✴️ Tăng áp lực nội sọ

Nội dung

Tăng áp lực nội sọ là gì?

Hộp sọ là một khoang cố định chứa ba thành phần chính: máu, dịch não tủy và mô não. Khi thể tích của một trong những thành phần này tăng lên, thể tích của các thành phần khác phải giảm xuống để duy trì mức áp lực không đổi.

Cơ chế tự điều hòa áp lực của não đảm bảo môi trường nội sọ luôn ở mức cân bằng. Tuy nhiên nếu sự thay đổi diễn ra quá cực đoan, hoặc quá nhanh, vượt quá khả năng tự điều chỉnh và bù trừ của não sẽ dẫn đến tăng áp lực nội sọ .

Tăng tăng áp lực nội sọ rất có hại vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến áp lực tưới máu não. Áp lực tưới máu não được tính bằng công thức lấy áp lực động mạch trung bình trừ đi áp lực nội sọ. Nói cách khác, áp lực tưới máu não = áp lực động mạch trung bình - áp lực nội sọ. Nếu áp lực tưới máu não giảm xuống sẽ làm giảm tưới máu và trao đổi oxy ở mô não. Thêm vào đó,  áp lực nội sọ tăng cao quá mức có thể dẫn đến lệch/thoát vị não, nhu mô não bị đẩy xuống phía dưới qua lỗ chẩm lớn, khiến cuống não bị chèn ép và thiếu oxy, cuối cùng dẫn đến tử vong.


Điều trị tăng áp lực nội sọ

Mục tiêu điều trị tăng áp lực nội sọ là tăng  áp lực tưới máu não >60 mmHg và giảm áp lực nội sọ <20 mmHg. Tuy nhiên trên thực tế, các bác sỹ cấp cứu hiếm khi đo được áp lực nội sọ chính xác của bệnh nhân (đòi hỏi có monitor áp lực nội sọ chuyên dụng). Do đó, việc nghi ngờ tăng áp lực nội sọ thường được nhận biết dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng và cơ chế tổn thương. Bác sĩ cần quan sát, phát hiện những thay đổi về trạng thái tinh thần: kích động hay thờ ơ, dấu hiệu thần kinh khu trú, đồng tử không đều, mất phản xạ hoặc tam chứng Cushing điển hình bao gồm: mạch chậm, huyết áp tăng cao, và nhịp thở bất thường.
Nên nghi ngờ có tăng áp lực nội sọ đặc biệt ở các bệnh nhân bị chấn thương (do chảy máu nội sọ hoặc phù não), những bệnh nhân THA có thay đổi trạng thái tinh thần hoặc đau đầu dữ dội (chảy máu nội sọ), hoặc những bệnh nhân đang điều trị chống đông có thay đổi trạng thái tinh thần, đau đầu hoặc triệu chứng thần kinh khu trú. Bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ lan rộng cũng có thể bị tăng áp lực nội sọ do những mô não chết trở nên phù nề. Đối với các bệnh nhân có u não, tình trạng bệnh nhân có thể xấu đi nhanh chóng, đột ngột do áp lực nội sọ tăng cấp tính vì phù não. Não úng thủy cấp tính có thể xuất hiện ở những bệnh nhân điều trị đặt shunt não thất bại hoặc chảy máu dưới nhện (SAH).

Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ, việc đầu tiên là giữ đường thở thông thoáng, khôi phục hô hấp và tuần hoàn (ABC). Tiếp theo cần giải quyết tình trạng hạ oxy máu và tụt huyết áp vì đây là hai yếu tố gây tổn hại cho mô não. Đặt nội khí quản sớm nếu bạn dự đoán tình trạng của bệnh nhân sẽ trở nên xấu đi. Nếu trì hoãn đặt nội khí quản hoặc đặt muộn, tình hình có thể xấu đi nhanh chóng và bệnh nhân bắt đầu ứ CO2, dẫn đến giãn mạch máu não. Điều này càng làm tăng áp lực nội sọ ở bệnh nhân bị tổn thương não. Cần hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa thần kinh vì nhiều khả năng bệnh nhân có thể cần can thiệp bằng phẫu thuật hoặc cần theo dõi áp lực nội sọ. Kiểm tra tiền sử rối loạn đông máu, và xử lý bất cứ rối loạn đông máu nào có thể can thiệp được, tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng nhiều loại thuốc chống đông máu thế hệ mới không thể phát hiện thông qua xét nghiệm máu, thậm chí rất khó để đảo ngược tác dụng của chúng.

