✴️ Rối loạn giấc ngủ là bệnh gì? Đi tìm nguyên nhân

Hiện nay, rất nhiều người gặp phải tình trạng mất ngủ, ngủ nhiều, ngủ gặp ác mộng hoặc mộng du (rối loạn nhịp giấc ngủ sinh học). Đây là những biểu hiện của bệnh rối loạn giấc ngủ. Để tìm hiểu rối loạn giấc ngủ là bệnh gì, nguyên nhân, triệu chứng và những tác hại của bệnh, bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây.

 

1. Rối loạn giấc ngủ là bệnh gì? Các dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp

Rối loạn giấc ngủ là bất thường gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Có 3 hình thái chủ yếu của rối loạn giấc ngủ là: chứng mất ngủ, chứng ngủ nhiều và tình trạng loạn nhịp thức ngủ. Hoặc có thể chia thành hai nhóm chính là:

Nhóm 1: Rối loạn liên quan đến chất lượng, số lượng và thời điểm giấc ngủ gồm: mất ngủ và ngủ nhiều. 

Nhóm 2: Bất thường xảy ra trong giấc ngủ: gặp ác mộng, mộng du,…

Rối loạn giấc ngủ là những bất thường trong khi ngủ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Các loại mất ngủ chủ yếu là:

1.1 Mất ngủ

Nhiều người than rằng, nằm lên giường trằn trọc mãi, quay hết bên nọ đến bên kia mà vẫn không ngủ được, ngủ không sâu giấc. Mất ngủ khiến những đêm dài thức trắng, muốn chợp mắt mà không có biểu hiện buồn ngủ, vừa chợp mắt được vài phút thì lại tỉnh. Nhiều khi cả ngày không hề có cảm giác buồn ngủ, đêm cũng như ngày. Đặc biệt, mất ngủ không chỉ diễn ra một hoặc hai ngày mà có thể dai dẳng kéo dài từ ngày này qua ngày khác nhiều người thường gọi là “mất ngủ kinh niên” và lâu dần cơ thể mệt mỏi, không tỉnh táo, bơ phờ, mắt thâm quầng, người gầy sút,… Ước mong có được một giấc ngủ ngon là điều mà nhiều người bị mất ngủ vẫn thầm mong ước.

1.2 Ngủ nhiều

Ngược lại, có nhiều người lại ngủ quá nhiều. Thời gian một ngày dành để ngủ có thể 9-10 tiếng mà vẫn buồn ngủ, ngủ nhiều mà người vẫn mệt mỏi, ngủ rũ (buồn ngủ vào ban ngày, ngủ gật thường xuyên, khó tỉnh táo). Nhiều khi áp dụng các biện pháp làm hạ thân nhiệt để tránh buồn ngủ như đi rửa mặt xong một lúc vẫn cảm thấy buồn ngủ. Đây là biểu hiện của chứng chứng ngủ nhiều một dạng của bệnh rối loạn giấc ngủ. 

1.3 Rối loạn nhịp giấc ngủ sinh học

Một số người có hiện tượng mê sảng, mơ thấy ác mộng, mộng du, giật mình khi ngủ xong một lúc mới ngủ tiếp được hoặc có những hiện tượng bất thường xảy ra trong giấc ngủ. 

Đây là 3 dạng điển hình của người mắc bệnh lý rối loạn giấc ngủ. 

Theo thống kê, có đến 80% số bệnh nhân đến khám bệnh lý về thần kinh đều có biểu hiện rối loạn giấc ngủ như: mất ngủ trong thời gian ngắn hoặc dài, ngủ gà ngủ gật, khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc hay bị giật mình, ngủ mơ thấy ác mộng,…. Trong đó khoảng 5% người bệnh đến viện thăm khám trong tình trạng rối loạn giấc ngủ đã quá nặng để lại những hậu quả nặng nề. 

