Suy thận độ 2 là gì?
Ở người bị suy thận độ 2, mặc dù thận đã bị những tổn thương nhất định, nhưng có rất ít hoặc không xuất hiện triệu chứng nào. Do đó, để chẩn đoán chính xác mức độ suy thận, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mức độ lọc máu của thận (GFR). Chẩn đoán bệnh suy thập cấp độ 2 được kết luận khi:
- Chức năng thận bị mất từ 40 -50%.
- Mức độ lọc máu của thận (GFR ) giảm xuống dưới 90%, còn 60 – 89ml/phút.
Ở giai đoạn này, thận không hoạt động 100% “công suất”, nhưng rất khó để người mắc nhận biết được bệnh. Thường thì suy thận ở mức độ 2 được vô tình phát hiện khi làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh khác như: Tiểu đường, huyết áp cao – hai nguyên nhân hàng đầu gây suy thận.
Các phương pháp chữa suy thận độ 2
Phương pháp điều trị suy thận độ 2 chủ yếu là dùng thuốc để kiểm soát các chỉ số, kết hợp với lối sống lành mạnh.
Thường xuyên kiểm tra protein trong nước tiểu và creatinin huyết thanh có thể kiểm soát được sự tiến triển của bệnh. Song song với đó, một lối sống lành mạnh sẽ tăng hiệu quả điều trị, làm chậm sự tiến triển của suy thận.
Các loại thuốc tây sử dụng trong điều trị suy thận
- Thuốc làm giảm nồng độ cholesterol như: Losvatatin, simvastatin, fluvastatin, atorvastatin, …
- Thuốc kiểm soát huyết áp cao như: Losartan, candesartan, azilsartan hoặc nhóm ức chế men chuyển,… giúp chuyển hóa năng lượng, ổn định huyết áp và ngăn cản sự tiến triển của bệnh.
- Thuốc cải thiện tình trạng thiếu máu: Bệnh nhân thường được chỉ định sử dụng thuốc erythropoietin hormone. Loại thuốc này làm tăng sản xuất tế bào hồng cầu và hỗ trợ điều trị suy thận.
- Thuốc làm giảm ứ đọng dịch, hay giảm tình trạng phù như furosemide.
Thực hiện chế độ ăn lành mạnh nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng
- Ăn nhiều loại ngũ cốc, nhất là ngũ cốc nguyên cám, rau xanh và các loại trái cây tươi.
- Hạn chế những loại đồ ăn nhiều chất béo bão hòa và cholesterol.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều đường và muối.
- Bổ sung đủ lượng calo cơ thể cần.
- Thường xuyên tập thể dục để duy trì cân nặng và sức khỏe.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu nồng độ kali và phốt pho trong máu cao, người bệnh nên hạn chế dùng các loại thực phẩm chứa nhiều 2 chất này như: Chuối, cam, khoai tây, rau chân vịt,…
Duy trì huyết áp và lượng đường trong máu ở mức an toàn
- Huyết áp 125/75 mmHg cho những người mắc bệnh tiểu đường.
- Huyết áp 130/85 mmHg cho người không bị tiểu đường và không có protein niệu.
- Huyết áp 125/75 mmHg đối với người không bị tiểu đường nhưng bị protein niệu.
Bên cạnh những phương pháp điều trị suy thận độ 2 kể trên, người bệnh cần lưu ý:
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Không hút thuốc lá và dùng các chất kích thích.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp