✴️ Viêm não mô cầu

Nội dung

Viêm màng não mô cầu là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh não mô cầu là một bệnh nhiễm trùng máu do vi khuẩn Neisseria meningitidis.

Khi người bệnh bị não mô cầu, vi khuẩn xâm nhập vào máu và tăng sinh, làm tổn thương các mạch máu trên khắp cơ thể gây chảy máu vào da và các cơ quan có thể dẫn đến phát ban diện rộng.

Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ ai, tuy nhiên trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi và thanh thiếu niên có nguy cơ cao nhất.

Tình trạng này thường xảy ra cùng với viêm màng não do não mô cầu. Tỷ lệ tử vong đối với bệnh não mô cầu lên tới 40%.

Triệu chứng của viêm màng não mô cầu

Có thể mất từ ​​2 đến 10 ngày kể từ khi tiếp xúc với vi khuẩn trước khi người bệnh bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm não mô cầu. Bất cứ ai có triệu chứng sớm phải liên hệ với bác sĩ ngay lập tức vì căn bệnh này có thể nhanh chóng đe dọa đến tính mạng. Trong giai đoạn sớm, bệnh não mô cầu gây ra các triệu chứng giống cúm bao gồm:

  • Sốt và ớn lạnh;
  • Mệt mỏi, cáu gắt;
  • Tay chân lạnh, đau cơ hoặc khớp;
  • Thở nhanh, buồn nôn hoặc nôn.

Viêm họng, viêm amidanviêm thanh quản cũng có thể xảy ra trong giai đoạn này. Đây là tất cả các dấu hiệu ban đầu khi vi khuẩn xâm nhập lớp niêm mạc ở phía sau cổ họng.

Đặc trưng của bệnh là phát ban xuất huyết xuất hiện trên da không phai hoặc không mất màu khi ấn vào nốt phát ban. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị phát ban. Trẻ sơ sinh cũng có thể có các triệu chứng khác như thóp phồng và xuất hiện yếu cơ không đều 2 bên.

     triệu chứng bệnh não mô cầu

Nguyên nhân

Viêm màng não xảy ra khi N.meningitidis xâm nhập vào máu làm tổn thương các mạch máu, gây chảy máu vào da và các cơ quan.

Tuy nhiên, người bị nhiễm những vi khuẩn này sẽ không phải lúc nào cũng mắc bệnh viêm màng não mô cầu. Theo các chuyên gia, các trường hợp vi khuẩn xâm nhập vào máu chiếm chưa đầy 1% số trường hợp.

Theo Tổ chức nghiên cứu viêm màng não Canada, có tới 20% số người mang vi khuẩn N. meningitidis ở phía sau mũi và họng mà không có triệu chứng. Tuy nhiên, người mang mầm bệnh có thể truyền vi khuẩn cho người khác.

Vi khuẩn lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với những giọt nước bọt, dịch từ mũi hoặc miệng của một người mang mầm bệnh thông qua:

  • Ho, hắt xì;
  • Hôn;
  • Gắp chung thức ăn, dùng chung đồ uống;
  • Sử dụng chung son môi, thuốc lá, hoặc bàn chải đánh răng.

N. meningitidis cũng có thể gây viêm màng não do não mô cầu ảnh hưởng đến các màng bao quanh não và tủy sống và có thể xảy ra cùng lúc với nhiễm khuẩn máu (meningococcemia).

Chẩn đoán bệnh não mô cầu

Chẩn đoán bệnh não mô cầu ở giai đoạn sớm còn hạn chế, vì dễ nhầm với một số triệu chứng nhẹ hơn do cảm lạnh hoặc cúm. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị kháng sinh để phòng ngừa nếu  nghi ngờ có bệnh viêm màng não mô cầu.

Hầu hết các trường hợp nhiễm não mô cầu gây ra những thay đổi rõ rệt trên da cùng với các triệu chứng khác. Có thể phát hiện các dấu hiệu của bệnh não mô cầu bằng cách kiểm tra sự thay đổi khi ấn nhẹ lên các nốt ban trên cơ thể.