 

2. Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ

Rối loạn rất ngủ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Một số nguyên nhân có thể gây rối loạn giấc ngủ như:

– Rối loạn tâm thần: trầm cảm, stress, rối loạn lo âu,…

– Đau khớp

– Viêm loét dạ dày tá tràng

– Lạm dụng thuốc và các chất kích thích

– Rối loạn sinh hoạt (giờ giấc ngủ, lối sống sinh hoạt chưa đúng)

– Môi trường sống

– Không rõ nguyên nhân

Căng thẳng, stress có thể là nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ.

 

3. Tác hại mà rối loạn giấc ngủ gây ra

Rối loạn giấc ngủ gây nếu không được điều trị, sẽ để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Cụ thể,

– Mất ngủ, ngủ nhiều, rối loạn nhịp giấc ngủ kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi

– Bệnh nhân thường thiếu tập trung, giảm năng suất lao động, hiệu quả học tập, làm việc

– Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như trầm cảm, lo âu, tim mạch, đái tháo đường, béo phì,…

 

4. Nói mớ có phải là rối loạn giấc ngủ không?

Nói mơ khi ngủ (hay còn gọi là nói mớ) cũng là một rối loạn giấc ngủ. Người mắc chứng này sẽ lẩm bẩm trong miệng, hoặc nói chuyện trong giấc ngủ mà không ý thức được việc mình nói, khi tỉnh dậy cũng không nhớ gì về việc đó. 

4.1 Nguyên nhân

Nói mớ thường hay gặp ở trẻ nhỏ, khi cơ thể bé mệt mỏi, thần kinh căng thẳng, ốm hoặc sốt cao, thiếu ngủ dễ khiến trẻ nói mơ. Trẻ quá phấn khích với một điều gì đó như một chuyến đi du lịch hoặc một lời hứa về một món đồ chơi mà bé yêu thích, cũng có thể khiến trẻ nói mớ. Nếu hiện tượng này không xảy ra thường xuyên thì đây là một hiện tượng sinh lý bình thường, ba mẹ đừng quá lo lắng. Bé chưa cần phải sử dụng thuốc hay điều trị, vấn đề là cần phải làm cho tình thần của bé thoải mái, loại bỏ những yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của con.

4.2 Cách xử trí

Ba mẹ nên tạo lập, chăm sóc sức khỏe cho trẻ để con một thể trạng và tâm lý khỏe mạnh bằng cách ăn uống đủ chất, học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, thư giãn và tránh căng thẳng.

Nếu hiện tượng này thỉnh thoảng mới xảy ra thì không đáng lo, nhưng nếu chúng diễn ra thường xuyên, trẻ liên tục nói mơ, thậm chí là khóc lóc thì ba mẹ cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt cho trẻ, cho con đi thăm khám với bác sĩ nhi, bác sĩ thần kinh hoặc bác sĩ nhi chuyên về thần kinh vì khi hiện tượng này kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống ban ngày của trẻ như gây mệt mỏi, kém tập trung, ám ảnh tâm lý. 

Người lớn cũng có thể bị nói mớ, nếu kéo dài bạn nên đi thăm khám với bác sĩ nội thần kinh để tìm ra nguyên nhân.

 

5. Chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ

5.1 Chẩn đoán

Nếu có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh. Bác sĩ sẽ khám lâm sàng (hỏi tình trạng, tiền sử bệnh lý, đo nhịp tim, huyết áp,  một số thao tác kiểm tra cơ bản).

Sau đó bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các thăm khám cận lâm sàng giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh hiệu quả như:

– Chụp X quang

– Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính)

– Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ)

– Điện tim

– Điện não

5.2 Điều trị rối loạn giấc ngủ

Hiện nay rối loạn giấc ngủ đã có nhiều phương pháp can thiệp, có nhiều loại thuốc để điều trị. Để tìm ra được phương pháp điều trị tốt nhất phải tìm được nguyên nhân – bắt đúng nguyên nhân mới có thể điều trị trúng đích. Vì vậy, khi thấy những bất thường về giấc ngủ, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và kê toa chính xác thay vì tự ý điều trị sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. 

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu được rối loạn giấc ngủ là bệnh gì. Bệnh này tuy khó chữa khỏi nhưng có thể cải thiện với sự giúp đỡ của các chuyên gia nội thần kinh. Vì vậy, hãy thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top