệu chứng giống như cúm và có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh nếu người mẹ bị nhiễm trùng lần đầu tiên trong thai kỳ.
  • Bệnh sởi Đức (rubella), có thể được ngăn ngừa bằng vaccine đặc hiệu.
  • Herpes, có thể truyền từ mẹ sang con khi mang thai. Tình trạng viêm do nhiễm trùng có thể làm hỏng hệ thần kinh đang phát triển của thai nhi.
  • Bệnh giang mai, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
  • Kí sinh trùng Toxoplasmosis, gây nhiễm trùng do một loại ký sinh trùng có trong thức ăn bị ô nhiễm, đất và phân của mèo bị nhiễm bệnh.
  • Nhiễm virus Zika, trẻ sơ sinh bị nhiễm Zika từ mẹ khiến kích thước đầu của chúng nhỏ hơn bình thường (tật đầu nhỏ) có thể bị bại não.
  • Các tình trạng bất thường khác. Các tình trạng khác có thể làm tăng nguy cơ bại não bao gồm các vấn đề về tuyến giáp, thiểu năng trí tuệ hoặc động kinh và tiếp xúc với chất độc, chẳng hạn như metyl thủy ngân.

Bệnh ở trẻ sơ sinh

Các bệnh ở trẻ sơ sinh có thể làm tăng đáng kể nguy cơ bại não bao gồm:

  • Viêm màng não do vi khuẩn. Nhiễm trùng do vi khuẩn này gây ra viêm màng não và tủy sống.
  • Viêm não do virus. Tương tự, nhiễm virus này cũng gây viêm màng não và tủy sống.
  • Vàng da nặng hoặc không được điều trị. Tình trạng vàng da xảy ra khi một số sản phẩm phụ của quá trình tái sản xuất các tế bào máu không được lọc khỏi máu.
  • Chảy máu vào não. Tình trạng này thường do thai nhi bị đột quỵ khi còn trong bụng mẹ.

Các yếu tố khác của thai kỳ và sinh nở

Mặc dù khả năng từ các yếu tố này là hạn chế, nhưng các yếu tố mang thai hoặc sinh con đều có thể có liên quan đến làm tăng nguy cơ bại não, bao gồm:

  • Thai ngôi ngược. Trẻ bại não thường ở tư thế ngôi ngược.
  • Cân nặng khi sinh thấp. Trẻ sơ sinh có trọng lượng dưới 2,5 kilogam có nguy cơ mắc bệnh bại não cao hơn. Nguy cơ này càng tăng lên khi trọng lượng sơ sinh càng giảm xuống.
  • Đa thai. Nguy cơ bại não tăng lên khi số thai tăng lên. Nếu một hoặc nhiều thai tử vong, nguy cơ bại não của những thai sống sót sẽ càng tăng.
  • Sinh non. Trẻ sinh ra dưới 28 tuần có nguy cơ cao bị bại não. Trẻ sinh ra càng sớm, nguy cơ bại não càng lớn.

 

Các biến chứng của bại não

Yếu cơ, co cứng cơ và các vấn đề phối hợp có thể góp phần gây ra một số biến chứng trong thời thơ ấu hoặc khi trưởng thành, bao gồm:

  • Bất thường cấu trúc xương. Co cứng là tình trạng mô cơ ngắn lại do cơ bị siết chặt (co cứng). Co cứng có thể ức chế sự phát triển của xương, khiến xương bị uốn cong và dẫn đến biến dạng khớp, trật khớp toàn phần hoặc trật một phần.
  • Lão hóa sớm. Một số loại lão hóa sớm sẽ ảnh hưởng đến hầu hết những người bị bại não ở độ tuổi 40 vì những căng thẳng mà tình trạng này gây ra cho cơ thể của họ.
  • Suy dinh dưỡng. Các vấn đề về nuốt hoặc bú có thể khiến người bị bại não, đặc biệt là trẻ sơ sinh khó thu nhận đủ dinh dưỡng. Điều này có thể làm giảm sự phát triển và làm yếu xương. Một số trẻ em cần được cho ăn qua ống thông dạ dày để có thể cung cấp đủ dinh dưỡng.
  • Tình trạng sức khỏe tâm thần. Những người bị bại não có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm. Sự cô lập với xã hội và những thách thức trong việc đương đầu với khuyết tật của bản thân có thể góp phần gây ra trầm cảm.
  • Bệnh tim và phổi. Những người bị bại não có thể phát triển bệnh tim và bệnh phổi và rối loạn hô hấp.
  • Bệnh xương khớp. Áp lực lên khớp hoặc sự liên kết bất thường của khớp do co cứng cơ có thể dẫn đến sự khởi phát sớm của bệnh thoái hóa xương.
  • Loãng xương. Gãy xương do mật độ xương thấp (loãng xương) có thể xuất phát từ một số yếu tố phổ biến như lười vận động, thiếu dinh dưỡng và sử dụng thuốc chống động kinh.

 

Phòng ngừa tình trạng bại não

Hầu hết các trường hợp bại não không thể ngăn ngừa được, nhưng có thể giảm thiểu rủi ro gặp phải. Nếu đang trong thời kỳ mang thai hoặc dự định có thai, có thể thực hiện các bước dưới đây để giữ gìn sức khỏe và giảm thiểu các biến chứng thai kỳ:

  • Đảm bảo rằng đã được tiêm phòng. Tiêm phòng các bệnh như rubella, tốt nhất là trước khi mang thai có thể ngăn ngừa nhiễm trùng có thể gây tổn thương não của thai nhi.
  • Chăm sóc bản thân. Nếu đang chuẩn bị mang thai, sức khỏe càng khỏe mạnh thì càng ít có nguy cơ bị nhiễm trùng dẫn đến bại não.
  • Đi khám sớm và định kỳ. Thường xuyên đi khám định kỳ khi mang thai là một cách tốt để giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho bà mẹ và thai nhi. Gặp bác sĩ thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa sinh non, sinh con nhẹ cân và nhiễm trùng.
  • Thực hành tốt an toàn cho trẻ. Ngăn ngừa chấn thương đầu bằng cách cung cấp cho trẻ ghế ngồi ô tô, mũ bảo hiểm xe đạp, thanh vịn an toàn trên giường và có sự giám sát thích hợp.
  • Tránh rượu, thuốc lá và ma túy bất hợp pháp. Chúng đều có liên quan đến nguy cơ bại não trong thai kỳ.

 

Tổng kết

Cha mẹ của những trẻ bị bại não được giúp đỡ và hướng dẫn để hiểu được tình trạng và tiềm năng của đứa trẻ và cách đối mặt với cảm giác tội lỗi, giận dữ, từ chối và buồn bã của chính bản thân họ. Trẻ bị bại não vẫn có thể đạt được các tiềm năng tối đa khi được chăm sóc ổn định và hợp lý từ cha mẹ, cũng như sự hỗ trợ từ tất cả các yếu tố xung quanh.  

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top