Những người có làn da sẫm màu nên đặc biệt chú ý đến lòng bàn chân và lòng bàn tay hoặc các phần sáng hơn của da nơi phát ban sẽ rõ hơn.

Xét nghiệm

Có thể lấy dịch não tủy hoặc dịch ở nốt phát ban để kiểm tra vi khuẩn não mô cầu bằng phương pháp nhuộm gram -  là xét nghiệm sử dụng thuốc nhuộm trên mẫu để xác định vi khuẩn.

Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) có thể phát hiện DNA của meningitidis trong máu, ngay cả trong giai đoạn sớm nhất của bệnh.

Điều trị

Viêm màng não mô cầu cần điều trị khẩn cấp bằng kháng sinh. Với điều trị nhanh chóng, chính xác và kịp thời thì bệnh não mô cầu ít có khả năng trở nên đe dọa tính mạng.

Các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị ngay cả nghi ngờ nhiễm não mô cầu bằng kháng sinh do mức độ nghiêm trọng của bệnh và nguy cơ sốc nhiễm trùng. Điều trị sớm giúp giảm nguy cơ biến chứng như hoại thư hoặc tổn thương não.

Vì lý do này, những người đã tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh não mô cầu cũng có thể cần được điều trị.

Một đợt điều trị kháng sinh kéo dài 24 giờ giúp hạn chế sự lây lan của vi khuẩn. Liệu trình điều trị thường kéo dài trong 7 ngày. Cần áp dụng liên tục và đẩy đủ để có thể loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn.

Trong trường hợp nghiêm trọng của bệnh não mô cầu, cả da và mô có thể không được cung cấp đủ lưu lượng oxy gây hoại tử chi. Nếu điều này xảy ra, có thể cần phải cắt bỏ vùng hoại tử hoặc đoạn chi.

Phòng ngừa bệnh não mô cầu

Vắc-xin là biện pháp phòng ngừa tốt nhất chống lại bệnh viêm màng não mô cầu, đặc biệt là ở những người có tình trạng miễn dịch bị suy yếu.

Giữ thói quen thói quen lành mạnh, chẳng hạn như ngủ đủ giấc và tránh tiếp xúc gần gũi với những người bị bệnh cũng giúp ích.

Những người tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh não mô cầu nên hỏi bác sĩ về thuốc kháng sinh để ngăn ngừa bệnh.

      Vắc-xin phòng ngừa bệnh não mô cầu

Chủng ngừa viêm màng não cầu khuẩn

Trẻ em có thể được chủng ngừa MenACWY thường quy trong độ tuổi từ 11 đến 12 tuổi, với mũi tiêm nhắc lại khi chúng 16 tuổi. Những trẻ được tiêm vắc-xin từ 16 tuổi trở lên không cần tiêm nhắc.

Các bác sĩ có thể tiêm vắc-xin MenB cho những người ở độ tuổi 16 hay những trẻ em từ 10 tuổi trở lên có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Trẻ em và người lớn có nguy cơ bị nhiễm trùng có thể được tiêm các loại vắc-xin khác nhau vào các thời điểm khác nhau.

Các chủng vi khuẩn khác nhau tồn tại ở các quốc gia khác, vì vậy vắc-xin bảo vệ con người khỏi vi khuẩn não mô cầu ở một quốc gia có thể không có tác dụng bảo vệ khi ở nước ngoài. Vì vậy cần luôn tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi ra nước ngoài trong trường hợp cần tiêm phòng loại vắc-xin khác.

Tổng kết

Viêm màng não mô cầu là một loại nhiễm trùng máu nghiêm trọng. Một số người có thể phát triển các biến chứng về thể chất, thần kinh và tâm lý do hậu quả của bệnh não mô cầu.

Các vi khuẩn gây bệnh não mô cầu gây tổn thương mạch máu, ngăn chặn dòng chảy oxy đến các cơ quan và mô chính có thể dẫn đến:

  • Tổn thương da và mô;
  • Suy nội tạng;
  • Hoại tử chi;
  • Tử vong.

Tuy nhiên nếu các bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh sớm, những người mắc bệnh não mô cầu có thể phục hồi hoàn toàn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top