Hấp thu sắt quá phát là tình trạng khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều chất sắt từ thực phẩm. Bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống theo những cách cụ thể, những người mắc bệnh hấp thu sắt quá phát có thể giảm thiểu các triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng.
Có 2 loại hấp thu sắt quá phát: Nguyên phát và thứ phát.
Hấp thu sắt quá phát nguyên phát là do di truyền, trong khi hấp thu sắt quá phát thứ phát có thể xuất phát từ các tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như bệnh gan và thiếu máu.
Trung bình cơ thể hấp thụ và mất khoảng 1 miligam (mg) sắt mỗi ngày. Tuy nhiên ở những người bị bệnh hấp thu sắt quá phát có thể hấp thụ tới 4 mg sắt mỗi ngày.
Sự tích tụ quá nhiều chất sắt có thể gây độc và gây tổn hại các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, có thể duy trì mức chất sắt ổn định thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống.
Trong bài viết này, sẽ đưa thêm thông tin về các loại thực phẩm mà người mắc bệnh hấp thu sắt quá phát nên dùng hoặc nên tránh.
Mục tiêu của việc điều trị bệnh hấp thu sắt quá phát (hemochromatosis) là giảm lượng sắt trong cơ thể xuống mức bình thường.
Ngoài việc chỉ ăn thực phẩm có ít chất sắt, còn có các yếu tố khác cũng cần phải xem xét. Ví dụ, một số thành phần trong chế độ ăn uống ảnh hưởng đến lượng chất sắt mà cơ thể hấp thụ như:
Loại sắt: Sắt heme cơ thể dễ hấp thụ hơn sắt nonheme. Thực phẩm từ thực vật chỉ chứa sắt nonheme, trong khi thịt, cá và hải sản chứa cả sắt heme và nonheme.
Vitamin C: Vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt nonheme.
Canxi: Khoáng chất này có thể làm giảm sự hấp thụ sắt.
Phytates, tannin và polyphenol: Những chất này hạn chế sự hấp thu sắt nonheme.
Ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống, bác sĩ có thể điều trị bệnh hấp thu sắt quá phát bằng thuốc và trích máu - một phương pháp điều trị loại bỏ bớt lượng máu khỏi cơ thể.
Vẫn chưa có một hướng dẫn chế độ ăn uống chính thức cho những người bị bệnh hấp thu sắt quá phát, tuy nhiên một số thực phẩm có thể có lợi bao gồm:
Trái cây và rau quả là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh. Rau, hoa quả rất giàu vitamin và khoáng chất rất quan trọng để cơ thể hoạt động tốt. Một số loại trái cây và rau quả như rau bina, nấm và ô liu, có nhiều chất sắt nonheme. Vì sắt nonheme khó hấp thụ hơn nên không ảnh hưởng đáng kể đến mức độ sắt trong cơ thể.
Những người mắc bệnh hấp thu sắt quá phát có mức độ ứng kích oxy hóa cao hơn có thể gây hại. Việc ăn nhiều thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa có thể giúp chống lại quá trình oxy hóa và bảo vệ các tế bào khỏi bị tổn thương. Nhiều loại trái cây và rau quả có nhiều chất chống oxy hóa như vitamin E và selen.
Thực vật cũng chứa chất phytochemical hoặc các hợp chất có hoạt tính sinh học tương tự như:
Lutein trong rau lá xanh đậm;
Lycopene trong cà chua;
Anthocyanin trong củ cải và quả việt quất.
Protein nạc là một phần thiết yếu của chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng nhiều nguồn protein nạc có chứa sắt. Mặc dù những người mắc hấp thu sắt quá phát không cần phải kiêng ăn hoàn toàn protein động vật, nhưng tốt nhất là chọn protein động vật có chứa lượng sắt thấp chẳng hạn như cá và gà.
Tất cả các loại ngũ cốc, các loại đậu, hạt có chứa axit phytic, hoặc phytate, làm giảm hấp thu sắt. Ăn thực phẩm chứa nhiều phytates, chẳng hạn như đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt làm giảm sự hấp thụ chất sắt nonheme từ thực phẩm thực vật. Do đó, nó có thể làm giảm tổng lượng sắt trong cơ thể.
Canxi có thể ức chế sự hấp thụ của cả sắt nonheme và heme. Các thực phẩm giàu canxi bao gồm:
Sữa chua;
Sữa;
Phô mai;
Đậu hũ;
Rau lá xanh.
Nghiên cứu cũng cho thấy trứng có thể giúp ức chế hấp thu sắt. Trứng có chứa một loại protein gọi là phosvitin liên kết với sắt và ngăn chặn sự hấp thụ.