Nâng đầu giường chếch lên từ 30 - 45 độ và giữ thẳng cổ. Các triệu chứng như sốt, đau, kích động, và chống thở máy đều làm tăng áp lực nội sọ, vì vậy cần xử lý những vấn đề này một cách tích cực. Có thể tăng thông khí cho bệnh nhân (cho thở nhanh nhằm điều chỉnh PaCO2 từ 30-35 mmHg) nhưng đây chỉ là một biện pháp tạm thời, không nên kéo dài quá một giờ.

Liệu pháp rút nước bằng dung dịch ưu trương (hypertonic therapy) là phương pháp điều trị chính cho tình trạng tăng áp lực nội sọ. Có thể đạt được bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ Mannitol là thuốc lợi tiểu thẩm thấu. Thuốc giúp kéo nước từ nhu mô não vào trong mạch máu (giúp giảm áp lực nội sọ) và sau đó hoạt động như thuốc lợi tiểu (bài tiết nước ra ngoài).
Liều dùng để giảm áp lực nội sọ cấp tính là 1g/kg thể trọng dung dịch 20% truyền trong 20 phút, nhưng cũng có thể truyền nhanh hơn trong những trường hợp cụ thể. Thuốc có thể truyền qua tĩnh mạch ngoại vi hoặc tĩnh mạch trung tâm. Mannitol thường mất 5 – 10 phút để hòa tan vì chúng ở dạng kết tinh. Chính vì vậy bạn cần thông báo cho y tá của bạn trước nếu bạn nghĩ sẽ cần sử dụng nó.
Trước khi truyền mannitol, nồng độ natri và áp lực thẩm thấu của huyết thanh cần đạt mức cơ bản. Hướng điều trị tiếp theo sẽ tùy thuộc vào các giá trị này. Dự kiến lượng nước tiểu sẽ rất cao do đó cần đặt sonde foley theo dõi nước tiểu. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng bí tiểu, có thể góp phần tăng thêm áp lực nội sọ của bệnh nhân. Không dùng mannitol cho những người bị hạ huyết áp vì nó thường gây tụt huyết áp nhẹ. Cần ghi nhớ luôn luôn bù dịch cho bệnh nhân khi dùng mannitol lâu dài do thuốc gây mất nước. Tránh sử dụng mannitol ở bệnh nhân suy thận, vì thuốc làm giảm chức năng thận.
Một tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra khi dùng mannitol là tăng áp lực nội sọ dội ngược, điều này xảy ra nếu thuốc bị mất tác dụng hoặc khi ngừng dùng thuốc, khi đó nước sẽ di chuyển ngược từ mạch máu vào trong nhu mô não.

 

Dung dịch muối ưu trương có cơ chế hoạt động tương tự như mannitol, và đem lại tác dụng nhanh chóng trong vòng từ 5-10 phút. Tuy nhiên nó không có tác dụng lợi tiểu, do đó dung dịch muối ưu trương là chất làm tăng thể tích huyết tương tốt hơn. Vì lý do này, muối ưu trương thường được sử dụng cho những bệnh nhân gặp vấn đề về tụt huyết áp hoặc mất thể tích, hoặc trong trường hợp cần tăng cung lượng tim. Muối ưu trương cũng được ưa dùng hơn mannitol ở những bệnh nhân suy thận. Dung dịch này cũng không gây ra tăng áp lực nội sọ dội ngược như mannitol. Tuy nhiên, cần sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân bị quá tải dịch
 Nhược điểm chính của dung dịch muối ưu trương là hầu như dung dịch này phải được truyền qua tĩnh mạch trung tâm do lo ngại gây tổn thương các mạch máu và mô. Trong trường hợp tăng áp lực nội sọ tối cấp, cần cân nhắc những rủi ro và lợi ích. Trong một số tình huống nhất định, có thể truyền dung dịch muối ưu trương 3% bắt đầu từ tĩnh mạch ngoại vi trong khi đang đặt CVC. Một cách khác là truyền dung dịch nồng độ 2% theo đường tĩnh mạch ngoại vi.
Liều khuyến cáo cho dung dịch muối ưu trương chưa được nghiên cứu cụ thể như với mannitol. Khi cần giảm áp lực nội sọ khẩn cấp, người ta thường dùng liều bolus từ 250 – 500 mL dung dịch muối 3%, hoặc 30 mL dung dịch 23.4%. Giống như mannitol, việc quyết định hướng điều trị tiếp theo dựa trên kết quả phân tích nồng độ natri hiện tại và áp lực thẩm thấu huyết thanh.

Có thể bạn quan tâm: Điều trị đau bằng sóng vô tuyến RFA

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top