✴️ Tâm thần phân liệt

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia của Mỹ (NIMH), tâm thần phân liệt khá hiếm xảy ra với tỉ lệ khoảng 0,25% đến 0,64% người dân ở Mỹ. Nó có thể có tác động sâu sắc đến cuộc sống người bệnh cũng như cuộc sống của những người xung quanh.

Các triệu chứng thường xuất hiện ở độ tuổi từ cuối tuổi thiếu niên đến đầu tuổi 30. Bệnh có xu hướng phát triển ở nam sớm hơn ở nữ.

Trong một số trường hợp, những hành vi bất thường được biểu hiện từ thời thơ ấu nhưng chúng được bộc lộ rõ hơn khi lớn lên. Ở các trường hợp khác, các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột.

Tâm thần phân liệt kéo dài suốt đời nhưng điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.

1. Triệu chứng

Triệu chứng của tâm thần phân liệt biểu hiện khác nhau theo từng người bệnh nhưng một số triệu chứng chung như:

  • Lời nói khó hiểu khiến người khác khó hiểu
  • Thiếu biểu cảm trên khuôn mặt
  • Thiếu cảm xúc
  • Mất hứng thú
  • Khó tập trung
  • Rối loạn tâm thần, chẳng hạn như hoang tưởng và ảo giác

Trước khi gặp những triệu chứng này, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu, lo lắng, thiếu tập trung.

Một trong số những triệu chứng chính của tâm thần phân liệt:

Hoang tưởng: xảy ra khi người bệnh tin rằng điều gì đó là đúng khi không có bằng chứng chắc chắn cho điều đó. Ví dụ, họ có thể tin rằng:

  • Họ rất quan trọng
  • Ai đó đang theo đuổi họ
  • Những người khác đang cố gắng kiểm soát họ từ xa
  • Họ có sức mạnh hoặc khả năng phi thường

Ảo giác: xảy ra ở một số bệnh nhân. Loại phổ biến nhất là nghe thấy giọng nói, nhưng ảo giác có thể xảy ra ở tất cả các giác quan. Ví dụ: người bệnh cũng có thể nhìn, cảm thấy, nếm hoặc ngửi những thứ không thực sự ở đó.

Suy nghĩ và lời nói khó hiểu: người bệnh có thể chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác một cách không liên quan. Do đó, người nghe có thể không hiểu được những gì họ đang cố gắng truyền đạt. Điều này cũng có thể do người bệnh có rối loạn trí nhớ, khó tiếp thu và sử dụng thông tin.

Các triệu chứng khác

Động lực: người bệnh có thể bỏ bê các hoạt động hàng ngày, bao gồm cả việc tự chăm sóc bản thân. Họ cũng có thể bị rối loạn vận động, khó có thể nói chuyện hoặc cử động.

Biểu hiện cảm xúc: Người bệnh có thể biểu hiện cảm xúc không phù hợp với những sự kiện vui hoặc buồn.

Đời sống xã hội: Người bệnh có thể e dè về mặt xã hội, có thể do lo sợ rằng ai đó sẽ làm hại họ.

Giao tiếp: Suy nghĩ và cách nói khác thường của người bệnh có thể khiến họ khó giao tiếp với người khác.

Nhiều người bị tâm thần phân liệt không nhận ra rằng họ bị bệnh. Người bệnh có thể cho rằng ảo giác và hoang tưởng đều là thật, điều này có thể gây khó khăn cho việc thuyết phục bệnh nhân điều trị. Họ có thể sợ các tác dụng phụ hoặc tin rằng thuốc sẽ gây hại cho họ.

Bệnh tâm thần phân liệt thường xuất hiện từ cuối độ tuổi thanh thiếu niên trở đi, nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em.

2. Nguyên nhân

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia của Mỹ (NIMH), tâm thần phân liệt có thể phát triển khi có sự phối hợp giữa yếu tố di truyền và các yếu tố bên ngoài. Tất cả các yếu tố sau đây có thể góp phần vào sự phát triển bệnh tâm thần phân liệt:

Yếu tố di truyền: nếu tiền sử gia đình không có ai bị tâm thần phân liệt thì nguy cơ phát triển bệnh là dưới 1%. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên nếu có cha hoặc mẹ được chẩn đoán tâm thần phân liệt.

Mất cân bằng sinh hoá: tâm thần phân liệt dường như phát triển khi có sự mất cân bằng của chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và có thể cả serotonin trong não.