Các bác sĩ thường khuyên những người mắc bệnh hấp thu sắt quá phát nên tránh các thực phẩm bổ sung sắt và các thực phẩm chứa nhiều sắt.
Hầu hết các loại thịt đỏ, bao gồm thịt bò, thịt cừu và thịt nai, là một nguồn giàu chất sắt heme. Thịt gà và thịt lợn chứa lượng heme thấp hơn. Vì sắt heme dễ dàng cho cơ thể hấp thụ, những người bị bệnh hấp thu sắt quá phát cần hạn chế sử dụng các loại thịt đỏ. Ngoài ra, thịt đỏ cũng giúp tăng cường hấp thụ sắt nonheme. Việc kết hợp thịt đỏ với thực phẩm khác làm giảm hấp thu sắt cũng có thể giúp kiểm soát mức độ sắt được hấp thụ.
Động vật có vỏ như trai, sò có thể chứa vi khuẩn Vibrio Vulnificus - có thể gây tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng. Những người mắc bệnh hấp thu sắt quá phát dễ bị nhiễm vi khuẩn Vibriosis. Do đó, cần phải nấu chín trước khi ăn.
Vitamin C làm tăng sự hấp thu sắt nonheme. Do đó, những người bị bệnh hấp thu sắt quá phát nên tránh bổ sung vitamin C. Lượng vitamin C trong trái cây và rau quả thường quá thấp để có tác dụng đáng kể trong việc hấp thụ sắt, đồng thời các loại thực phẩm này cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng khác rất quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh.
Tuy nhiên, ăn thực phẩm hoặc uống đồ uống có nhiều vitamin C bên cạnh thực phẩm giàu chất sắt có thể tăng cường hấp thu sắt. Vì lý do này, nên tránh kết hợp thực phẩm giàu chất sắt với thực phẩm giàu vitamin C trong bữa ăn đối với những người mắc bệnh hấp thu sắt quá phát.
Thực phẩm tăng cường và bổ sung có chứa thêm vitamin và khoáng chất để cải thiện dinh dưỡng. Nhiều sản phẩm ngũ cốc được bổ sung canxi, vitamin D và sắt. Những người bị bệnh hấp thu sắt quá phát nên tránh các thực phẩm có tăng cường chất sắt.
Uống nhiều rượu khiến cơ thể sản xuất các chất gây hại cho gan. Kết hợp sắt và rượu có thể làm tăng mức độ ứng kích oxy hóa. Tình trạng này có thể làm xấu đi các tác động của bệnh hấp thu sắt quá phát trên cơ thể. Rượu cũng khiên cơ thể tăng mức dự trữ sắt.
Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt, nhưng liệu có ảnh hưởng nhiều đến bệnh hấp thu sắt quá phát hay không thì vẫn chưa được biết một cách rõ ràng. Vì vậy, việc thay đổi chế độ ăn uống có thể là không cần thiết ở những người bị bệnh hấp thu sắt quá phát.
Theo Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh gan Hoa Kỳ và Viện Tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia, thay đổi chế độ ăn uống chỉ có tác dụng nhỏ đối với nồng độ sắt so với phương pháp điều trị tiêu chuẩn đối với bệnh hấp thu sắt quá phát, chúng gần như không hiệu quả như thuốc hoặc trích máu (phlebotomy).
Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia vẫn đề nghị những người mắc bệnh hấp thu sắt quá phát nên tránh:
Chất sắt;
Bổ sung vitamin C;
Ăn động vật có vỏ sống;
Uống nhiều rượu.
Điều trị bệnh hấp thu sắt quá phát thường bao gồm:
Loại bỏ lượng sắt dư thừa bằng cách rút ra khoảng 1 pint (khoảng 580ml) máu mỗi lần. Bệnh nhân sẽ cần xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ sắt thường xuyên.
Liệu pháp thải sắt loại bỏ sắt bằng thuốc hoặc tiêm. Những phương pháp điều trị này phù hợp với những người không thể thực hiện trích máu do các tình trạng như thiếu máu hoặc các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, liệu pháp này thường ít hiệu quả hơn liệu pháp trích máu trong việc thải loại sắt.
Hemochromatosis là tình trạng khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều chất sắt từ thực phẩm. Mục tiêu của điều trị bệnh hấp thu sắt quá phát là loại bỏ lượng sắt dư thừa trong máu thông qua phương pháp trị liệu bằng phlebotomy hoặc chelation. Việc tránh bổ sung vitamin C, thức ăn là động vật có vỏ sống và uống nhiều rượu cũng có thể hữu ích trong việc điều trị.
Ăn thực phẩm có ít chất sắt hoặc giảm hấp thu sắt cũng có thể giúp giữ mức sắt trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, giảm sắt trong chế độ ăn kiêng không mang lại hiệu quả như các phương pháp điều trị khác.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh