✴️ Phân loại cơn động kinh và các quy tắc phân loại

Nội dung

1. Phân loại cơn động kinh

1.1 Cơn động kinh khởi phát cục bộ

Bước đầu tiên của việc phân loại là xác định kiểu khởi phát. Cơn khởi phát cục bộ được định nghĩa là “khởi đầu từ một vị trí giới hạn ở một bên bán cầu. Nó có thể rất khu trú hoặc phân bố rộng. Cơn cục bộ có thể khởi phát từ cấu trúc dưới vỏ”. Cơn khởi phát toàn thể được định nghĩa “khởi phát từ một số điểm bên trong, nhanh chóng lan rộng toàn bộ hai bán cầu”. Một cơn không rõ khởi phát cũng vẫn phân loại tiếp được theo kiểu triệu chứng vận động, như cơn co cứng- co giật hoặc kiểu triệu chứng không vận động (nonmotor), như cơn ngưng hành vi.

Tiếp theo của phân loại cơn cục bộ là mức độ ý thức. Tỉnh (còn ý thức) được định nghĩa là nhận biết bản thân và môi trường xung quanh. Mức độ ý thức là thang đo mức độ tỉnh táo của bệnh nhân. Trong cơn động kinh cục bộ còn ý thức, bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo. “Còn ý thức” tức “còn ý thức trong quá trình xảy ra cơn động kinh”, không phải ngoài cơn. Nếu có suy giảm ý thức trong bất kỳ thời điểm nào trong cơn, thì cơn được xếp vào “cơn cục bộ có suy giảm ý thức”. Để thuận tiện cho thực hành, ta xem là còn ý thức khi bệnh nhân có khả năng cho thấy mình còn tỉnh trong cơn. Đôi khi triệu chứng của cơn động kinh là mất trí nhớ thoáng qua tuy bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo, nhưng muốn phân loại những cơn này thì cần ghi nhận rất cẩn thận, rõ ràng từ người chứng kiến.

Loại cơn “cục bộ chuyển thành co cứng co giật hai bên” (focal to bilateral tonic-clonic) là một nhóm được xếp riêng vì thường gặp và quan trọng trong thực hành động kinh, mặc dù điều đó phản ánh sự lan rộng của hoạt động động kinh hơn là một loại cơn riêng biệt. Cụm từ “cục bộ thành co cứng co giật hai bên” thay thế cho cụm từ cũ “toàn thể hoá thứ phát”.

Các triệu chứng khi người bệnh lên cơn động kinh cho biết cơn động kinh đó thuộc dạng nào, điều này rất quan trọng giúp chẩn đoán đúng và điều trị hiệu quả.

 

1.2 Cơn động kinh khởi phát toàn thể

Các cơn khởi phát toàn thể được chia làm kiểu cơn vận động hay không vận động (vắng ý thức). Mức độ ý thức không phải là một đặc điểm để phân loại trong nhóm này, vì đa số (không phải toàn bộ) các cơn khởi phát toàn thể thì ý thức bệnh nhân đều bị suy giảm. Theo định nghĩa, cơn khởi phát toàn thể phải có triệu chứng vận động ở hai bên ngay từ đầu cơn, nhưng trong bảng phân loại cơ bản, không cần xác định cụ thể loại triệu chứng vận động. Trong những trường hợp khởi phát vận động hai bên nhưng không đối xứng, thì trên lâm sàng khó để xác định cơn này khởi phát cục bộ hay toàn thể.

Cơn vắng ý thức (được hiểu là “khởi phát toàn thể”) biểu hiện bằng sự ngưng đột ngột hoạt động đang làm và ý thức của bệnh nhân. Cơn vắng ý thức thường xảy ra ở nhóm tuổi trẻ, bắt đầu và kết thúc cơn đột ngột, và bệnh nhân thường có ít cử động tự động phức tạp hơn là những bệnh nhân có cơn khởi phát cục bộ có suy giảm ý thức, tuy nhiên những điểm khác nhau này không tuyệt đối. Thông tin về EEG có thể cần thiết để phân loại chính xác những cơn này. Hoạt động động kinh cục bộ trên điện não hướng tới cơn cục bộ và hoạt động gai sóng lan toả hai bên hướng tới cơn vắng ý thức.