Yếu tố bên ngoài: các yếu tố bên ngoài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt bao gồm:

  • Chấn thương trong khi sinh
  • Suy dinh dưỡng trước khi sinh
  • Nhiễm virus
  • Các yếu tố tâm lý chẳng hạn như sang chấn tâm lý

Một số loại thuốc và dược phẩm: năm 2017, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy một số chất trong cần sa có thể kích hoạt bệnh tâm thần phân liệt ở những người có nguy cơ. Tuy nhiên, những người khác cho rằng người bị tâm thần phân liệt có thể có xu hướng sử dụng cần sa hơn.

3. Điều trị

Tâm thần phân liệt là bệnh mãn tính nhưng nếu được điều trị hiệu quả có thể giúp người bệnh cải thiện triệu chứng, phòng ngừa tái phát và tránh nhập viện.

Biểu hiện của bệnh đối với từng bệnh nhân là khác nhau, do đó bác sĩ sẽ điều chỉnh việc điều trị cho phù hợp với từng người.

Một số phương pháp điều trị tiêu biểu như:

Thuốc chống loạn thần: thuốc uống có thể được sử dụng hàng ngày hoặc nếu dùng thuốc tiêm thì tần suất sẽ ít hơn, có thể là khoảng 3 tháng giữa các lần tiêm (tuỳ thuộc vào loại thuốc).

Tham vấn trị liệu: giúp bệnh nhân phát triển các kỹ năng ứng phó và thực hiện các mục tiêu sống của họ.

Phối hợp chăm sóc đặc biệt: kết hợp cùng với việc điều trị thuốc, sự tham gia của gia đình, các chương trình giáo vục nhằm hướng tới chăm sóc toàn diện.

Một số loại thuốc điều trị tâm thần phân liệt phổ biến như:

  • Risperidone (Risperdal)
  • Olanzapine (Zyprexa)
  • Quetiapine (Seroquel)
  • Ziprasidone (Geodon)
  • Clozapine (Clozaril)
  • Haloperidol (Haldol)

Nhiều loại thuốc kể trên có các tác dụng phụ biểu hiện như triệu chứng về thần kinh và tăng cân. Tuy nhiên, các loại thuốc thế hệ mới có thể có ít tác dụng phụ hơn.

Điều quan trọng trong việc điều trị là người bệnh phải tiếp tục sử dụng thuốc ngay cả khi các triệu chứng được cải thiện. Nếu họ ngưng thuốc thì các triệu chứng có thể trở lại.

4. Phân loại

Trước đây, tâm thần phân liệt được chia thành các loại khác nhau như tâm thần phân liệt hoang tưởng và rối loạn phân liệt. Tuy nhiên, ngày nay các phân loại này không còn được áp dụng nữa.

5. Chẩn đoán

Tâm thần phân liệt không có xét nghiệm nào để chấn đoán mà dựa vào những biểu hiện của hành vi cư xử, tiền sử sức khoẻ về thể chất, tinh thần của người bệnh. Tuy nhiên, một số xét nghiệm có thể được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân có thể gây ra vấn đề ở bệnh nhân như khối u, tổn thương não hay các bệnh lý tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn lưỡng cực.

Tiêu chuẩn chẩn đoán: dựa theo DSM-V (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders), một người được chẩn đoán tâm thần phân liệt khi có ít nhất 2 trong các triệu chứng sau trong 1 tháng:

  • Hoang tưởng
  • Ảo giác
  • Không kiểm soát hành vi và ngôn ngữ
  • Các triệu chứng tiêu cực, chẳng hạn như ngôn ngữ nghèo nàn, cảm xúc cùn mòn hoặc mất hứng thú

Để chẩn đoán tâm thần phân liệt, bệnh nhân cần có ít nhất 1 trong 3 triệu chứng đầu.

Người bệnh cũng có thể bị suy giảm đáng kể các hoạt động thường ngày như trong học tập, công việc, kết nối với những người xung quanh hoặc khả năng tự chăm sóc bản thân và các triệu chứng phải kéo dài từ 6 tháng trở lên.

Các triệu chứng phải không do nguyên nhân bởi các bệnh lý nào khác, thuốc kê đơn hay do sử dụng các chất khác.

6. Tiên lượng

Tâm thần phân liệt là bệnh mãn tính và có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề lên cuộc sống của người bệnh và những người xung quanh họ.

Việc điều trị có thể giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng, bên cạnh đó sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và các dịch vụ xã hội cũng giúp ích cho người bệnh.

Bất kỳ ai chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể giúp đỡ họ bằng cách phát hiện sớm khi tái phát, khuyến khích người bệnh tuân thủ điều trị và hỗ trợ họ thông qua những kinh nghiệm của bản thân.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top