✴️ Tìm hiểu nguyên nhân gây mất ngủ về sáng ở nhiều người

Nội dung

1. Mất ngủ lúc gần sáng thường do những nguyên nhân nào?

Hiện nay, tỷ lệ người bệnh bị mất ngủ đang không ngừng tăng lên, đặc biệt là ở giới trẻ khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Rất nhiều trường hợp gặp tình trạng mất ngủ lúc khoảng 4 – 5 giờ sáng. Lúc này, người bệnh tỉnh giấc và thường cảm thấy cơ thể mệt mỏi, rất khó có thể tiếp tục chìm vào giấc ngủ trở lại. Kèm theo đó là các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn…

Nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên bị mất ngủ gần sáng có thể là:

1.1 Mất ngủ về sáng do rối loạn tinh thần

Hầu hết những người bị rối loạn tinh thần, có nhiều phiền muộn, căng thẳng, stress quá mức, trầm cảm… sẽ rất dễ bị mất ngủ lúc gần sáng. Người bệnh thường xuyên rơi vào trạng thái lo lắng, bất an, cơ thể mệt mỏi, sức khỏe giảm sút, hoa mắt, chóng mặt… Với tình trạng này, nếu người bệnh không kiểm soát kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Tỉnh giấc lúc gần sáng và không ngủ lại được cho thấy sức khỏe đang gặp nhiều vấn đề.

1.2 Gan hoạt động quá công suất

Nếu người bệnh bị mất ngủ vào khoảng 1 – 3 giờ sáng thì nguy cơ gan hoạt động quá mức là rất cao. Đây là khoảng thời gian gan thực hiện nhiệm vụ đào thải các độc tố ra ngoài cơ thể. Một khi chức năng gan không đảm bảo, các chất độc trong cơ thể không đẩy được ra ngoài sẽ khiến người bệnh bị mất ngủ thường xuyên.

1.3 Chức năng phổi suy giảm

Vào khoảng 3 – 5 giờ sáng, phổi sẽ hoạt động mạnh mẽ để đào thải chất độc. Nếu chức năng phổi yếu, không đảo bảo sẽ khiến người bệnh bị khó thở, ho dữ dội. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên khó ngủ, mất ngủ lúc gần sáng. Nếu tình trạng ho diễn ra trong thời gian dài sẽ càng khiến người bệnh bị mất ngủ nhiều hơn.

1.4 Chế độ ăn uống thiếu khoa học

Người bệnh thức giấc vào khoảng 4 – 5 giờ sáng rất có thể do chế độ ăn uống không đảm bảo. Ăn uống quá muộn, sau khi ăn xong ngồi một chỗ và không hoạt động, ăn quá nhiều sẽ khiến cơ thể không kịp hấp thụ chất dinh dưỡng. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, làm đầy bụng, khó chịu mà còn khiến người bệnh mất ngủ, ngủ không ngon giấc.

1.5 Sử dụng thiết bị điện tử

Xem điện thoại, tivi, máy tính nhiều, đặc biệt trước khi đi ngủ chính là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên bị mất ngủ vào lúc gần sáng. Ánh sáng phát ra từ các thiết bị này sẽ làm ảnh hưởng đến não bộ. Não sẽ hoạt động như khi người bệnh đang làm việc bình thường. Đồng thời, mắt nếu tiếp xúc quá lâu với ánh sáng xanh sẽ gây rối loạn giấc ngủ, thậm chí là mất ngủ triền miên ở người bệnh.

1.6 Làm việc quá khuya là nguyên nhân gây mất ngủ về sáng

Những người làm việc quá khuya sẽ rất dễ bị căng thẳng đầu óc, mệt mỏi. Nếu tập trung và làm việc nhiều sẽ khiến sóng beta trong não bộ phát ra trong một thời gian dài. Tình trạng này làm cho người bệnh có cảm giác bất an, bồn chồn, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, đặc biệt là vào lúc gần sáng.

1.7 Ăn thực phẩm có hại cho sức khỏe

Thường xuyên sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, bia, rượu… cũng khiến người bệnh bị mất ngủ lúc gần sáng. Ngoài ra, một số thực phẩm chứa nhiều chất béo hay quá ngọt cũng rất dễ khiến cho chất melatonin (hormone điều chỉnh giấc ngủ) tăng lên, gây mất tập trung và ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ.