Trẻ nhỏ có biểu hiện động kinh cần được đi thăm khám ngay và điều trị càng sớm càng tốt. Những trẻ có tiền sử bị động kinh cần theo dõi sát sao nếu tái phát cần liên hệ ngay bác sĩ hoặc đưa trẻ tới cơ sở y tế, không chủ quan chỉ dùng thuốc tại nhà.

 

1.3 Không rõ khởi phát

Cơn động kinh không rõ khởi phát có thể phân loại thành kiểu vận động, bao gồm co cứng co giật, kiểu không vận động, hay không phân loại được. Nhóm không phân loại được là tập hợp những cơn có đặc điểm không phù hợp hai loại kia hay thiếu thông tin để phân loại.

Bị động kinh không phải bị tâm thần. Người bị động kinh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị dùng thuôc cắt cơn hiệu quả vẫn có thể hoạt động, làm việc và hòa nhập với cộng đồng như mọi người khác.

 

2. Các quy tắc phân loại co giật

– Khởi đầu: Quyết định khởi phát của cơn co giật là cục bộ hay toàn thể, sử dụng 80% độ tin cậy. Nếu không, khởi phát là không xác định.

– Ý thức: Đối với các cơn cục bộ, quyết định xem có nên phân loại theo mức độ ý thức hay bỏ qua ý thức như một tiêu chí phân loại. Cơn động kinh cục bộ còn ý thức tương ứng với các cơn động kinh cục bộ đơn giản và cơn cục bộ suy giảm ý thức tương ứng cơn cục bộ phức tạp trong phân loại cũ.

– Giảm ý thức bất cứ lúc nào: Một cơn cục bộ là một cơn cục bộ giảm ý thức nếu ý thức bị giảm tại bất kỳ thời điểm nào trong cơn.

– Khởi đầu nổi bật: Phân loại một cơn cục bộ bằng dấu hiệu hoặc triệu chứng nổi bật đầu tiên của nó. Đừng tính ngưng hoạt động thoáng qua.

– Ngưng hoạt động: Một cơn ngưng hoạt động cục bộ biểu hiện ngưng hoạt động như đặc điểm nổi bật của toàn bộ cơn động kinh.

– Vận động/ Không vận động: Một cơn cục bộ không hoặc có giảm ý thức có thể được phân loại thêm bởi các đặc điểm vận động hoặc không vận động. Ngoài ra, một cơn cục bộ có thể được đặc trưng bởi đặc tính vận động hoặc không vận động, mà không kèm mức độ của ý thức. Ví dụ, một cơn co giật cục bộ.

– Thuật ngữ tùy chọn: Các thuật ngữ như vận động hoặc không vận động có thể bỏ qua khi loại cơn rõ ràng.

– Mô tả bổ sung: Sau khi phân loại cơn dựa trên các biểu hiện ban đầu, người ta khuyến khích mô tả thêm các dấu hiệu và triệu chứng khác, mô tả gợi ý. Những điều này không làm thay đổi loại co giật.

– Hai bên với toàn thể: Sử dụng thuật ngữ “hai bên” cho các cơn co cứng co giật lan cả hai bán cầu và “toàn thể” cho các cơn co giật xuất hiện đồng thời ở cả hai bán cầu.

– Vắng ý thức không điển hình: Vắng ý thức không điển hình nếu có khởi phát và kết thúc chậm, thay đổi trương lực cơ rõ rệt, hoặc gai-sóng trên EEG <3 chu kỳ/ giây.

– Co giật với giật cơ: Co giật có nhịp còn giật cơ thường giật không nhịp nhàng.

– Giật cơ mi mắt: Vắng ý thức với giật cơ mi mắt biểu hiện mi mắt giật lên trên trong cơn vắng ý thức.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top