1.8 Một số vấn đề khác

Ngoài những nguyên nhân kể trên, một số vấn đề về sức khỏe khác cũng có thể là nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên tỉnh giấc về sáng và không ngủ lại được như:

– Thiếu máu lên não

– Thiếu vitamin D

– Mỡ bụng dư thừa

– Lão hóa sớm

Phổi hoạt động yếu là một trong những lý do khiến người bệnh bị mất ngủ lúc gần sáng.

 

2. Cần làm gì để cải thiện chứng mất ngủ về sáng?

Tình trạng mất ngủ lúc gần sáng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến người bệnh mắc một số căn bệnh nguy hiểm như rối loạn thần kinh, phổi, tim mạch… Thậm chí, người bệnh có thể tử vong nếu bị mất ngủ triền miên trong thời gian dài. Để kiểm soát tình trạng mất ngủ lúc gần sáng, người bệnh cần thực hiện một số điều sau:

2.1 Những điều không nên làm

Một số thói quen xấu sau khi tỉnh giấc cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh không thể ngủ được tiếp. Do đó, cần tuyệt đối không nên làm những điều sau đây:

– Lướt điện thoại: Thức giấc và lướt điện thoại là thói quen hầu hết người trẻ hiện nay. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại lúc này sẽ càng làm người bệnh tỉnh táo hơn và không thể trở lại giấc ngủ.

– Uống nước đá: Khi vô tình tỉnh giấc, người bệnh thường có cảm giác cực kỳ khát nước, khô rát họng và uống nhiều nước lạnh. Việc uống nhiều nước vừa khiến người bệnh muốn đi vệ sinh nên không ngủ được, vừa làm kích thích sự tỉnh táo hơn.

– Mở đèn sáng hay kéo rèm: Ánh sáng làm não bộ nhầm lẫn giữa thời gian ban ngày và ban đêm khiến lượng melatonin bị giảm sút. Khi đó, người bệnh sẽ không còn cảm giác buồn ngủ và dẫn đến mất ngủ lúc gần sáng.

– Xem đồng hồ: Xác nhận thời gian khi vô tình thức giấc khiến não bộ có những suy nghĩ, lo lắng về thời gian và áp lực hơn. Hơn thế nữa, điều này cũng làm cản trở việc người bệnh tìm lại giấc ngủ đang dở dang lúc gần về sáng.

Tránh xa điện thoại là phương pháp giúp nhanh chóng quay lại cơn buồn ngủ lúc gần sáng.

2.2 Những điều nên làm

Khi các triệu chứng mất ngủ về sáng và không ngủ lại được diễn ra thường xuyên, người bệnh nên kiểm soát chúng bằng một số phương pháp sau:

– Nằm yên tại chỗ: Thay vì lướt điện thoại, xem đồng hồ, suy nghĩ linh tinh hay đi lại trong phòng, người bệnh nên nằm yên tại chỗ để tâm trí thư giãn, thả lỏng, từ đó giấc ngủ cũng nhanh chóng quay trở lại.

– Đặt báo thức từ hôm trước: Để tránh việc xem đồ hồ do sợ muộn giờ, nên đặt báo thức từ trước. Điều này sẽ giúp người bệnh yên tâm ngủ nếu vô tình tỉnh giấc vì biết chắc chắn báo thức chưa hoạt động.

– Uống một ít nước ấm: Nếu cảm thấy cực kỳ khát nước và buộc phải dậy uống nước, hãy lựa chọn nước ấm. Nước ấm sẽ giúp thư giãn các cơ quan, thả lỏng cơ thể để chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

– Thực hiện mọi việc một cách nhanh chóng: Não bộ cũng cần một khoảng thời gian để tỉnh táo, vì vậy cần thực hiện mọi việc như uống nước hay đi vệ sinh thật nhanh chóng trước khi đầu óc thoát khỏi cơn buồn ngủ.

Nằm im và không làm gì để quay trở lại giấc ngủ.

Trên đây là những nguyên nhân và các biện pháp giúp cải thiện chứng mất ngủ về sáng. Người bệnh cũng cần lưu ý các phương pháp này chỉ mang tính chất hỗ trợ, để loại bỏ tình trạng mất ngủ cần điều trị triệt để các bệnh lý liên quan. Việc điều trị từ sớm có ý nghĩa quan trọng và cần thiết giúp tăng cường sức khỏe, hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top